24/09/2018 11:17 GMT+7

Chợ 'độc' miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ

TTO - Chỉ mua bán một mặt hàng duy nhất là chuột đồng và mỗi ngày tiêu thụ 4-5 tấn chuột, cũng không quá ngoa nếu nói chợ chuột đồng Phù Dật là chợ chuột lớn nhất nước.

Chợ độc miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật - Ảnh 1.

Một thương lái chở chuột đồng đến bán tại chợ Phù Dật - Ảnh: THANH TÚ

Nằm cách quốc lộ 91 vài trăm mét, chợ chuột đồng lớn nhất miền Tây lấy tên dòng kênh bao quanh ngôi làng nhỏ - nơi đó người dân chuyên nghề săn bắt, buôn bán chuột đồng thuộc ấp Bình Chiến (xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang) làm cái tên riêng cho mình mang đậm dáng dấp miền Tây - chợ chuột đồng Phù Dật.

Nơi đây chỉ mua bán một mặt hàng duy nhất là chuột đồng.

Nghề bẫy chuột hơn nhau ở tính chịu khó và kinh nghiệm

Ông BA LAN

Mỗi ngày tiêu thụ 4 tấn chuột

Những ngày này, khi nước lũ tràn khắp các cánh đồng ở miền Tây, chuột đồng co cụm trên những gò đất cao, hay đu bám vào những lùm cây mọc chơ vơ giữa bạt ngàn sông nước nên việc bẫy bắt chuột cũng dễ dàng hơn.

Có lẽ do thế nên những sạp chuyên làm thịt chuột ở chợ chuột đồng Phù Dật hoạt động hết công suất, bất kể ngày đêm.

Từ đường lớn đi vào, dù đứng cách cả trăm mét nhưng cũng dễ dàng nhận ra khu sơ chế thịt chuột đồng bởi âm thanh đặc trưng lọc cọc phát ra từ những nhát dao băm xuống thớt một cách dứt khoát của những người làm thịt chuột.

Họ làm bất kể ngày đêm, cứ khi nào có hàng về là làm, làm hết lại nghỉ cho đến khi có mẻ chuột mới về.

Thường chuột đồng ở đây ngoài các đầu mối mua của những người đánh bắt khắp các tỉnh miền Tây, còn có một số thương lái mua từ bên kia biên giới Campuchia chở xe máy qua chợ này bán lại kiếm lời.

Do đó, cũng không quá ngoa nếu nói đây là chợ chuột lớn nhất nước. Gọi là chợ nhưng thực chất ở đây chỉ có khoảng 10 sạp chuyên mua bán, sơ chế chuột nằm sát mé kênh Phù Dật. Tuy nhiên theo các bậc cao niên ở đây, chợ này đã tồn tại ít nhất cũng hơn nửa thế kỷ.

Từ những sạp chuột lèo tèo ban đầu, nay chợ chuột đồng Phù Dật mỗi ngày tiêu thụ 4-5 tấn chuột.

Ở đây, chuột được thu mua với giá dao động 25.000 - 35.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) và bán ra với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg sau khi được làm sạch, ướp đá.

"Năm nay, điều đáng mừng nhất là mùa nước nổi nhưng giá chuột vẫn rất cao nên mọi người cùng vui. Trước đây, cứ độ này thì giá chuột xuống dưới 10.000 đồng nhưng năm nay tôi thu mua 30.000 đồng/kg, mỗi ngày mua được khoảng 700kg.

Sau khi làm sạch tôi gửi xe đò xuất đi tỉnh Bình Dương bỏ mối cho các nhà hàng trên đó" - ông chủ vựa chuột Bảy Tùng ở chợ chuột đồng Phù Dật nói.

Cũng như hầu hết chủ vựa ở khu chợ này, ông Bảy Tùng xuất thân từ nghề đặt bẫy chuột đồng. Theo nghề được gần chục năm, gom được số vốn ông đứng ra thu mua chuột từ người khác để bán lại.

Hỏi kinh nghiệm về nghề đặt bẫy chuột, ông một hai từ chối vì không dám "múa rìu qua mắt thợ" khi ngồi cạnh ông ở một bàn trà đặt cạnh mé kênh Phù Dật là ông Ba Lan - "sát thủ" chuột đồng miền Tây.

Chợ độc miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật - Ảnh 3.

Chuột được ướp đá sau khi sơ chế - Ảnh: THANH TÚ

"Sát thủ" chuột đồng

"Khách lạ phải có duyên lắm mới gặp tui bởi suốt ngày ở trên đồng không à. Có khi vài tháng tui mới về một lần" - ông Ba Lan nói. Ông Ba Lan 60 tuổi và theo nghề bẫy chuột từ năm 19 tuổi, tức có 41 năm gắn liền với nghề.

"Khởi nghiệp" với nghề bẫy chuột chỉ có 10 cái rập lồng, đến nay trên chiếc ghe của ông có 1.000 chiếc.

"Cứ mỗi lần đi bẫy chuột, tui lại tìm cách chất cả ngàn chiếc bẫy lên ghe sao cho vừa nhưng cũng phải chừa đủ chỗ cho cả hai cha con nằm ngủ" - ông Ba Lan nói.

Không hổ danh là "sát thủ" chuột đồng, chuyến đi bẫy nào của ông và con trai cũng kiếm đầy chuột.

Theo ông Ba Lan, nghề bẫy chuột hơn nhau ở tính chịu khó và kinh nghiệm. Cũng trên một bờ ruộng nhưng có thể bẫy của người này dính chuột, còn bẫy của người khác lại trống không.

"Tất cả là nhờ kinh nghiệm nhìn đường đi của chuột" - ông Ba Lan nói.

Nếu như trước đây chỉ cần chạy ghe ra khỏi kênh Phù Dật là có thể đặt bẫy thì nay ông phải đi xa hơn.

Có những chuyến ông đi đặt bẫy cả tháng trời ở tận Bạc Liêu hay đến những cánh đồng của tỉnh An Giang giáp biên giới Campuchia - cách xa chỗ ông ở hàng trăm kilomet, mất vài ngày chạy ghe.

Dù đi đánh bắt xa ở đâu nhưng ông Ba Lan chỉ bán chuột cho các bạn hàng ở chợ chuột đồng Phù Dật. "Nếu không quay ghe về chợ để bán thì tui sẽ gọi bạn hàng của mình đến cân ngay tại ruộng" - ông nói.

Chợ độc miền Tây - kỳ 6: Chợ chuột đồng Phù Dật - Ảnh 4.

Trẻ em làm việc tại khu sơ chế chuột đồng chợ Phù Dật - Ảnh: THANH TÚ

Trẻ em ở chợ chuột

Trong số những người làm việc tại chợ chuột đồng Phù Dật, một điều dễ nhận thấy là lực lượng lao động trẻ em khá đông. Phần lớn các em làm việc tại các sạp sơ chế chuột.

Mỗi sạp sơ chế sẽ bắt đầu từ việc lựa chuột (chuột mỡ và chuột cống nhum được lựa ra nhốt riêng vì có giá cao hơn chuột thường vài chục ngàn đồng).

Chuột được lựa xong, khâu đầu tiên là đập đầu chuột, kế đến là lột da, mổ bụng và ướp đá, đóng thùng rồi xuất đi.

Cứ rảnh việc học hành là Vũ Hà, 13 tuổi, chạy ra chợ Phù Dật kiếm việc làm. Do khá dạn dĩ với chuột nên em được chọn làm công việc đập đầu chuột. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu làm không quen tay rất dễ bị chuột cắn.

Giơ bàn tay chi chít sẹo, có những vết thương chưa kịp lành, Vũ Hà nói: "Em làm công việc này cũng được hai năm rồi nhưng đến giờ thỉnh thoảng vẫn bị chuột cắn".

Trong một chiếc lồng sắt chật hẹp nhốt hàng trăm con chuột đồng lúc nhúc, Vũ Hà mạnh dạn thò tay vào nắm lấy đuôi một chú chuột xấu số vung lên rồi nện xuống đất cho chết trước khi ném qua cho người khác mổ bụng, lột da và làm sạch.

Bình quân mỗi ngày Hà kiếm được 70.000 đồng từ việc đập đầu chuột như thế này.

Cùng tuổi với Vũ Hà, em Trương Minh Kha cũng gắn liền với chợ chuột này được bốn, năm năm nay. Trừ giờ học ra, hầu hết thời gian còn lại Minh Kha có mặt thường xuyên tại chợ chuột, ai thuê gì làm đó miễn có tiền.

Bà Dương Thị Hai, 83 tuổi - người lớn tuổi nhất ở chợ Phù Dật, gắn bó với nghề làm thịt chuột mướn - cho biết chợ chuột này đã có từ trước năm 1975.

“Hồi đó, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa. Chuột kéo về phá hoại lúa rất dữ nên nhà nào cũng sắm vài chục cái bẫy để bắt chuột, giữ lúa.

Chuột bắt được ăn không hết thì treo bảng bán, lâu dần ở đây nhà nào cũng treo bảng bán thịt chuột nên mới gọi là chợ chuột chứ thực chất không có cái bảng tên chợ nào ở đây cả” - bà Hai kể lại.

_______

Kỳ tới: Nổi chìm chợ nổi Cái Bè

Chợ "độc" miền Tây - kỳ 5: Chợ Mây núi Cấm Chợ 'độc' miền Tây - kỳ 5: Chợ Mây núi Cấm

TTO - Trên đỉnh núi Cấm, hàng chục năm qua có một ngôi chợ độc nhất vô nhị của miền Tây - chợ ấp Thiên Tuế, người dân vẫn quen gọi với cái tên dân dã là "chợ Mây núi Cấm", đúng với đặc điểm của chợ.

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên