Thí sinh cần lưu ý để tránh những lỗi có thể đánh mất cơ hội của mình.
Phóng to |
Thí sinh đang chờ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Trong ngày đầu tiên ĐKXT NV2, phần lớn thí sinh đã ghi sai nội dung vào phiếu ĐKXT NV2. Điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay là thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT NV2 đã nộp để nộp vào trường khác hay ngành khác cùng trường. Do đó, giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh cũng khác so với các năm trước.
Không nên vội vàng
Mỗi nguyện vọng có hai phần ghi xét tuyển lần 1 và 2 (trong trường hợp thí sinh rút hồ sơ NV2 để nộp vào trường khác thì ghi vào phần 2) nhưng hầu hết thí sinh đều ghi cả hai phần (cả lần 1 và lần 2 trong khi chỉ cần ghi vào vị trí lần 1).
Như vậy thí sinh đã tự làm khó mình bởi khi rút hồ sơ ra để đăng ký lần 2, sẽ không còn vị trí để ghi ngành và trường muốn xét tuyển. Một số thí sinh còn tẩy xóa trong phiếu ĐKXT NV2. Thậm chí có thí sinh không nắm rõ nên đã nộp cả hai phiếu số 1 (để xét NV2) và số 2 (để xét NV3) cùng lúc khi xét tuyển NV2.
Trường hợp rút hồ sơ để nộp lại từ lần thứ ba trở đi, thí sinh không được tẩy xóa, viết lại trên giấy chứng nhận kết quả thi, mà cần làm đơn ĐKXT nộp kèm theo giấy chứng nhận kết quả thi bản chính. Trong đơn cần ghi đầy đủ thông tin ĐKXT như các mục của giấy chứng nhận kết quả thi. Như vậy, những thí sinh đã lỡ ghi cả hai phần trong phiếu ĐKXT, khi rút và nộp lần 2 sẽ phải làm đơn ĐKXT.
Do mẫu giấy mới này nên xảy ra tình trạng mỗi trường một phách khiến thí sinh lúng túng. Một số trường thành viên ĐHQG TP.HCM sử dụng mẫu cũ, chỉ có một phần đăng ký nguyện vọng nên nhiều thí sinh khi rút hồ sơ sẽ không còn vị trí để ghi khi nộp NV2 lần hai. Trong khi đó, giấy chứng nhận của Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) có đến sáu vị trí cho mỗi nguyện vọng. Như vậy, từ lần nộp thứ ba trở đi, thí sinh không cần làm đơn vì vẫn còn vị trí để ghi thông tin.
Một điểm nữa thí sinh cần lưu ý khi tham gia xét tuyển NV2 đó là vùng tuyển, giới hạn tuyển sinh của các trường. Một cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Nhiều năm gần đây trường không xét tuyển NV2 nhưng năm nào cũng nhận được hồ sơ ĐKXT NV2 của thí sinh. Như vậy các em đã tự đánh mất cơ hội của mình”.
Trong khi đó, bậc CĐ và ngành quản trị kinh doanh (bậc ĐH) Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chỉ xét NV2 đối với thí sinh dự thi vào trường. Còn ngành hệ thống thông tin quản lý chỉ xét tuyển thí sinh đã dự thi vào một số ngành nhất định ở các trường khác.
Trường ĐH Y dược Cần Thơ chỉ xét tuyển NV2 đối với thí sinh khu vực từ Nam Trung bộ, Tây nguyên trở vào... Thí sinh cần tìm hiểu thông tin xét tuyển NV2 thật kỹ để tránh những sai sót đáng tiếc khiến mình mất cơ hội xét tuyển.
Cân nhắc điểm số của mình
Ngay trong ngày đầu tiên ĐKXT NV2 đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy do lượng thí sinh quá đông. Theo quy định, thí sinh có thể nộp hồ sơ ĐKXT NV2 trực tiếp tại trường hoặc qua bưu điện từ ngày 25-8 đến 15-9. Kết thúc thời hạn xét tuyển, các trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, không phân biệt hồ sơ nộp trước hay sau nên thí sinh không cần phải lo lắng. Thí sinh phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh, có dấu mộc đỏ, không nộp bản photo, scan.
Thí sinh cần theo dõi thống kê số lượng hồ sơ do các trường cập nhật trên website của mình để có thêm căn cứ nộp hoặc rút hồ sơ ĐKXT. Sau ngày đầu tiên ĐKXT NV2, nhiều trường đã đăng thông tin này.
Trong đó, ngành marketing tổng hợp (bậc CĐ) có 60 chỉ tiêu nhưng đã có 152 hồ sơ ĐKXT. Bậc CĐ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có 550 chỉ tiêu nhưng chỉ trong ngày đầu tiên đã có hơn 1.000 hồ sơ nộp vào. Thí sinh cần cân nhắc số điểm của mình để rút hồ sơ nộp vào ngành phù hợp.
Th.S Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), khuyên thí sinh nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ ĐKXT NV2. Không nên ỷ lại vào việc rút hồ sơ. Tâm lý cứ nộp đi, có gì rút ra để nộp lại khiến thí sinh càng rối và không quyết tâm chọn ngành học ngay từ đầu. Để trúng tuyển NV2 còn khó hơn cả NV1 bởi thí sinh phải cân nhắc chọn ngành yêu thích, số điểm phù hợp.
Thí sinh cần căn cứ vào sở thích của mình để chọn ngành phù hợp, nếu không thì có thể chọn ngành gần. Điểm quan trọng nữa là phải căn cứ vào điểm thi của mình. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy một số ngành “nóng” như nhóm ngành kinh tế sẽ có điểm chuẩn NV2 cao hơn sàn NV2 từ 2-3 điểm. Trong khi đó có rất nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn hoặc cao hơn 0,5 điểm, chủ yếu là nhóm ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản. Thời gian ĐKXT NV2 còn dài, thí sinh hãy bình tĩnh, cân nhắc chọn đúng ngành mình thích để có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn.
Không nên nộp vào rút ra nhiều lần Tương tự, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, lưu ý thí sinh cần bình tĩnh, thời gian xét tuyển còn rất dài, cần cân nhắc kỹ để xác định ngành phù hợp, tránh trường hợp nộp vào - rút ra gây xáo trộn tâm lý. Thí sinh cần căn cứ vào sở thích, sở trường của mình để chọn ngành. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy đối với nhóm ngành kinh tế ở các trường ĐH công lập, điểm thi của thí sinh cần phải cao hơn điểm sàn NV2 từ 2-3 điểm mới nên nộp hồ sơ. Trong khi đó nhóm ngành kỹ thuật, điểm thi chỉ cần cao hơn điểm sàn NV2 từ 1-2 điểm. Riêng những thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn nên nộp vào trường ngoài công lập hoặc CĐ để có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Nếu không trúng tuyển NV2, cơ hội ở NV3 rất mong manh và có rất ít sự lựa chọn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận