17/06/2024 10:10 GMT+7

Bình văn của họa sĩ Lê Văn Miến và những 'nghi án'

Sau bài 'Chuyện mua tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam' trên Tuổi Trẻ ngày 9-6, nhiều chuyện thú vị liên quan bức Bình văn được khơi lại. Ai là người phát hiện bức tranh quý? Đây là tranh chép? Có thực sự của Lê Văn Miến?

Bức ảnh Giáo dục truyền thống của Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau (trên) và bức tranh Bình văn - Nguồn: T.ĐIỂU chụp lại

Bức ảnh Giáo dục truyền thống của Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau (trên) và bức tranh Bình văn - Nguồn: T.ĐIỂU chụp lại

Tuổi Trẻ tiếp tục đi tìm câu trả lời. Nhiều câu chuyện thú vị xung quanh bức tranh và họa sĩ Lê Văn Miến dần mở ra.

Bức Bình văn do Thái Bá Vân phát hiện

Sau bài báo "Chuyện mua tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam", bà Thái Thị Mây - con gái nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - thông tin cha của bà mới là người phát hiện bức Bình văn (vốn không ký tên tác giả) là của họa sĩ Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) - họa sĩ sơn dầu đầu tiên của Việt Nam.

Theo bà Mây, thông tin này cha bà kể trong bài viết Kỷ niệm về bức tranh Bình văn của họa sĩ Lê Văn Miến tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bài viết in trong một số cuốn sách.

Cuốn Tiếp xúc với nghệ thuật của Thái Bá Vân (NXB Mỹ Thuật, 2009) có in bài viết trên. Bài viết cho biết khi ông Thái Bá Vân đến nhà một gia đình ở phố Khâm Thiên xem bức tranh trên, thấy tranh không có tên, không ký tên tác giả hay năm sáng tác.

Nhưng bằng kinh nghiệm nghiên cứu về bút pháp, ước chừng tuổi của tranh cũng như nhiều sự kiện khác, ông Thái Bá Vân cho rằng bức tranh là của Lê Văn Miến.

Và bức tranh có ý nghĩa rất quan trọng với mỹ thuật Việt Nam, vì nó là bằng chứng cho thấy mỹ thuật hiện đại Việt Nam có từ ngay đầu thế kỷ 20 chứ không phải đến năm 1925 thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trong bài viết, ông Thái Bá Vân cho việc phát hiện bức Bình văn và phát hiện ra tác giả của bức tranh chính là may mắn và vinh dự nghề nghiệp của ông.

Ông cũng kể lại với đoàn cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn đầu đến xem bức tranh lần đầu rồi sau đó quyết định mua, trong đó có bà Nguyễn Hải Yến.

Ông Thái Bá Vân cũng cho biết bà Hải Yến là người đã cầm tiền đến lấy bức tranh về cho bảo tàng như trong câu chuyện bà Yến đã kể với Tuổi Trẻ.

Trao đổi với bà Nguyễn Hải Yến về câu chuyện ông Thái Bá Vân từng ghi, bà Yến kể ông Thái Bá Vân đúng là người phát hiện và cho rằng bức Bình văn (tên tranh do bà Hải Yến đặt từ một câu chuyện tình cờ, mọi người đều đồng ý với tên này) là của họa sĩ Lê Văn Miến và đề nghị bảo tàng nên đến xem, mua về.

Lúc đó, ông Thái Bá Vân đang làm việc tại Viện Mỹ thuật.

Bà Yến nói ngoài ông Thái Bá Vân còn có những họa sĩ khác biết về bức tranh quý và cũng thông tin về cho bảo tàng.

Giống như các bức tranh khác được mua về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ ấy, việc mua bức Bình văn là công sức của cả tập thể.

Bà Nguyễn Hải Yến (giữa) cùng đoàn điền dã nghiên cứu các tác phẩm của Lê Văn Miến năm 2014 - Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Hải Yến (giữa) cùng đoàn điền dã nghiên cứu các tác phẩm của Lê Văn Miến năm 2014 - Ảnh: NVCC

Bình văn là tranh chép và chưa chắc của Lê Văn Miến?

Nhưng câu chuyện về bức tranh quý này chưa hết. Tháng 5-2014, tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội) có triển lãm bộ sưu tập ảnh Ký ức về Việt Nam 1895 - 1896 của Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau.

Nhiều người xem giật mình khi thấy bức ảnh có tên Giáo dục truyền thống giống hệt bức tranh Bình văn.

Vậy bức Bình văn sau 42 năm được coi là bức tranh quý trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của hội họa sơn dầu Việt Nam, hóa ra lại là một bức tranh chép từ ảnh?

Nhân chuyện này, Viện Mỹ thuật tổ chức tọa đàm giới thiệu nghiên cứu, phát hiện mới về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến vào tháng 10-2014.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho rằng không chắc chắn bức tranh là của Lê Văn Miến. Sau đó, ông Đăng viết một chuyên khảo dài với tựa Lê Văn Miến - Antonello da Messina của Việt Nam? đăng trên trang website cá nhân của ông.

Tham luận và bài viết năm 2014 đã dẫn của ông Đăng lần đầu tiên đã cung cấp ngày sinh chính xác của ông Lê Văn Miến, là ngày 13-3-1874 (năm nay kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông Lê Văn Miến).

Trong chuyên khảo kỹ lưỡng này, nhờ vào những hồ sơ lưu trữ về Lê Văn Miến tại Lưu trữ quốc gia Pháp và Trường Mỹ thuật Paris (École des Beaux - Arts de Paris) mà Lê Văn Miến theo học, ông Đăng đã "đính chính" lại nhiều thông tin chưa chính xác về Lê Văn Miến được lưu truyền trong các tài liệu trước đó.

Theo đó, ông Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên học kỹ thuật sơn dầu hàn lâm của Trường Mỹ thuật Paris và du nhập nó vào Việt Nam vào khoảng năm 1895 - 30 năm trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập.

Nhưng tên của ông phải là Lê Văn Miến theo chính sử Việt Nam và gia phả, hoặc Lê Miến theo hồ sơ gốc lưu tại Trường Mỹ thuật Paris.

Tên Lê Huy Miến không tồn tại trong các tư liệu có xác nhận của hành chính đương thời.

Trong thời gian là học sinh Trường Thuộc địa ở Paris, Lê Văn Miến học bốn năm (1890 - 1894) tại xưởng vẽ của danh họa Jean-Léon Gérôme, giáo sư hội họa Mỹ thuật Paris. Ông không phải là học sinh chính thức của trường này.

Lê Văn Miến được giáo sư Gérôme viết thư giới thiệu là siêng năng và coi là một trong những học trò giỏi nhất của mình.

Đặc biệt, ông Đăng chứng minh việc kết luận trước đây cho rằng bức Bình văn của Lê Văn Miến chỉ là "kết quả suy diễn dựa trên cơ sở của niềm tin".

Phân tích phong cách vẽ của bức này với hai bức chân dung cụ Lê Hy (1895 - 1897) và cụ Tú Mền (1898) được xác định là của Lê Văn Miến, ông Đăng cho biết là hai phong cách khác nhau.

Bức Bình văn là một bức tranh vẽ chưa xong, bằng kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp theo lối được dạy tại Trường Mỹ thuật Paris.

Ông Đăng nêu khả năng Lê Văn Miến là tác giả bức Bình văn "chắc chỉ độ 50%, trừ phi cụ Miến sử dụng hai bút pháp khác nhau trong cùng một giai đoạn".

Ông Đăng đưa thêm giả thuyết liệu Nguyễn Trang Thúc cũng là học trò của Jean-Léon Gérôme và cũng là dân xứ Nghệ như Lê Văn Miến, có phải mới là người đã vẽ bức Bình văn?

Họa sĩ Lê Huy Tiếp - cháu gọi Lê Văn Miến bằng ông (ông nội ông Tiếp và ông Miến là anh em ruột) - cho biết ông tin bức Bình văn là của ông Miến.

Chuyện phong cách khác hai bức sơn dầu cùng giai đoạn, ông Tiếp nói những họa sĩ tài năng có thể vẽ nhiều phong cách cùng lúc.

Việc tranh không ký tên, ông Tiếp cho rằng vì tranh chưa hoàn chỉnh.

Bình văn vẫn có giá trị rất lớn

Tuy Bình văn là bức tranh chưa hoàn thiện, chép lại từ ảnh, không chắc chắn của Lê Văn Miến, nhưng ông Nguyễn Đình Đăng khẳng định nó rất có giá trị.

Bởi Chân dung cụ Lê Hy, Chân dung cụ Tú Mền, Bình văn hiện là những bức sơn dầu đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Chỉ riêng giá trị lịch sử cũng xứng đáng xếp hạng như những bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, ông Đăng cho hay cả ba bức họa này hiện đang hỏng nặng vì nhiều nguyên nhân trong đó có việc bảo quản kém.

Chuyện thú vị đằng sau nhiều bức tranh quý được mua về Bảo tàng Mỹ thuật Việt NamChuyện thú vị đằng sau nhiều bức tranh quý được mua về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Con nhà trí thức tiểu tư sản từng khiến bà Nguyễn Hải Yến gặp khó nhưng cũng chính nhờ đó giúp bà dễ dàng tiếp cận các gia đình danh giá ở Hà Nội để mua về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhiều tranh quý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên