09/06/2024 13:18 GMT+7

Chuyện thú vị đằng sau nhiều bức tranh quý được mua về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Con nhà trí thức tiểu tư sản từng khiến bà Nguyễn Hải Yến gặp khó nhưng cũng chính nhờ đó giúp bà dễ dàng tiếp cận các gia đình danh giá ở Hà Nội để mua về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhiều tranh quý.

Bà Nguyễn Hải Yến (giữa) cùng đồng nghiệp nữ và nhà nhiếp ảnh Lê Vượng đi điền dã tại chùa Keo năm 1968

Bà Nguyễn Hải Yến (giữa) cùng đồng nghiệp nữ và nhà nhiếp ảnh Lê Vượng đi điền dã tại chùa Keo năm 1968

Làm việc cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ những ngày đầu thành lập (1960 - 1970), bà Nguyễn Hải Yến cùng đồng nghiệp đã đưa về bảo tàng những bức tranh quý của Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Huy Miến… trong đó có những bức thành Bảo vật quốc gia.

Ái nữ của cụ Phượng

Tiếp cận các gia đình Hà Nội danh giá những năm đất nước mới hòa bình để thuyết phục họ nhượng quyền sở hữu những bức tranh quý thời Mỹ thuật Đông Dương cho bảo tàng là một việc rất khó khăn mà nếu không nhờ vào danh phận "ái nữ của cụ Phượng" thì khó lòng làm được.

Bà Nguyễn Hải Yến là con gái của nhà nghiên cứu văn học, sử học, nhà báo Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974) hiệu Tiên Đàm.

Ông Phượng là chủ bút tạp chí Tri Tân (tồn tại từ 1941 - 1946), chủ tịch đầu tiên của Đoàn Báo chí Việt Nam thành lập tháng 12-1945, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay.

Ngôi nhà yên tĩnh nằm trong ngõ nhỏ của con phố trung tâm Hà Nội, cuộc trò chuyện làm bà Yến trở về với những ký ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi và nhiệt huyết.

Năm 1962, Viện Mỹ thuật, mỹ nghệ được thành lập với mục đích để làm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Viện trưởng là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.

Năm 1964, vừa tốt nghiệp văn khoa sư phạm Hà Nội, bà Yến được tuyển về làm nghiên cứu, sưu tập hiện vật, chuẩn bị cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra đời (1966).

Công việc của bà Yến cùng các đồng nghiệp là đi điền dã các di tích, mang hiện vật về trưng bày. Sau đó bà được giao chuyên phụ trách nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm mỹ thuật thời kỳ cận đại, thời Mỹ thuật Đông Dương.

Nhờ có kiến thức sâu rộng về văn hóa, được giáo dục cẩn thận trong một gia đình trí thức, và là con của "cụ Phượng" mà bà Yến gõ cửa nhà nào cũng được chào đón.

Từ bà Trần Bình Lộc, bà Tô Ngọc Vân, bà Thẩm Hoàng Tín, bà Tham Ý ở phố Quán Thánh, họa sĩ Nguyễn Dung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Thang Trần Phềnh…

Hồi ấy cuộc thay đổi lớn trong xã hội khiến cho những bức tranh thời Mỹ thuật Đông Dương bị coi là thứ rơi rớt của lãng mạn tiểu tư sản, các gia đình không dám treo, càng không dám nhận mình có tranh ấy rồi chuyển nhượng cho người họ không tin tưởng.

Bà Hải Yến nhờ vào uy tín của cha và của gia đình danh giá lâu đời, bản thân vẫn giữ nếp ăn nói lễ phép thưa gửi "tiểu tư sản" mà được các gia đình ấy tin cậy.

Phần lớn các gia đình bà Yến đến gõ cửa đều thân quen với gia đình bà. Nên hầu như tới đâu bà cũng mang được tranh quý về cho bảo tàng.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến tại nhà riêng tháng 6-2024 - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến tại nhà riêng tháng 6-2024 - Ảnh: T.ĐIỂU

Một cuộc mua tranh gay cấn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong số nhiều bức tranh quý mà bà Yến mua về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bà Yến nhớ nhất chuyện mua bức tranh Bình văn của họa sĩ Lê Huy Miến vào cuối năm 1972, vì tính "gay cấn" của cuộc thương lượng kéo dài gần ba năm cũng như số phận quá may mắn của bức tranh khi tránh được trận bom B52 hủy diệt phố Khâm Thiên tháng 12-1972.

Năm 1969, bà Yến được người quen mách họa sĩ Nguyễn Mạnh Quân ở Khâm Thiên có bức tranh quý của họa sĩ Lê Huy Miến.

Đầu năm 1970, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - đề nghị phòng nghiên cứu hiện đại của bảo tàng đến xem bức tranh này và ông đi cùng nhóm nghiên cứu. Sau chuyến viếng thăm, bảo tàng quyết định mua bức tranh.

Tác phẩm Bình văn của Lê Huy Miến mà bà Hải Yến kịp mua về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước khi phố Khâm Thiên nơi để bức tranh bị ném bom cuối năm 1972

Tác phẩm Bình văn của Lê Huy Miến mà bà Hải Yến kịp mua về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước khi phố Khâm Thiên nơi để bức tranh bị ném bom cuối năm 1972

Nhưng gia đình cho biết đây là bức tranh mà bác ông Quân trước khi di cư vào Nam để lại. Năm 1956, ông bác từ Nam gửi thư ra, dặn dò em trai số tài sản ông để lại có thể bán cái gì ông muốn nhưng hãy cố giữ lại bức tranh.

Vì vậy việc thương lượng mua tranh không dễ dàng. Cha ông Quân muốn đổi bức tranh lấy một xe đạp Peugeot, tương đương hơn 1.000 đồng theo thời giá năm 1970. Bảo tàng không mua được với mức giá đó.

Hai năm sau, khi cha mất, ông Quân tìm đến bảo tàng để thương lượng lại với mức giá 900 đồng.

Nhưng lúc đó là tháng 12-1972, Bảo tàng Mỹ thuật đi sơ tán nên việc mua bán chưa hoàn thành.

Hiện vẻ hoa - tác phẩm duy nhất của Nguyễn Tường Lân có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Hiện vẻ hoa - tác phẩm duy nhất của Nguyễn Tường Lân có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

May mắn, cuối tháng 12, bà Yến được gọi về Hà Nội để chuẩn bị phòng tranh chuyên đề hữu nghị - triển lãm tập hợp các tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam vẽ về các nước XHCN vào đầu năm 1973.

Trong số các tranh mượn để triển lãm có bức Đêm khuya chờ xe điện ngầm của họa sĩ Lê Thanh Đức, nhà ở Khâm Thiên. Nhân đi mượn bức tranh này, bà Yến đã thuyết phục kế toán bảo tàng giao tiền cho bà để mang bức Bình văn của Lê Huy Miến về. Đó là ngày 20-12-1972.

Chỉ vài ngày sau, bom B52 rải thảm trên phố Khâm Thiên.

Nhìn cả khu phố đổ nát, bà Yến không dám nghĩ tới chuyện nếu vài ngày trước bà không kịp mang bức Bình văn về bảo tàng thì số phận của nó sẽ ra sao.

Cũng tranh của họa sĩ Lê Huy Miến, bà Yến trước đó nhờ những mối thân quen trong gia đình đã tìm được tung tích và mua về cho bảo tàng bức Chân dung cụ Tú Mền.

Ngày khai trương Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 24-6-1966, bức chân dung được treo trang trọng ngay phòng tranh cận đại, bên cạnh những tác phẩm lộng lẫy của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, Lương Xuân Nhị.

Cuộc đổi tranh của Nguyễn Gia Trí

Bà Yến không chỉ mua tranh quý cho bảo tàng từ các gia đình ở Hà Nội mà công cuộc săn lùng bảo vật còn mở rộng vào phía Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Trong chuyến đi công tác TP.HCM năm 1978, bà cùng với đồng nghiệp không chỉ mua được bức tranh phấn màu của Mai Trung Thứ vẽ một cô gái Huế đang e lệ che nón, mà còn biết được thông tin bức bình phong quý của Nguyễn Gia Trí đang ở Đà Lạt.

Vậy là ngay mùa đông năm ấy, bà Yến cùng đoàn vào Đà Lạt đưa tác phẩm về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm lúc đó đang được trưng bày tại Nhà khách Đà Lạt (xưa là Dinh Bảo Đại). Bảo tàng không thể mua mà phải… đổi tranh.

Tác phẩm bình phong Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Gia Trí được mang về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm bình phong Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Gia Trí được mang về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sau khi thương lượng, bảo tàng đã đổi cho nhà khách bức bình phong sơn khắc Tây Nguyên bao la - Tây Nguyên hùng vĩ do hai anh em họa sĩ Nguyễn Như Hoành, Nguyễn Như Huân sáng tác năm 1960 có kích cỡ tương tự bức bình phong của Nguyễn Gia Trí.

Đây là bức bình phong hai mặt. Một mặt là tác phẩm Thiếu nữ trong vườn. Mặt hai là tác phẩm Phong cảnh, mà nhiều người gọi là Khoai môn.

Lần đầu nhìn thấy, bà Yến thảng thốt vì tác phẩm hoàn hảo về kỹ thuật, nghệ thuật và chất liệu. Tuy nhiên, tranh có một lỗ thủng khoảng 5cm do đạn bắn trong thời kỳ chiến tranh. Sau này bức tranh được phục chế xóa đi vết đạn này.

Tới năm 2017, tác phẩm Thiếu nữ trong vườn được công nhận Bảo vật quốc gia.

Tranh khỏa thân của Lê Phổ được mua giá kỷ lục 1,4 triệu USDTranh khỏa thân của Lê Phổ được mua giá kỷ lục 1,4 triệu USD

TTO - Tin vui đang lan truyền trong cộng đồng họa sĩ Việt như một niềm khích lệ sáng tạo lớn cho giới hội họa trong nước: sáng nay, bức ‘Khỏa thân’ của Lê Phổ đạt mức giá kỷ lục gần 1,4 triệu USD, còn tranh của Tô Ngọc Vân lần đầu cán mốc 'triệu đô'

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên