02/07/2024 07:14 GMT+7

Nô nức đi làm đẹp theo... truyền miệng ở thôn quê, tai biến tràn lan

Chẳng cần đến trung tâm thẩm mỹ, bệnh viện nơi thành phố, thị trấn lớn để phẫu thuật làm đẹp. Giờ đây, ngay trong những khu phố, trung tâm xóm nhỏ ở những làng quê dịch vụ làm đẹp cũng mọc lên ầm ĩ. Người ở quê truyền tai nhau đi làm đẹp.

Chủ spa “khoe” nhận tiêm filler tại nhà cho khách, thực hiện tại nơi không phải là cơ sở y tế - Ảnh: T.T.

Chủ spa “khoe” nhận tiêm filler tại nhà cho khách, thực hiện tại nơi không phải là cơ sở y tế - Ảnh: T.T.

Nhiều vụ tai biến thẩm mỹ bị giấu nhẹm, chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới được phát hiện.

Đi sửa sắc đẹp theo truyền miệng

Không chỉ tại những thành phố lớn, mà ở các vùng quê các điểm spa, cửa hàng gội đầu cũng mạnh dạn mở điểm làm đẹp chuyên sâu. Ở quê cũng rộ lên số người đi làm dịch vụ cắt, tỉa, xăm, bơm.

Có mặt tại vùng quê ngoại thành Ứng Hòa, Hà Nội, người dân rỉ tai nhau về chuyện con nhà nọ, nhà kia đứa giờ làm dịch vụ làm đẹp tận nhà, người thì mở spa tiêm filler, cắt mí mắt, cắt môi, bơm mặt, xăm mắt môi.

Nếu trước đây chỉ những cô gái đôi mươi mới có nhu cầu làm đẹp thì bây giờ cả những bà cô trung niên ở chốn quê cũng can đảm đi làm đẹp.

Sau khi cắt mí mắt, đã bốn tháng nay chiếc kính râm bỗng dưng trở thành vật bất ly thân của bà Lan (60 tuổi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mỗi khi ra ngoài.

"Tôi muốn cắt bớt da ở mí mắt để nhìn cho rõ, mắt to hơn cũng sẽ đẹp hơn. Nhưng sau khi cắt thấy mắt bị lệch, cung mày treo ngược nhìn rất… sợ. Tôi hỏi, người cắt nói phải vài tháng sau nhìn mới cân đối được. Thế nhưng giờ đã qua bốn tháng, mắt tôi vẫn lệch, đi đâu cũng phải đeo kính râm để tránh ánh mắt của mọi người xung quanh", bà Lan chia sẻ.

Chị Thanh Hoa (30 tuổi, trú tỉnh Quảng Ninh) sau khi về quê làm đẹp cũng phải đến viện trong tình trạng mông, đùi sưng đau do tiêm silicon.

Khi thấy mông, đùi sưng đau chị Hoa có đến một phòng khám để hút silicon ra nhưng không hết, tình trạng không cải thiện. Sau đó, chị tiếp tục đến một phòng khám khác để hút nhưng vẫn không dứt điểm.

Không chỉ ở Hà Nội, tại Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh thành khác ở miền Tây Nam Bộ, nhiều người vẫn có thói quen tìm đến các spa làm đẹp xăm môi, nâng mũi, làm trắng da, cắt mí mắt, tiêm chất làm đầy đặn cho gương mặt, bàn tay… do giá rẻ. Việc này đã đem đến khá nhiều hệ lụy, tai biến sau đó.

Chị Ngọc Diệp (50 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) quyết làm môi mọng và gương mặt đầy đặn hơn, khi hỏi giá tại các trung tâm thẩm mỹ lớn ở thành phố thì thấy giá cao quá, không phù hợp điều kiện kinh tế.

Nghe một người cháu vừa học thẩm mỹ về mở spa làm đẹp, chị Diệp liền đến làm môi. Tại spa chị được nhân viên tư vấn tiêm chất làm đầy môi và mặt với lời quảng cáo an toàn, không tai biến…

Tuy nhiên, làm môi xong về nhà, chị bị sưng phù môi đau nhức kéo dài buộc phải đến bệnh viện điều trị.

Còn trường hợp chị Nguyệt Nga (27 tuổi, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) sau phun môi giá rẻ hơn một nửa so với làm tại thành phố, môi chị bắt đầu sưng phù và mưng mủ. Đến nay, đã gần sáu tháng với hai lần phun xăm đa u đớn, môi chị Nga bị hỏng, thâm xỉn khác thường.

Ngoài ra, có nhiều ca gương mặt xuất hiện hai con sâu róm hai bên do phun xăm sai cách, đi đâu cũng phải buộc khăn lên trán như trường hợp bà Thành (52 tuổi, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) hay do cắt mắt bị trợn ngược, như trường hợp chị Thanh (40 tuổi, Bình Định).

Các trường hợp tai biến do nâng mũi, tiêm chất làm đầy đến bệnh viện điều trị - Ảnh: Thái Lũy

Các trường hợp tai biến do nâng mũi, tiêm chất làm đầy đến bệnh viện điều trị - Ảnh: Thái Lũy

Biến chứng khó lường

Không chỉ gặp những biến chứng sau một vài tháng làm đẹp, nhiều người gặp biến chứng sau vài năm, thậm chí hàng chục năm sau khi can thiệp thẩm mỹ.

TS Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) - cho hay qua thăm khám, phát hiện ổ áp xe ở hai vị trí mông và đùi của chị Hoa.

Do vết thương đã bị can thiệp nhiều lần, phá vỡ cấu trúc da, tạo thành khoang, trơ khó điều trị. Bệnh nhân được yêu cầu nhập viện nhưng cô gái trẻ không muốn phải nằm viện nên đã từ chối điều trị.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, mỗi tháng khoa tiếp nhận tư vấn khá nhiều trường hợp bị cong, vẹo mũi sau phẫu thuật, hoặc bị viêm nhiễm nặng; có cả các trường hợp bị áp xe do bơm silicon làm đầy bàn tay, nhiễm trùng…

Thường gặp nhất là các biến chứng sau nâng mũi, như viêm mũi sau phẫu thuật, đặt chất liệu mũi sai lớp, mỏng da, bóng đỏ da, lộ sống mũi, lộ - thủng đầu mũi và hoại tử đầu mũi.

Điển hình như trường hợp chị B.D.N. (26 tuổi, địa chỉ tại tỉnh Vĩnh Long) đến bệnh viện do bị chảy dịch mũi, ấn đau sau đặt chất độn nâng mũi.

Chị N. kể trước đó sáu tháng đã đến một cơ sở làm đẹp do người quen giới thiệu ở quê Cần Thơ, tại đây chị được tư vấn thực hiện nâng mũi bằng vật liệu độn nhân tạo (silicon). Sau đó phần mũi chị bị viêm đỏ, sưng, chảy dịch, đau nhức, chị tự mua thuốc uống có giảm đau, tuy nhiên tình trạng chảy dịch tái đi tái lại nhiều lần nên phải vào viện.

Qua thăm khám, ThS Võ Hồng Phúc - chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bệnh viện này - nhận thấy mũi bệnh nhân bị lộ sống, bóng đỏ đầu mũi, ấn đau, chảy dịch ở tiền đình mũi. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng sau nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo.

Có trường hợp bị áp xe phần mềm hai bàn tay sau tiêm silicon lỏng. Ê kíp bác sĩ phải phẫu thuật rạch áp xe, nạo sạch silicon lỏng để tránh biến chứng.

Bác sĩ Võ Hồng Phúc cho hay hiện nay thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy được Bộ Y tế cho phép sử dụng.

Trước đây, silicon lỏng là chất làm đầy hay được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da, phục vụ nhu cầu trong thẩm mỹ để tân trang nhan sắc. Tuy nhiên từ năm 1995, Bộ Y tế đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận trong cơ thể do ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khi bơm (hoặc tiêm) silicon để tăng thể tích có thể gây biến chứng ngay khi tiêm như sốc phản vệ có thể tử vong, tắc mạch gây thiếu máu nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, mũi, môi… gây ra hoại tử các bộ phận đó. Về lâu dài vùng tiêm có thể bị viêm tấy, nhiễm khuẩn và tạo các u hạt gây biến dạng hình thể.

Đặc biệt silicon lỏng có thể di chuyển khắp các mô, gây nhiều khó khăn khi muốn phẫu thuật loại bỏ. Trong trường hợp bệnh nhân này, người bệnh còn tiêm silicon vào ngực nhưng hiện tại chưa gây ra biến chứng nên bệnh viện đã hẹn bệnh nhân tái khám định kỳ để theo dõi, có hướng xử trí kịp thời.

Thực tế khá phổ biến ở những làng quê mọi người đều quen biết nhau, vì vậy sự tin tưởng tăng lên.

Chỉ cần nghe nói người thân, người quen làm được, người dân sẽ gửi gắm niềm tin vào đó mà không mấy bận tâm khiến không ít những trường hợp biến chứng, nhẹ thì viêm nhiễm, sưng tấy, biến dạng khuôn mặt, nặng hơn có thể là sốc phản vệ, thậm chí tử vong.

Không nên tiêm silicon lỏng vào bất kỳ bộ phận nào

"Việc tiêm silicon lỏng vào bất kỳ bộ phận nào của cơ thể để làm đẹp rất nguy hiểm. Khách hàng đối mặt nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêm chích như viêm gan siêu vi, HIV... nếu cơ sở thực hiện không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ là việc không ai mong muốn, trường hợp không may sau khi thực hiện làm đẹp xảy ra biến chứng, người bệnh cần tới ngay các bệnh viện, phòng khám uy tín có chuyên khoa thẩm mỹ để được điều trị kịp thời" - bác sĩ Võ Hồng Phúc.

Kỳ tới: "Bắt trend" đi học thẩm mỹ, các chiêu "móc túi" người ít tiền

Liên tục quảng cáo trái phép các dịch vụ làm đẹp bộ phận nhạy cảmLiên tục quảng cáo trái phép các dịch vụ làm đẹp bộ phận nhạy cảm

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM liên tục phát hiện và xử lý quảng cáo trái phép các dịch vụ làm đẹp bộ phận nhạy cảm trên không gian mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên