Điều đó cho thấy nền kinh tế đi theo chiều hướng xấu khi các doanh nghiệp lao vào kiện tụng thay cho việc phát triển kinh doanh.
Nói vậy không có nghĩa là năm 2013 đang đến là một năm đen tối và tuyệt vọng đối với doanh nghiệp. Đã có một sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của nhiều doanh nhân hiện nay: nhìn thẳng vào sự thật của doanh nghiệp.
Nếu như trong khoảng thời gian 2007-2009 tôi có cảm giác là đang nói chuyện với những người mê sảng - những người giàu lên quá nhanh vì thị trường chứng khoán và nhà đất - thì cũng những con người đó ngày hôm nay thay vì nói về những viễn cảnh to tát mà không có bất kỳ cơ sở nào, họ nói về vấn đề “sống còn của doanh nghiệp” và “sai lầm trong đầu tư”.
Trong thời gian tới sẽ có một sự thanh lọc lớn trong tầng lớp doanh nhân, những người vẫn sống trong sự thành công giả tạo của thời kỳ kinh tế phát triển nóng 2007-2009 sẽ bị đào thải và những người đang nhìn thẳng vào sự thật hôm nay sẽ tồn tại, vươn lên và thay đổi. Hầu hết doanh nhân thành đạt của Việt Nam đều khởi đầu rất khiêm tốn và trong khoảng thời gian 20 năm họ đã làm được rất nhiều. Đôi khi sự thành công đó là nguyên nhân dẫn tới việc họ đầu tư quá tầm kiểm soát của mình và dẫn tới khủng hoảng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên khi họ loại trừ được điều đó, những yếu tố đã giúp họ gây dựng lên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng sẽ lại có tác dụng.
Một vấn đề lớn của xã hội là khoảng cách giàu nghèo cũng đã tìm được con đường hẹp để đi trong tình trạng khủng hoảng. Có những chủ doanh nghiệp đã biết cách dùng khủng hoảng làm một cơ hội để cải thiện mối quan hệ giữa họ với công nhân, ví dụ như chuyện Mai Linh kêu gọi nhà đầu tư không ồ ạt rút tiền để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường bưng bít thông tin nhưng khi khủng hoảng xảy ra, một số doanh nghiệp lựa chọn trung thực với nhà đầu tư và người lao động về tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp thông tin trung thực, sức ép của người lao động đối với người chủ giảm hẳn vì người lao động cũng có thông tin về tình hình bên ngoài nên khi nghe họ không quá sốc, khi người lao động được thông báo rõ ràng thì họ cảm thấy được chủ doanh nghiệp tôn trọng và tình cảm tôn trọng lẫn nhau là yếu tố đầu tiên để xây dựng quan hệ lâu dài giữa hai bên.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách làm như của Mai Linh nhưng với diện nhỏ hơn là thông báo và trao đổi với người lao động. Nhờ đó, nói một cách nôm na, quan hệ ông chủ - người làm thuê trở nên mềm mại, linh hoạt và tin cậy hơn.
Trong khủng hoảng sẽ có cơ hội cho những doanh nghiệp không bị động và dám nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi.
Bắt đầu như vậy cũng đủ cơ sở cho hi vọng 2013 rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận