21/06/2019 14:29 GMT+7

Nỗ lực đổi thay khi chạm ngõ 75kg

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Thụ động vì gãy một chân từng khiến thân hình tôi phát phì, kéo theo một loạt hệ quả: bụng to, khó thở, thở ngắn và mệt, khó ngủ,... May mà thể thao và một chế độ dinh dưỡng hợp lý kịp giúp tôi tìm lại nhịp sống tươi trẻ, khỏe khoắn.

Năm 2012 tôi bị một tai nạn, chân bên trái gãy cả hai ống ở cẳng chân. Vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Q.5, TP.HCM), tôi được chỉ định mổ bắt vít để cố định xương. 

Sau khi nằm ở khoa Chi dưới của bệnh viện gần 10 ngày, xong các phẫu thuật, tôi về nhà với đôi nạng. Người rôi nặng trĩu vì trước đó, tôi vốn đi lại nhiều do công việc tự do giờ giấc, chiều nào cũng ra công viên Lê Văn Tám gần nhà để tập tành từ chạy bộ, hít đất đến hít xà đơn, xà kép các kiểu…

Nỗ lực đổi thay khi chạm ngõ 75kg - Ảnh 1.

Tác giả với đôi nạng và trọng lượng 75 kg năm 2012 - Ảnh: PHONG CHÂU

Từ lúc về nhà dưỡng thương, do ngồi một chỗ lại được "bồi dưỡng" sữa, ăn uống đồ ngon hơn nên tôi dần tăng cân. Từ 65kg, sau một tháng tôi lên đến 70kg. Tôi vẫn ít di chuyển và vẫn ăn nhiều, uống sữa đều đặn nên cân nặng tịnh tiến tăng theo thời gian ngồi nhà đến 73kg. 

Thời gian đó, tôi chuyển công tác, từ chỗ đi nhiều sang ngồi tại cơ quan xử lý công việc khiến bụng to thêm, kéo theo đó là triệu chứng khó thở, thở ngắn và mệt, khó ngủ.

Đỉnh điểm của cân nặng chính là khi tôi bước lên cân và thấy kim chỉ vị trí hơn 75k. Tôi tìm thông tin về cân nặng với chiều cao thì thấy, mình dư khá nhiều cân. Đây chính là nguyên nhân của mệt mỏi, khó thở như những triệu chứng tôi đã trải  qua.

Hơi lo lắng, tôi tham vấn một người bạn đang làm bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), không biết mình có bị tim mạch không. 

Bạn tôi nói, thừa cân là nguyên nhân của huyết áp và tim mạch. Cậu ấy yêu cầu tôi phải giảm ăn uống bổ dưỡng lại và năng tập thể dục, vừa giúp xương lành mau hơn, vừa hỗ trợ giảm cân, săn chắc.

Thế là tôi lên kế hoạch giảm cân, tăng cường thể dục. Đầu tiên là về ăn sáng, vẫn duy trì chế độ cũ, trưa bớt lại một chút và buổi chiều tôi chỉ ăn gạo lứt với muối mè. Thay vì trước đó tôi uống ngày 3 hộp sữa thì giờ bớt lại còn 2, sau đó còn 1 vào buổi sáng. Tôi cũng tuyệt đối không ăn sau 7g tối và không thức quá 11g đêm như trước đó.

Đặc biệt, thời gian đầu, dù còn đi nạng, nhưng tôi rủ bạn mình cùng đi tập 5 buổi mỗi tuần tại công viên. Sau 3 tháng, tôi bỏ hẳn đôi nạng và chọn một phòng tập gym gần cơ quan, đăng ký gói 6 tháng nằm mục đích: phải đi tập vì… tiếc tiền. 

Quả thật, việc tự  "đánh" vào kinh tế khiến tôi có động lực hơn. Tôi gói ghém thời gian, chen lịch tập vào, lúc đầu 45 phút mỗi ngày, sau lên một tiếng và duy trì ít nhất tiếng rưỡi mỗi buổi tập cho đến bây giờ.

Việc ăn ít lại, đặc biệt là lượng tinh bột mỗi ngày không "xả láng" như trước đã giúp tôi giảm cân kha khá. Bạn tôi chỉ cách giảm lượng cơm đưa vào cơ thể: "Mỗi bữa cậu ăn 2 chén thì giờ vẫn cứ xới 2 lần, nhưng mỗi lần thay vì chén đầy, giờ làm chén lưng thôi".

Bên cạnh đó, việc nghiêm túc theo lịch tập từ công viên tới phòng gym, vừa đi bộ nhanh, đẩy tạ, hít đất (mỗi ngày 60 cái/ 3 hiệp), tối và sáng còn ngồi thiền 30 phút… nên cơ thể tôi dần khỏe khoắn trở lại. Hơi thở đều hơn, không còn thấy mệt và đuối vào cuối ngày, bụng "teo" bớt, da dẻ cũng hồng hào chứ không "xanh xám" như trước đó. Bạn bè tôi nhận xét, hóa ra mập đâu phải tốt, câu nói "đàn ông bụng bự thì sang" là bậy bạ lắm luôn…

Sau 6 năm vừa giảm cân, vừa luyện tập, từ chân gãy phải đi nạng, tháng 6-2018 tôi đã có thể leo lên núi Yên Tử, đến chùa Đồng (Quảng Ninh) với nhịp thở đều, khỏe.

Nỗ lực đổi thay khi chạm ngõ 75kg - Ảnh 2.

Tác giả trong lần leo lên đến chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) khi số ký còn 66 - Ảnh: ĐẬU ANH TUẤN

Tôi nghĩ, việc rèn luyện sức khỏe là điều tốt, ai cũng biết dư thừa cân, lắm mỡ bụng sẽ khiến "vòng đời ngắn lại"… nhưng cơn cám dỗ của bia rượu, ăn uống ngon, ngủ nướng và tụ tập mọi người ngồi chơi luôn khiến mình quên ngay quyết tâm giảm cân, tập thể dục, chơi thể thao.

Rất nhiều người cứ hẹn "thôi mai hãy đi tập" và cái ngày mai đó cứ lặp lại cho đến khi cơ thể mỏi mệt, lười biếng, ngày càng phì ra. Do vậy, nỗ lực trong khi tập luyện, thay đổi chế độ ăn uống là điều quan trọng. 

Theo tôi, tập thể dục hay giảm cân cũng cần có bạn, đốc thúc nhau đạt được những mục tiêu tốt đẹp - là điều không thể thiếu - vì "ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Tu hành trong trường hợp này chính là sửa thói quen ăn nhiều, lười tập mà mỗi người vẫn hay mắc phải trong cuộc sống hàng ngày. Thực sự, khi mình khỏe, tinh thần tốt lên thì công việc và mọi mối quan hệ cũng trở nên tốt đẹp, hanh thông!

Thể lệ cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình"

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

Độ dài tối đa: 1.000 chữ.

Tiêu chí: câu chuyện có thật, có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng.

Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn) với mức nhuận bút hấp dẫn.

Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả chỉ được gửi 1 bài dự thi.

Giải thưởng:

Nhất: 20 triệu đồng.

Nhì: 10 triệu đồng.

2 giải ba: mỗi giải 5 triệu đồng.

10 giải khuyến khích: mỗi giải 1 triệu đồng.

Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động: 17-6

Kết thúc và trao thưởng trong tháng 9-2019.

Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoechominh@tuoitre.com.vn

Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip nếu có) gửi qua email, xin ghi Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình" .

Nỗ lực đổi thay khi chạm ngõ 75kg - Ảnh 4.
LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên