Hội thảo có gần 100 đại biểu là các nhà nông, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các trường đại học trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long. Nhiều câu hỏi, những vấn đề trăn trở của nông dân đã được đặt ra với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp.
Nông dân tâm đắc nhưng không dám trồng
Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân về xây dựng thương hiệu, truyền thông để đưa nông sản đi xa hơn. Cũng như việc ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng, mít...
Chia sẻ bên lề hội thảo, nông dân Đặng Văn Thắng (ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho biết ông trồng gần 10 công bưởi và sầu riêng ở vùng đất cù lao. Ông Thắng chọn song song phân bón Cà Mau và phân hữu cơ kết hợp.
"Cách kết hợp phân bón Cà Mau và phân hữu cơ giúp nhanh phân tán vào đất. Giúp cây hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn nhiều loại phân khác. Sầu riêng nhà tôi cây to khỏe, lá dày, ít sâu bệnh, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Cây cho trái có cơm dài, mùi vị hấp dẫn", ông Thắng nói.
Điều ông Thắng trăn trở với các chuyên gia là sản luợng cho trái tốt, làm sao để ổn định đầu ra. Trong bối cảnh hiện nay nhà nhà đều đua nhau trồng sầu riêng.
PGS - TS. Võ Thành Danh - Trường đại học Cần Thơ nhìn nhận - hiện nay có tình trạng trồng ồ ạt sầu riêng. Ông chỉ ra rằng, sầu riêng không phải trồng duy nhất ở Việt Nam. Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng trồng rất nhiều. Thậm chí nhiều gấp mấy lần Việt Nam.
"Trong khi các nước phương Tây họ ít chuộng loại trái cây này do mùi quá nặng. Thị trường chính của chúng ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Nông dân Trung Quốc họ cũng trồng sầu riêng, họ chỉ thua về mặt kỹ thuật. Nhưng họ rất giỏi về trồng trọt, năm nay họ thua, năm sau họ sẽ làm lại", ông Danh nói.
PGS - TS. Quang Minh Nhựt chia sẻ bản thân mình cũng xuất thân từ nông dân, nên rất quan tâm đến nông dân. Câu chuyện "được mùa mất giá" không chỉ làm đau đầu người nông dân, mà còn là một vấn đề trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
"Cây sầu riêng cần đến vài năm mới cho trái. Người nông dân của chúng ta thì thấy bữa nay sầu riêng có giá, thương lái săn mua nhiều nên ồ ạt cùng nhau trồng. Mấy năm sau, lúc có trái thì trễ rồi. Thu hoạch nhiều thì giá tất nhiên sẽ thấp, đó là quy luật.
Để giải quyết chuyện này, địa phương, ngành nông nghiệp phải tuyên truyền, có quy hoạch đúng nghĩa. Chính quyền cấp cơ sở phải thật sự quan tâm. Giúp người nông dân hiểu rõ về quy luật này", ông Nhựt góp ý.
Xây dựng thương hiệu nông sản giống gạo ST
Ông Nguyễn Minh Phụng - giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Phương Quang (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, sau khi được tập huấn về kỹ thuật về liều lượng sử dụng phân và dùng phân Đạm Cà Mau thì thấy hiệu quả năng suất rõ rệt.
"Lớn nhất là giảm chi phí cho sản xuất, thứ hai là lúa bắt phân nhanh hơn, dai hơn. Đặc biệt là năng suất cao hơn trước đây khoảng 20%. Hạt lúa cũng chắc hơn, thân lúa cứng cáp, ít bị ngã đổ", ông Phụng nói và trăn trở thị trường đầu ra, giá lúa bấp bênh.
PGS - TS. Quang Minh Nhựt cho rằng, khi làm các chính sách về nông nghiệp, chúng ta nên lấy người nông dân làm trung tâm. Nếu một loại nông sản nào đó chưa bán đi được ra nước ngoài, hay thị trường chưa chấp nhận thì không nên chặt bỏ ngay. Các ngành phải giúp bà con điều chỉnh lại. Làm sao cho trái ngon hơn, chất lượng hơn trước.
PGS - TS. Lưu Thanh Đức Hải (Trường đại học Cần Thơ) chia sẻ có 2 phạm trù sản phẩm khác nhau là nhãn hiệu và thương hiệu. Nhãn hiệu là do nhà sản xuất xây dựng, còn thương hiệu là do khách hàng công nhận.
"Cái khó hiện nay là chuyển từ nhãn hiệu thành thương hiệu. Vì nhãn hiệu là của tập thể, cha chung không ai khóc. Cho nên, sản phẩm muốn khách hàng công nhận thì phải có một nhạc trưởng dẫn dắt, chăm chút hơn. Tôi lấy ví dụ, ở Tây Ninh không có bãi biển nào cả. Nhưng khi nhắc đến đây, người ta đều biết đến muối Tây Ninh.
Các địa phương muốn làm chuyện ăn lớn thì phải có sự liên kết với bà con. Từ đó xây dựng các nhãn hiệu thành thương hiệu riêng của từng vùng. Phải mạnh dạn làm ăn như Anh hùng lao động Hồ Quang Cua. Với thương hiệu gạo ST, phải bỏ công sức ra để lao động và hợp tác", ông Hải nói.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Liêm - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long nói sẽ có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn cho bà con, tìm đầu ra cho nông sản.
Các nông sản còn có nhiều lợi thế khác nhau. Ông lấy ví dụ, khi sầu riêng gặp khó trong tiêu thụ hàng tươi thì có thể chế biến khô. Nông dân không phải lo rào cản về vi sinh vật, xuất khẩu bán được nhiều tiền hơn.
"Vấn đề duy nhất là bà con chúng ta sản xuất như thế nào để đảm bảo chất lượng nông sản. Gần đây, do giá cao nên thương lái săn lùng mua sầu riêng, lúa chưa đủ ngày thu hoạch. Khi bán ra thị trường, người tiêu dùng ăn không được.
Gần đây giá lúa tăng, nông dân lại chuyển sang trồng lúa. Cứ điệp khúc trồng chặt như vậy thì không bền vững. Các loại nông sản đều phụ thuộc vào yếu tố thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng trọt. Không phải người ta trồng được mình cũng trồng", ông Liêm khuyến cáo.
Ông Nguyễn Trần Thức - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau đánh giá cao mô hình sử dụng phân bón Cà Mau và NPK Cà Mau để sản xuất bền vững trên địa bàn tỉnh. Mô hình đã chứng minh được việc sử dụng phân bón hữu cơ, bón phân cân đối giúp giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác bình thường ngoài mô hình. Đây là yếu tố then chốt trong việc nâng tầm nông sản Việt.
Festival Nông sản Việt Nam diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long từ ngày 11 đến 17-9, thu hút khoảng 300 đơn vị trong nước tham gia. Các đơn vị sẽ trưng bày các sản phẩm nông sản đặc trưng của 32 tỉnh thành phố. Phân bón Cà Mau là một trong những đơn vị đồng tài trợ sự kiện này.
Ban tổ chức phục vụ các công trình nghệ thuật như: "Sản phẩm nông sản tiêu biểu - động lực phát triển nông thôn mới". Con đường nghệ thuật gốm đỏ; chương trình diễu hành "Nông sản Việt vươn xa để hội nhập".
Bên cạnh hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam". Hội thi "Mâm cơm ngon chế biến từ sản phẩm vườn nhà"; hội thi món ăn ngon chế biến từ nông sản đặc trưng Vĩnh Long; hội thi xe cổ động "Nông sản Việt vươn xa để hội nhập".
Đây là dịp đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh kết nối giao thương giữa Vĩnh Long và các địa phương…
Tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ, trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận