31/05/2024 19:45 GMT+7

Tranh đồ họa Việt ‘đang lên’ hay đáng báo động?

Ông Nguyễn Nghĩa Phương - phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam - cho biết chất lượng tranh đồ họa Việt Nam đang ngày càng được nâng lên, thuộc top các nước mạnh ở ASEAN, nhưng họa sĩ Trịnh Tuân thì có ý kiến khác.

Tác phẩm Chợ - tranh khắc gỗ của Nguyễn Hoàng Tuấn

Tác phẩm Chợ - tranh khắc gỗ của Nguyễn Hoàng Tuấn

Hai họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương và Trịnh Tuân chia sẻ khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại lễ phát động Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 4 - Việt Nam 2024 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức ngày 31-5.

Đồ họa Việt Nam đang ở đâu?

PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương cho biết ông tham gia hội đồng nghệ thuật của Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN ngay từ lần đầu tổ chức vào năm 2012.

Xem tranh của họa sĩ các nước khác trong khu vực ASEAN thấy phương tiện kỹ thuật trong sáng tác cũng như hình thức thể hiện của tranh đồ họa rất phong phú, nhiều sáng tạo mới, như có cả tranh đồ họa sắp đặt, tranh đồ họa nhiều lớp…

Trong khi đó, tranh đồ họa Việt Nam có lịch sử lâu đời nhưng những năm qua đầu tư cho đào tạo họa sĩ đồ họa ở các nhà trường Việt Nam chưa được nhiều như các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, gần đây, các họa sĩ đồ họa Việt Nam rất tích cực tham gia triển lãm ở các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latin.

Khi tham gia các triển lãm quốc tế này, cũng như Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN, các họa sĩ Việt Nam được học hỏi rất nhiều.

Nhờ vậy hiện nay chất lượng tranh đồ họa Việt Nam đang ngày càng được nâng lên, thuộc top các nước mạnh ở ASEAN.

Tuy nhiên họa sĩ Trịnh Tuân - một người cũng có nhiều năm giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội - thì không lạc quan như vậy.

Ông Tuân nói không chỉ riêng kết quả các Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa ASEAN do Việt Nam tổ chức mà nhiều hoạt động giao lưu quốc tế thường niên về tranh đồ họa cho thấy trình độ của các họa sĩ Việt Nam đang ở đâu.

Ông Tuân dẫn một ví dụ: cộng lại các máy in ấn, các kỹ thuật in ấn của tất cả các trường có đào tạo chuyên nghiệp về đồ họa ở Việt Nam cũng không bằng máy móc, kỹ thuật tại một xưởng nhỏ của một trường mỹ thuật nhỏ của một tỉnh nhỏ ở Thái Lan hay một vài nước khác ở khu vực ASEAN.

Mà kỹ thuật tranh đồ họa thì phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất máy móc in ấn.

Và Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN chính là cơ hội để các nghệ sĩ Việt biết thế mạnh ở từng quốc gia, các nghệ sĩ sẽ tự đánh giá được trình độ của mình để học hỏi thêm.

Sẽ tổ chức triển lãm tại Hải Phòng

Về Cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 4 - Việt Nam 2024, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết đây là hoạt động được tổ chức định kỳ 4 năm/lần, bắt đầu từ 2012.

Các tác giả là công dân của các nước ASEAN đều có thể tham dự. 

Đề tài không bó buộc, tác phẩm là đồ họa tranh in, thuộc các thể loại: tranh in nổi, tranh in lõm, tranh in phẳng, tranh in xuyên, tranh in độc bản, tranh in các kỹ thuật khác, tranh in đa chiều (sắp đặt tranh in, book art tranh in, tranh in nhiều lớp).

Các tác phẩm tham dự được sáng tác từ năm 2020 đến nay. Mỗi tác giả được gửi tham gia tối đa 3 tác phẩm, từ nay đến hết ngày 5-8.

Dự kiến Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 4 sẽ khai mạc tháng 12 tới, tại Bảo tàng Hải Phòng (TP Hải Phòng), chứ không phải ở Hà Nội như các kỳ trước.

Bộ truyện tranh đầu tay của SV thiết kế đồ họa ĐH Duy TânBộ truyện tranh đầu tay của SV thiết kế đồ họa ĐH Duy Tân

Yêu thích tác phẩm truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhóm vẽ mang tên “Lính Chì” đã chuyển thể và cho ra đời tác phẩm truyện tranh đầu tay với Phần 1 mang tên “Tương tư”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên