Những tâm huyết của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt được giới thiệu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội trong sự kiện Tâm họa tri ân.
Bà vừa có buổi trò chuyện về hành trình, dự án đặc biệt của mình sáng 27-7 với công chúng. Dù dự án đã được biết tới và ngưỡng mộ từ lâu nhưng những câu chuyện cảm động của bà vẫn không ngừng hấp dẫn mọi người.
Hành trình trả ơn cuộc đời của họa sĩ Đặng Ái Việt
14 năm qua, bà Đặng Ái Việt, một bà lão bé nhỏ, tóc bạc da mồi rong ruổi một mình một "ngựa" xe máy băng đèo vượt núi, lên rừng xuống biển để tìm đến các mẹ Việt Nam anh hùng khắp cả nước.
Bà đến để lắng nghe nỗi lòng của các mẹ, ăn với các mẹ một bữa cơm đạm bạc trong ngôi nhà quạnh vắng, thiu thiu giấc trưa an lành ngắn ngủi bên mẹ và tỉnh dậy trong tiếng mẹ thổn thức vì cảm động...
Cuối cùng là để vẽ chân dung các mẹ, mà thực ra là vẽ những nỗi lòng các mẹ một đời đeo mang, vẽ những câu chuyện bi hùng.
Trên hành trình đó, bà Việt phải đi qua mưa rừng gió núi, những đoạn núi lở, những ngày khó khăn, đói khát, không tìm được chỗ nghỉ...
Nhưng bà bảo trong từ điển của bà không có từ "khó khăn". Nó xa xỉ quá bởi nó đồng nghĩa với việc có thể lùi bước. Mà bà thì tuyệt đối không lùi bước.
Sao một bà lão tuổi xưa nay hiếm có thể làm được một hành trình khó tin ấy? Bà bảo chỉ có tình yêu mới có thể giúp người ta có sức mạnh để làm những việc tưởng chừng không thể.
Hành trình bà tìm về với các mẹ chính là hành trình đến với tình yêu cuộc sống, tri ân cuộc đời, tri ân đồng đội và những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu sôi nổi cho hòa bình của đất nước.
Tuổi đôi mươi, là họa sĩ cho tờ báo Phụ Nữ Giải Phóng, bà Đặng Ái Việt ngoài việc vẽ minh họa cho báo còn tham gia chiến đấu cùng các đội du kích ở Trảng Bàng, Tây Ninh, được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt cơ giới".
Biết về nữ họa sĩ đầy can trường, đầy nhiệt huyết ngày ấy, người ta sẽ hiểu nguồn năng lượng khó tin của bà Việt bây giờ.
Trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Thanh - nguyên tổng thư ký Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam - lúc bấy giờ bà Việt không chỉ làm công việc họa sĩ mà còn là người tiếp liệu, là chị nuôi, là du kích của cơ quan, là thợ mộc cưa, bào ván, lại thêm ca hát rất hay.
Đó là những tháng năm tuổi trẻ sôi nổi, bà Việt ngồi vẽ minh họa cho báo cả đêm dưới ngọn đèn bão lờ mờ.
Bà Nguyễn Thị Được - nguyên phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam - còn nhớ ngày ấy hễ buông cây bút vẽ là cô gái trẻ đào hầm, bổ củi, tải gạo, ca hát với bạn bè, không nề hà cực khổ.
Người phụ nữ ấy, tới ngày cưới của mình còn đi sửa lỗi chính tả ở nhà in bên kia Vàm Cỏ Đông. Chiều về, nước đổ mênh mông không thấy bờ. Cô dâu dũng cảm ôm thùng phuy hối hả bơi qua sông để kịp lễ thành hôn giản dị trong rừng.
Ai ngờ người phụ nữ này vẫn tiếp tục cuộc chiến hối hả ở tuổi ngoài 70 để vẽ được nhiều nhất các mẹ Việt Nam anh hùng.
Còn thở, còn vẽ các mẹ
Bà bảo không hối hả, không cấp tập thì sao kịp? Có tỉnh bà đến như Lai Châu từ năm 2011, chỉ còn duy nhất một mẹ.
Ngày 16-6 vừa qua, kết thúc việc vẽ mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, bà Ái Việt ngược ra Bắc, tới Hà Tĩnh tiếp tục hành trình.
Bà vừa nhận được danh sách của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết toàn tỉnh còn 21 mẹ, ít ngày sau tới nơi thì chỉ còn 20 mẹ. Một mẹ đã không kịp đợi bà Ái Việt. Một mẹ ở TP Hà Tĩnh bà vừa vẽ xong cũng 108 tuổi, may mắn mà kịp vẽ.
Sau khi hoàn thành vẽ các mẹ Việt Nam anh hùng, bà Việt sẽ tập trung vào hành trình vẽ các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động. Hiện bà đã hoàn thành việc này ở Quân khu 7 và Quân khu 9.
Còn bảy quân khu nữa trong cả nước đợi bà để hoàn thành dự án về đề tài nhân chứng lịch sử. Hành trình vẽ của bà mỗi ngày thêm hối hả. Đó là một cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian thực sự nhưng bà hạnh phúc.
Bà muốn dành tất cả những bức vẽ này để gửi lại các thế hệ trẻ tiếp nối, để nhắc các bạn không quên những người đã hy sinh cho đất nước thanh bình, no ấm hôm nay. Để bền bỉ gieo yêu thương ngày một dày lên trên đất nước mình.
"Lai Châu, 7-6-2011:
9h đến công trường thủy điện Sông Đà. Công trường đang ngổn ngang, khủng khiếp nhất là bùn lầy, đường độc đạo không có đường tránh.
Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn lầy ngập bánh xe. Dẫu đã dồn hết sức lực nhưng không vượt nổi cái dốc đứng, bùn dẻo, bánh xe không bám được, xe Chaly và mình ngã ngang giữa dốc.
Pô xe cháy vào chân đau rát. Đến nơi, biết tin còn có mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Tuy có nhọc mệt nhưng nghe lòng thanh thản.
Lai Châu chỉ còn duy nhất một mẹ Việt Nam anh hùng. Đến được Mường Tè rồi thì yên tâm nhưng nhớ đoạn đường quay lại ớn rùng mình".
(Trích nhật ký đi vẽ của bà Đặng Ái Việt)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận