25/09/2018 11:24 GMT+7

Nổi chìm chợ nổi Cái Bè

M.TRƯỜNG - TH.TÚ
M.TRƯỜNG - TH.TÚ

TTO - Chợ nổi Cái Bè - một nét văn hóa thương mại độc đáo của người dân sông nước Tiền Giang - đang rơi vào cảnh "chợ chiều"...

Nổi chìm chợ nổi Cái Bè - Ảnh 1.

Hiện thương hồ tại chợ nổi Cái Bè chỉ lác đác vài chục chiếc ghe, thuyền nên du khách cũng không mấy hứng thú đi thăm - Ảnh: M.TRƯỜNG

Do sự phát triển của xã hội, đường bộ đã được kết nối nên có lẽ sứ mệnh của chợ nổi cũng sắp khép lại

Ông Nguyễn Văn Bầu

6h sáng, chiếc ghe chở chúng tôi chạy một mạch từ vàm Cái Bè (tiếp giáp giữa sông Cái Bè và sông Tiền) đi thẳng vào ngã ba nhà thờ nằm sâu trong sông Cái Bè. 

Dọc khúc sông dài hơn hai cây số chỉ có khoảng 30 ghe, thuyền của các thương hồ neo đậu buôn bán - đây là khúc sông hơn 10 năm trước cực kỳ sầm uất.

Một thời... đông nghẹt

"Hơn 10 năm trước, chạy ghe qua khúc sông này có khi mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt vào mùa trái cây hay dịp tết, ghe thuyền đông như mắc cửi, không thể đi qua được" - ông Võ Văn Mười, 60 tuổi, người gắn liền hàng chục năm với chợ nổi Cái Bè, chép miệng tiếc rẻ.

Theo ông Mười, thập niên 1980, 1990, thương hồ đi ghe, thuyền ken đặc khúc sông Cái Bè, tràn ra cả sông Tiền neo đậu để bán buôn đủ thứ mặt hàng. 

"Mới đầu, tôi bán hủ tiếu cho thương hồ và thương lái trên sông. Mỗi ngày bán vài ba trăm tô là chuyện thường. Chợ nổi nườm nượp ngày đêm nên có thể bán bất cứ lúc nào, chỉ sợ không đủ sức để chạy thôi" - ông Mười kể.

Sau năm 2000, chợ nổi bắt đầu ít ghe thuyền hơn trước, ông Mười chuyển qua bán cà phê, nước đá. Hằng ngày, ông chạy ghe dọc khúc sông Cái Bè cũng kiếm được kha khá. 

"Nhưng độ 6 năm nay thì hết đường làm ăn rồi. Thương hồ giảm mà thương lái cũng không còn bao nhiêu. Tôi chuyển qua chạy đò chở khách, chở hàng kiếm sống qua ngày" - ông Mười cho biết.

Trong ký ức của ông Lâm Văn Xài, 75 tuổi, thì chợ nổi Cái Bè ngày trước như một trung tâm thương mại trên sông. 

"Đủ thứ hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Dưới sông ghe thuyền đông nghẹt, có thể leo từ thuyền này qua thuyền kia để đi từ bên này sông qua bên kia sông" - ông Xài mô tả.

Nổi chìm chợ nổi Cái Bè - Ảnh 3.

Ông Lâm Văn Xài và nỗi nhớ về một thời sầm uất của chợ nổi trên sông Cái Bè - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chợ nổi đang... chìm

Bà Trang Thị Tím, 58 tuổi, một trong số ít thương hồ còn bám trụ lại chợ nổi Cái Bè, giết thời gian bằng chiếc tivi nhỏ đặt trên ghe trong khi chờ thương lái tới mua khoai lang. 

Bà bảo: "Trước đây một ghe khoai lang 20 tấn nhiều khi bán hết sạch trong một ngày, nhưng giờ có khi bán cả tuần không hết".

Bà Tím cùng chồng con sống bằng nghề buôn bán trên sông nước và chọn khúc sông Cái Bè này làm ngôi nhà thứ hai. 

Mỗi năm bà chỉ về quê mấy ngày tết, thời gian còn lại bà neo ghe tại chợ nổi Cái Bè mưu sinh. 

"Tuy không còn được sung như trước nhưng do một phần không kiếm được việc làm khác, phần vì đã gắn bó, có tình cảm với con sông này và mối lái cũng quen hết ở đây nên tôi không nỡ bỏ nghề, bỏ cái chợ nổi được" - bà Tím nói.

Ông Nguyễn Văn Bầu quê Vĩnh Long. Quê ông trồng nhiều củ mì nên ông sắm ghe mì đi bán trên sông. Khoảng 6 năm nay ông chọn chợ nổi Cái Bè làm nơi buôn bán. 

Cứ mười bữa, nửa tháng ông lại chạy ghe về Vĩnh Long để lấy hàng rồi quay lại đậu trên chợ nổi chờ thương lái tới mua. 

"Do chợ vắng khách nên nhiều khi ghe mì 19 tấn của tôi bán cả chục ngày chưa hết. Có chuyến lời 4-5 triệu nhưng cũng có chuyến lỗ vốn vì ít thương lái quá" - ông Bầu nói.

Ông Bầu tâm tư: "Thực sự chúng tôi cũng không biết khách thương hồ như mình cần cụ thể cái gì để chợ nổi trở lại nhộn nhịp như trước. Do sự phát triển của xã hội, đường bộ đã được kết nối nên có lẽ sứ mệnh của chợ nổi cũng sắp khép lại" - ông Bầu thở dài buồn bã.

Nổi chìm chợ nổi Cái Bè - Ảnh 4.

Hoạt động buôn bán hàng trên ghe thương hồ tại chợ nổi Cái Bè hiện nay - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chi tiền phục hồi chợ nổi Cái Bè

Theo ông Trần Văn Nhu - trưởng Phòng văn hóa và thông tin huyện Cái Bè, việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Bè bền vững là vấn đề cấp thiết, đang được ngành du lịch và các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang rất quan tâm.

Giữa năm 2017, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang giao cho UBND huyện Cái Bè lập đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè". 

Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi khi đưa ra để hỗ trợ thương hồ trên chợ nổi Cái Bè có vẻ chưa phù hợp thực tế. 

Ví dụ như phương án chính quyền tặng ghe nhỏ cho thương hồ để họ buôn bán các mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch. Thương hồ từ chối nhận vì thấy khó... ăn. Trái lại, họ đòi cấp sạp buôn bán... trên bờ.

Theo ông Nhu, hiện đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè" đã lập xong, nhằm bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè theo hướng trên bến dưới thuyền, trở thành chợ đầu mối tập trung phục vụ mua bán, trao đổi hàng hóa bằng đường thủy giữa các địa phương trong vùng; thu hút các ghe thương hồ về hoạt động tại chợ nổi nhằm phục vụ cho phát triển du lịch địa phương.

Giai đoạn 1 từ năm 2017-2020 dự án sẽ đầu tư hệ thống chiếu sáng, điện phục vụ thương hồ chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, cầu bến... hỗ trợ xuồng chèo...; giai đoạn 2 từ năm 2020-2025 sẽ tu bổ các hạng mục đã có sẵn và nâng cao các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ cho du khách, thương hồ.

Cả hai giai đoạn có vốn đầu tư khoảng 9 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Hiện lượng khách đến tham quan chợ nổi Cái Bè mỗi năm khoảng 150.000 lượt khách. 

Ông Nhu đặt kỳ vọng sau khi phục hồi chợ nổi Cái Bè thì lượng khách sẽ tăng mạnh qua các năm và sẽ tăng hơn 100.000 lượt khách đến năm 2025.

Thời thoái trào của chợ nổi miền Tây

Chợ nổi Cái Bè là một trong sáu chợ nổi độc đáo ở miền Tây. Năm chợ nổi khác là chợ nổi Ngã Bảy - Hậu Giang, chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng, chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ, chợ nổi Long Xuyên - An Giang, chợ nổi Trà Ôn - Vĩnh Long.

Các chợ nổi này hình thành và phát triển nhờ điều kiện sông nước miền Tây và thiếu đường sá nhưng hiện chúng đang thoái trào do sự mở mang phát triển của hệ thống đường bộ khiến người dân thích lên bờ buôn bán hơn.

M.TRƯỜNG - TH.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên