Chợ Mây núi Cấm chỉ họp khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó mỗi người sẽ quảy gánh tủa ra đi bán ở nhiều điểm khác nhau cho đến khi hết hàng mới xuống núi - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Núi Cấm còn có tên gọi khác là Thiên Cấm Sơn, nằm trong dải Thất Sơn (vùng Bảy Núi), xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Núi Cấm hiện là ngọn núi cao nhất vùng ĐBSCL với độ cao hơn 700m so với mực nước biển.
Đi chợ từ gà gáy
Khoảng hơn 4h sáng, trời còn mù sương, nhiệt độ mùa thu trên núi Cấm giảm xuống dưới 220C.
"Ra đường giờ này không khác gì đang ngồi trong phòng máy lạnh được mở nhiệt độ nhỏ nhất. Nếu muốn đi chợ giờ này nhớ mặc áo ấm" - ông Châu Hùng Thanh, 56 tuổi, chủ nhà trọ nơi chúng tôi ngủ qua đêm trên núi, dặn dò.
Từ dãy nhà trọ của ông Thanh được xây cất trên lưng chừng vồ Bồ Hong (một ngọn đồi nhỏ thuộc núi Cấm) nhìn qua chợ Mây núi Cấm chỉ khoảng vài trăm mét nhưng vào sáng sớm chỉ thấy một màu trắng đục của sương mù, thấp thoáng một vài ngôi chùa với kiến trúc mái vòm, nóc nhọn hoắt chọc thủng màn sương vươn lên.
Chợ Mây núi Cấm những ngày cuối tuần họp sớm hơn thường lệ. Mới gần 5h nhưng đồng bào Khmer sống dưới chân núi Cấm đã gánh hàng lên bán.
"Những gánh hàng giờ này đã có mặt ở đây thường chủ nhân của nó phải lặn lội từ dưới chân núi đi lên lúc 3h sáng" - bà Nèang Nhung vừa đặt gánh đậu phộng xuống vừa nói.
Chợ họp tại một triền dốc, mặt đất gồ ghề với chừng 50 gánh hàng sắp xếp theo một thứ tự được định sẵn.
Mỗi gánh một loại hàng khác nhau, từ thịt cá, rau rừng, trái cây, mắm muối... đến các mặt hàng chuyên phục vụ khách đi chùa như nhang đèn, cá phóng sinh... được bày ra sẵn sàng chờ người mua.
Từ ngoài vào là những gánh trái cây, đồ cúng kiếng đi chùa; kế đến là các gánh hàng rau củ quả và đồ ăn sáng...; cuối cùng là hàng cá, thịt.
Bà Nèang Nhung năm nay 66 tuổi và đã có hơn 30 năm gắn liền với chợ Mây này. Bà kể trước đây đường lên núi Cấm chưa được thảm nhựa như bây giờ nên gánh hàng lên núi bán rất cực.
Sáng phải dậy thật sớm để chuẩn bị hàng hóa rồi gánh cả mấy chục ký rau củ leo dốc lên núi, khi lên đến núi thì trời cũng tảng sáng. Để tiết kiệm chi phí, bà Nèang Nhung thuê xe ôm chở lên nửa con dốc rồi gánh bộ hàng hóa lên núi.
Trên đường lên đỉnh núi Cấm, bà ghé vào ngã ba Bảy Tèo, ngã ba Trại Hòm, ngã ba Trường Học để bán hàng cho những nhà dân sống hai bên đường.
Cứ sáng sớm, những người dân sống sâu trong các quả đồi trên núi Cấm đi ra những ngã ba này để mua hàng, lâu dần thành quen và trở thành những điểm giao dịch hàng hóa.
Những người bán hàng cũng vì thế hình thành thói quen phải gánh bộ hàng hóa lên núi, ít nhất cũng phải nửa con dốc để bán tại nhiều điểm khác nhau trước khi bán ở chợ chính là chợ Mây.
Quang cảnh chợ Mây núi Cấm trên một triền dốc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Điểm đặc biệt ở chợ Mây núi Cấm là không bán các loài động vật hoang dã như nhiều điểm bán hàng khác.
Một cư dân núi Cấm
Họp chợ chớp nhoáng
Chợ Mây núi Cấm chỉ bán trong khoảng vài tiếng đồng hồ rồi tan, những gánh hàng lại tiếp tục được gánh đi đến những điểm khác để bán. Bán khi nào hết hàng thì thôi.
Có lẽ cũng vì đặc điểm này mà chợ Mây núi Cấm còn được biết đến với cái tên khác là "chợ Chạy". Nó chưa phải là điểm họp chợ cuối cùng của những người buôn thúng bán bưng trên núi Cấm.
Không có ban quản lý chợ, không ai bảo ai, những người đến trước bày hàng ra và chừa đúng chỗ trống cho người kế bên. Ở đây rất ít khi những người bán hàng ganh nạnh nhau chỗ bán.
Một điều đặc biệt ở chợ này là không có mái che nên mỗi lần có mưa gió là những người họp chợ tự động tản ra tìm chỗ trú mưa. Bao năm qua, những mái nhà lụp xụp của người dân sống ven chợ này là chỗ trú mưa quen thuộc của cả người bán và người mua.
Do chợ họp chớp nhoáng nên việc mua bán, trả giá ở đây cũng diễn ra rất chóng vánh. Khi những tia nắng đầu ngày lọt xuống đến triền dốc thì chợ Mây núi Cấm cũng bắt đầu tan.
Đầu tiên là những gánh rau củ, trái cây được các mẹ, các chị gánh đi ngược lên chân tượng Phật Di Lặc - cách đó chừng 200m - để tiếp tục bán, tiếp đến là những gánh hàng cá, thịt...
Bà Trần Thị Thủy, 49 tuổi, vừa sắp xếp mớ trái cây được lót bằng tấm bạt, vừa nói: "Ở đây vắng khách rồi, chuyển địa điểm khác mới có người mua".
Bà Thủy giải thích kỹ hơn, ở chợ Mây núi Cấm chủ yếu là bán cho người dân và những quán ăn ở trên núi. Còn điểm bán ở chân tượng Phật Di Lặc là bán cho khách du lịch, những người hành hương...
Năm 17 tuổi, bà Thủy đã theo chồng về ở dưới chân núi Cấm và suốt 32 năm nay bà thường xuyên gánh hàng lên núi để bán.
Tuy chưa phải là người bán lâu năm nhất ở đây nhưng bà thuộc trong lòng bàn tay những ngóc ngách nhà dân nằm sâu trong núi để gánh hàng vào bán cho hết sau phiên chợ chính.
Bà Nèang Phôn, 62 tuổi, một cư dân gắn liền với chợ Mây núi Cấm từ lúc còn nhỏ xíu, kể lại: "Hồi đó rừng rú còn rậm rạp, đường lên núi Cấm dốc cao lối hẹp, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Chỉ cần sơ sẩy không giữ được thăng bằng là cả người và hàng rơi xuống vực. Bởi vậy chúng tôi chỉ gọi là "leo chợ" chứ ít ai gọi là đi chợ".
Đa số người bán hàng tại chợ Mây núi Cấm là người Khmer. Trong ảnh: bà Nèang Nhung với gánh đậu phộng của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chợ có từ khi nào?
Hỏi những người già trên núi Cấm, không một ai nhớ chính xác chợ Mây núi Cấm ra đời từ lúc nào, cũng không ai biết vì sao lại có một ngôi chợ ra đời trên đỉnh núi thiêng này.
Họ chỉ biết từ thời cha ông họ, do nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dưới đồng bằng và người trên núi nên chợ Mây núi Cấm mới ra đời.
Theo bà Nèang Phôn, khoảng năm 10 tuổi bà đã quảy giỏ theo mẹ lên núi bán hàng. Nhưng chợ này mới đông đúc và đầy đủ mặt hàng kể từ sau giải phóng do người dân khắp nơi kéo lên núi Cấm để sinh sống, lập nghiệp.
Từ năm 2006, khi công trình tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm được khánh thành và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thì chợ Mây mới thực sự đông đúc.
____________________________
Kỳ tới: Chợ chuột đồng Phù Dật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận