24/06/2023 11:17 GMT+7

Kỳ vọng mở cửa cho nông sản Việt vào Hàn Quốc

Hàn Quốc đang là thị trường mới nổi về nhập khẩu rau quả của Việt Nam, khi năm 2022 kim ngạch lên tới 180 triệu USD, cao hơn Nhật Bản (165 triệu USD) và gần bằng với EU (232 triệu USD).

Quả thanh long của Việt Nam được bán tại một siêu thị của Hàn Quốc, song để xuất khẩu vào thị trường này, các loại trái cây của Việt Nam bị kiểm dịch rất gắt gao - Ảnh: NVCC

Quả thanh long của Việt Nam được bán tại một siêu thị của Hàn Quốc, song để xuất khẩu vào thị trường này, các loại trái cây của Việt Nam bị kiểm dịch rất gắt gao - Ảnh: NVCC

Đây là thông tin đáng chú ý mà ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24-6.

Mong rộng cửa hơn với nông sản Việt

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mặc dù có những khởi sắc rất lớn trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc, nhưng ngoài những mặt hàng như thanh long, dừa gọt vỏ, dứa, chuối, ớt đông lạnh và xoài, vẫn còn nhiều sản phẩm có tiềm năng của Việt Nam vẫn đang đàm phán để bạn mở cửa như ớt tươi, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa…

Điều mà ông Nguyên trăn trở, đó là phía bạn đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch động, thực vật, hàng rào kỹ thuật với tiêu chuẩn chất lượng rất chặt chẽ.

Đơn cử như với trái ớt, hiện Hàn Quốc mới cho xuất vào hàng đông lạnh, còn ớt tươi bị kiểm dịch rất gắt gao. Hay với trái xoài, nước bạn cũng chỉ cho giới hạn một số vùng trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ định các doanh nghiệp xử lý nhiệt trước khi hàng xuất.

Thực tế này dẫn tới việc dù có những sản phẩm của chúng ta đã vào được thị trường Hàn Quốc, nhưng lượng xuất khẩu vào vẫn còn khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng.

Do đó ông Nguyên mong muốn chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa các chính sách mở cửa với hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng phía bạn sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi nhiều hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch thực vật và có những hướng dẫn kỹ thuật để hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nữa tiếp cận thị trường này.

Vì sao nông nghiệp chưa hấp dẫn FDI?

Chế biến lương thực thực phẩm luôn là khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp sau thu hoạch, còn khâu sản xuất hiện nay chúng ta đã tổ chức tương đối tốt.

Trong khi khâu chế biến, đóng gói, bảo quản hiện rất yếu, tỉ lệ doanh nghiệp chế biến thực phẩm rất ít, khoảng 80% nông sản vẫn xuất khẩu tươi sống, nên khó bền vững, mang lại giá trị thấp.

Vì vậy đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư FDI vào nông nghiệp sẽ phát huy thế mạnh của ngành nông nghiệp trong nước. Cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư FDI vào ngành chế biến nông sản hoặc dịch vụ sau thu hoạch.

Việc liên doanh với doanh nghiệp FDI trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp thu được công nghệ, kỹ năng quản trị chuỗi nông sản thực phẩm, từ đó tiến tới tự đầu tư.

Hiện nay có doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào mô hình chợ đầu mối hiện đại tại Việt Nam với nhiều dịch vụ được cung cấp. Nhưng hiện tại chợ đầu mối của Việt Nam mới dừng ở cho thuê chỗ. Những mô hình này rất cần cho tiêu thụ nông sản Việt Nam.

Ngoài các nhà đầu tư Hàn Quốc thì các nhà đầu tư đến từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng đặt vấn đề hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để hình thành các chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và có thể xuất khẩu vào những thị trường cao cấp, khó tính nhất. Họ đề nghị đầu tư vào những khâu Việt Nam còn yếu, chưa làm được.

Giải thích chuyện vì sao FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, PGS.TS Đào Thế Anh - phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - cho rằng trước đây huy động FDI chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, trong khi khâu trồng trọt thì nông dân làm rất giỏi, hơn nữa cũng không còn diện tích đất để doanh nghiệp FDI vào đầu tư.

Hơn nữa, chế biến thực phẩm nhiều nước coi là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng ở ta lĩnh vực này do Bộ Công Thương quản lý. Tiềm năng thu hút FDI vào nông nghiệp nằm ở khâu chế biến sau thu hoạch.

Thu hút FDI vào nông nghiệp khó khăn, phức tạp hơn. Muốn thu hút được phải có những chính sách cởi mở hơn. Thứ nhất, khi đầu tư vào ngành nông nghiệp, doanh nghiệp FDI phải hợp tác với đối tác khác như hợp tác với nông dân để có nguyên liệu đầu vào; muốn sản xuất nông nghiệp thì các doanh nghiệp FDI phải có được đất nên khó khăn hơn.

Hiện đã có những doanh nghiệp FDI lớn như Nestlé đầu tư rất bài bản, ký hợp đồng với nông dân. Nhưng để có những doanh nghiệp như thế này mình phải tìm những nhà đầu tư có nguyện vọng, đi theo chất lượng, không chạy theo số lượng.

Cột mốc mới quan hệ Việt - Hàn: Cơ hội nâng chất vốn FDICột mốc mới quan hệ Việt - Hàn: Cơ hội nâng chất vốn FDI

Khoảng 205 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc vừa tới Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư là một tín hiệu vui cho nền kinh tế nước ta. Trước đó, các "đại bàng" công nghệ Mỹ, Ấn Độ cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên