Rất nhiều những ánh hào quang rực rỡ từ Trường Mỹ thuật Đông Dương được dựng lại một cách khá toàn diện trong cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương của Charlotte Aguttes-Reynier do NXB In Fine éditions d'art phát hành ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh từ 14-2.
Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier - con gái người sáng lập nhà đấu giá Aguttes (Pháp) - vừa có buổi gặp gỡ giới mỹ thuật và truyền thông tại Hà Nội nhân dịp ra mắt cuốn sách này.
Bà tâm sự thông qua cuốn sách mà bà đã nghiên cứu, tập hợp tư liệu trong hơn 10 năm qua, Charlotte muốn tri ân tài năng của các sinh viên Mỹ thuật Đông Dương.
Tiếp cận các nguồn tài liệu phong phú từ Pháp, đặc biệt là tư liệu của gia đình họa sĩ Victor Tardieu, cuốn sách mang đến nhiều thông tin thú vị và mới mẻ về các họa sĩ tài năng của Việt Nam từ trăm năm trước.
Victor Tardieu và tham vọng lớn
Cuốn sách cho thấy một tình cảm đặc biệt của các học trò người Việt dành cho người thầy Pháp có công sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng họa sĩ Nam Sơn.
Victor Tardieu đã dành rất nhiều tâm huyết xây dựng một chương trình đào tạo để phát huy di sản truyền thống kết hợp với hội họa phương Tây, được khích lệ "chấn hưng nghệ thuật An Nam".
Những ngợi ca về ngôi trường và ông thầy Pháp có thể tìm thấy ở bài phát biểu về trường do sinh viên Tô Ngọc Vân viết.
Victor Tardieu đã thể hiện sự quyết tâm và tham vọng rất lớn để xây dựng một trường phái Hà Nội phát triển mạnh mẽ, không thua kém các trường phái đang nổi tiếng trên thế giới.
Trong một báo cáo được viết năm 1932, bài Những suy nghĩ về thành công vẻ vang mà các học sinh đã tốt nghiệp tham gia triển lãm Nghệ sĩ Pháp năm 1932, ông kết luận: "Trường phái Hà Nội từ đây sẽ ngang hàng với trường phái Tây Ban Nha hay trường phái Hà Lan".
Thực tế, bản tin của Đông Dương kinh tế cục, 1933, trang 215 đã viết về Triển lãm các nghệ sĩ Pháp, Grand Palais, Paris, từ 30-4 đến 30-6-1933: "Nam Sơn, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, ba họa sĩ đã làm rạng danh sự nghiệp giáo dục của trường phái Hà Nội".
Lê Văn Đệ và Tô Ngọc Vân ngang ngửa Chagall
Với Lê Văn Đệ, tờ Tương Lai Bắc Kỳ ngày 11-12-1937 đã viết Lê Văn Đệ là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được diện kiến Đức Giáo hoàng.
Chuyện là sau khi tốt nghiệp đồng hạng thủ khoa khóa đầu tiên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930), với sự giới thiệu của thầy Vitor Tardieu cùng những bức tranh Lê Văn Đệ mang sang, ông được tuyển thẳng vào Trường Mỹ thuật quốc gia tại Paris mà không phải học dự bị.
Trong thư viết cho thầy Victor Tardieu tháng 10-1932, Lê Văn Đệ cho biết đã giành học bổng Nam Kỳ để đi du học tại Ý, Hy Lạp và các thành phố thủ phủ nghệ thuật châu Âu trong sáu tháng.
Theo tài liệu về Victor Tardieu tại Viện Lịch sử nghệ thuật quốc gia Pháp, tài năng của Lê Văn Đệ được đánh giá cao tại Rome nên từ dự kiến ở một vài tháng ban đầu, ông đã ở đó vài năm.
Trong quãng thời gian này, Lê Văn Đệ tổ chức nhiều triển lãm thành công vang dội.
Năm 1936, ông được Vatican lựa chọn điều hành việc sáng tạo và trang trí các phòng châu Á tại Triển lãm quốc tế về báo chí Công giáo.
Sau đó ông vinh dự được diện kiến riêng, được hôn lên chiếc nhẫn của Giáo hoàng và nhận tước hiệu Hiệp sĩ Giáo hoàng. Thành tựu xuất sắc trong bốn tháng làm việc ở Vatican khiến Lê Văn Đệ được các đồng nghiệp ngợi ca là "thiên tài châu Á".
Năm 1954, ông tham gia thành lập Trường Quốc gia mỹ thuật tại Sài Gòn, làm hiệu trưởng và dành những năm tháng cuối của mình tại ngôi trường này. Lê Văn Đệ mất năm 1966.
Tô Ngọc Vân (sinh viên khóa 2 năm 1926-1931) tham gia nhiều cuộc triển lãm cả ở Pháp và Đông Dương, được tặng bằng khen danh dự tại Triển lãm các nghệ sĩ Pháp vào năm 1932, rồi được bầu làm thành viên của Hiệp hội Họa sĩ Pháp.
Đặc biệt, tài năng của Tô Ngọc Vân được Camille Mauclair ca ngợi trên tờ Le Figaro ngày 10-3-1933: "Có thể sẽ thời thượng hơn khi sở hữu một bức tranh của Tô Ngọc Vân thay vì một bức của Chagall hay của Kokochska: thanh sắc sẽ không hơn không kém và bức tranh sẽ đẹp hơn".
Đấu giá tranh Đông Dương chủ yếu là người Việt
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Charlotte Aguttes-Reynier cho biết tranh họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương gắn liền với các nhà sưu tập gốc Việt, thường là người gốc Việt tham gia đấu giá, dù ở Pháp hay Hong Kong.
Tranh Đông Dương trước đây chưa có giá cao. Cơn sốt bắt đầu từ năm 2014, khi nhà Aguttes đấu giá thành công bức Thưởng trà của Lê Phổ. Từ đó tranh Đông Dương ngày càng tăng giá, đặc biệt của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nam Sơn...
Đỉnh điểm giá tranh Đông Dương rơi vào năm 2022, nhưng đến năm 2023 thì bắt đầu chững lại và xuất hiện tình trạng người Việt đấu cao nhưng sau đó không thanh toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận