21/09/2018 10:37 GMT+7

Chợ 'độc' miền Tây - kỳ 3: Chợ gạo Bà Đắc 18

THANH TÚ - MẬU TRƯỜNG
THANH TÚ - MẬU TRƯỜNG

TTO - Chợ gạo Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là chợ bán sỉ gạo sớm nhất, duy nhất ở vựa lúa miền Tây.

Chợ độc miền Tây - kỳ 3: Chợ gạo Bà Đắc - Ảnh 1.

Một góc chợ gạo Bà Đắc trên bến dưới thuyền - Ảnh: THANH TÚ

Việc mua bán ở đây giống như đánh bài, chỉ cần bị lỗi một nhịp, hàng đến sớm, trễ thì chuyện lỗ lã coi như cầm chắc

Bạn hàng LÊ THỊ HỒNG YẾN

Trung tâm lúa gạo miền Tây

Cũng giống như những chợ khác ở miền Tây, chợ gạo Bà Đắc có hồi nào và bao nhiêu tuổi cho đến giờ chưa ai xác định được. Chỉ biết rằng từ một vài vựa ban đầu ở cuối thập niên 1980, chợ được hình thành và ngày một sung túc như hôm nay.

Mặt tiền chợ nằm dọc theo quốc lộ 1, điểm đầu từ cầu Bà Đắc, điểm cuối là cầu An Cư. Phía sau là con sông An Cư ôm một vòng cung dài khoảng 1.500m, tạo nên thế trận trên bến dưới thuyền rất thuận tiện.

Ông Võ Văn Hữu, 64 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân xay xát, vựa gạo Tấn Vinh, người có thâm niên gần 30 năm trong nghề, cho biết khoảng năm 1985-1986 tại khu vực chợ gạo Bà Đắc hiện nay có ông Hai Đức hành nghề mua bán trái cây ra đây mở vựa trái cây đi TP.HCM.

Hồi đó còn "ngăn sông cấm chợ" nên một số bạn hàng trái cây đã chêm gạo vào mấy giỏ cần xé xoài đưa lên xe đò Cần Thơ - TP.HCM hay Mỹ Thuận - TP.HCM để bán lậu.

Thấy gạo hút hàng, điều kiện thuận tiện ở Bà Đắc nên một số chủ nhà máy chà lúa trong khu vực thị trấn Cái Bè như ông Tám Hồng, Tấn Vinh ra đây mở nhà máy xay xát lúa.

Đến khoảng những năm đầu thập niên 1990, hàng loạt nhà máy xay xát ra đời ở đây. Thời đó mỗi nhà máy xay xát là một vựa gạo do lúa vừa xay ra là có bạn hàng đến giao dịch, chuyển đi TP.HCM và các tỉnh miền Đông.

Theo thời gian, các nhà máy này không còn phù hợp nữa vì không gian chật hẹp, không có chỗ chứa trấu, bụi bặm... nên các chủ nhà máy xay xát phải dời đi chỗ khác. Giờ chỉ còn lại chủ yếu là vựa gạo để bạn hàng giao dịch cùng một số ít nhà máy lau bóng.

Một ngày ở chợ gạo Bà Đắc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào chiều tối. Nhưng khi vào mùa vụ như đông xuân chẳng hạn, chợ này có thể giao dịch cả đêm.

Dù chợ một mặt giáp sông nhưng những người dân phía bên kia sông cũng "có cơm, có cháo" nhờ vào dịch vụ neo đậu.

Cứ mỗi ghe chờ lên hàng, tùy theo đầu tấn chủ bãi neo đậu có thể thu 50.000- 300.000 đồng/ghe. Chỉ cần một ngày năm ba ghe đậu thì chủ bãi cũng đủ tiền cơm nước.

Nói về chủng loại gạo, ở đây có thể kể đến hơn 100 loại khác nhau. Từ gạo hạt dài, hạt tròn, gạo lức, tấm cám... đến gạo Việt, gạo Campuchia, gạo Thái, gạo Đài Loan, gạo Nhật.

Việc có nhiều chủng loại gạo cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chợ gạo này lúc nào cũng đông đúc do người mua có nhiều sự lựa chọn, người bán có đủ hàng để cung ứng.

Chợ độc miền Tây - kỳ 3: Chợ gạo Bà Đắc - Ảnh 3.

Sau khi kiểm tra độ gãy, độ thơm, còn phải nấu gạo thành cơm để xác định chất lượng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nhiêu khê nghề... gạo

Do tập quán giao nhận như vậy nên giá gạo ở chợ này lên xuống từng ngày, thậm chí từng giờ. Có một quy luật bất thành văn là hễ mặt hàng gạo nào ít thì giá lên, mặt hàng gạo nào nhiều là giá xuống.

Người mua lẫn người bán (bạn hàng) phải biết nhận định thị trường, vùng nguyên liệu, nhu cầu của khách hàng để mua vào bán ra cho phù hợp. Chỉ cần bị lỗi một nhịp, hàng đến sớm, trễ thì chuyện lỗ lã coi như cầm chắc.

Chị Lê Thị Hồng Yến, một bạn hàng ở tận huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, cho biết mua bán ở đây giống như đánh bài. Nhiều lúc vừa nhổ neo ở Mộc Hóa đem hàng xuống chợ Bà Đắc thấy có lời nhưng khi đến đây thì giá bị tuột.

Cũng có khi thấy giá thấp đem hàng về sẽ không có lời nhưng chạy đến nơi thì giá bỗng nhiên lên.

"Có khi bạn hàng chịu giá rồi nhưng kẹt bãi lên hàng, đậu lại vài tiếng thì giá bị lên (xuống) mấy chục đồng/kg, ghe tui 70 tấn, mất (được) mấy triệu đồng là chuyện bình thường" - chị Yến nói.

Chuyện lỗ lã, vỡ nợ rồi chuồn mất cũng xảy ra hằng ngày như cơm bữa ở chợ này. Đây cũng là nỗi ám ảnh của các bạn hàng vốn quen kiểu giao dịch bằng sự thân quen, chữ tín.

Mới hồi đầu tháng 8-2018 này tại chợ Bà Đắc, có một doanh nghiệp đã "ôm" mấy chục tỉ đồng biến đi mất tiêu.

Chị Nguyễn Thị Giàu, chủ nhà máy lau bóng và cũng là vựa gạo lớn ở chợ Bà Đắc, cho biết ở trong cuộc rồi mới biết nghề gạo này nhiêu khê.

Rồi chị dẫn chứng hàng trăm loại gạo, thị trường lên xuống từng giờ. Mới thấy lời đó, rồi lỗ đó nên người mua, bán phải có kinh nghiệm với thị trường, phải có mối lái thân quen, uy tín với nhau.

Một lô gạo cả trăm tấn người ta giao mình đâu phải có chất lượng giống nhau hết về độ ẩm, màu sắc, gạo gãy hay nguyên...

Vì vậy, ngoài chữ tín ra mình phải có người kiểm gạo tập trung, xuyên suốt để bảo đảm lượng hàng có chất lượng theo mẫu đã chào, để khi giao cho bạn hàng khác thì họ sẽ tin tưởng và làm ăn lâu dài.

Anh Nguyễn Hữu Nhân, một tay kiểm gạo có tiếng ở chợ Bà Đắc, cho biết kiểm gạo phải tinh tường con mắt, phải quen tay vò gạo để đánh giá độ ẩm, ngửi được mùi thơm ở mức độ nào mới biết gạo đó đúng là gạo thơm nguyên chất, không bị pha trộn.

Kiểm tra tất cả xong thì mới đưa ra mức giá mua vào cho phù hợp với thị trường. Mua cao thì lỗ, mua rẻ thì bạn hàng không bán.

Chưa hết, khi chấp nhận mẫu và thống nhất giá xong, để chắc ăn còn phải nấu thành cơm để kiểm tra độ thơm, độ dẻo, độ mềm, độ trắng...

Ông Nguyễn Tấn Sơn, một chủ vựa ở đây, cho rằng gần như 90% người dân ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông đều ăn gạo từ chợ Bà Đắc.

Ai cũng nói chợ Bà Đắc hưng thịnh nhờ cái tên, lại nằm ở ấp An Thiện (có thiện có an), xã An Cư (an cư lạc nghiệp) nên phần lớn bạn hàng đến đây mua gạo về đều bán ra rất nhanh, rất đắt, vì vậy trong thâm tâm họ luôn giữ niềm tin về sự mua may bán đắt ở chợ này.

Giao dịch 2 triệu tấn gạo/năm

Ngày nay, gần như toàn bộ lượng gạo tiêu thụ nội địa đều qua chợ này. Ông Võ Thanh Hiền, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Cái Bè, cho biết trung bình một ngày có 200-300 xe tải từ các tỉnh về đây lấy hàng, những ngày vào vụ đông xuân thì có thể lên gấp đôi.

Nếu tính mỗi xe từ 10-15 tấn thì mỗi tháng chợ này cung ứng cho thị trường không dưới 135.000 tấn gạo. Cộng chung với những đợt cao điểm thì mỗi năm sẽ có không dưới 2 triệu tấn gạo được giao dịch ở đây.

________

Kỳ tới: Chợ bò Tà Ngáo

THANH TÚ - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (18)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận