02/07/2012 08:45 GMT+7

Nô lệ trên tàu cá Thái Lan

NGÔ HẠNH
NGÔ HẠNH

TT - Tờ Global Post, qua một cuộc điều tra kéo dài ba tháng, vừa phanh phui những góc tối khủng khiếp của ngành công nghiệp thủy sản trị giá hàng tỉ USD của Thái Lan: nô lệ khổ sai.

32GRntbx.jpgPhóng to
Một lao động nhập cư làm việc trên một tàu cá Thái Lan ở Sattahip, thuộc tỉnh Rayong - Ảnh: AFP

Năm ngoái, báo cáo viên Joy Ezeilo của Liên Hiệp Quốc, sau chuyến thăm Thái Lan, đã khẳng định tình trạng lao động bị cưỡng bức là vô cùng phổ biến trong ngành đánh cá nước này, thậm chí còn được sự tiếp tay của lực lượng cảnh sát.

“Nó không giống như giám sát nhà thổ, các nhà máy... sự lao động cưỡng bức ở đây diễn ra ngoài biển - chuyên gia cấp cao Lisa Rende Taylor thuộc Dự án về buôn bán người của Liên Hiệp Quốc nhận định - Nó là một thế giới nơi thuyền trưởng là vua. Một số cố kiếm nhiều tiền bằng cách bắt các lao động làm việc cả ngày và cho mình quyền đối xử độc ác tùy thích”.

Thảm họa và lòng tham

Sakho là một nô lệ may mắn trốn trở lại được quê nhà Campuchia cuối năm ngoái sau hai năm bị cầm tù. Anh cùng con trai và hai người cháu đã bị bán với giá 650 USD. Những kẻ môi giới hứa giúp họ một công việc ổn định ở một nhà máy cá đóng hộp. Nhưng rồi họ bị đưa sang Thái Lan, bị đẩy lên một chiếc thuyền gỗ thẳng ra vùng biển mà luật pháp không thể chạm tới.

“Chúng tôi phải làm việc liên tục, không được trả lương, dù bệnh tật hay nôn mửa, đôi khi phải làm hai ba ngày liền”- anh Sakho, 39 tuổi, nhớ lại. Tất cả họ phải tuyệt đối tuân theo lời của tay thuyền trưởng luôn lăm lăm khẩu súng ngắn K-54, kẻ đã từng rạch mặt một thuyền viên trước mặt thủy thủ đoàn. 20 giờ làm việc mỗi ngày, họ bị buộc phải đánh bắt và phân loại thủy sản dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt.

Nhưng những gì đánh bắt được không dành cho họ. “Thị trường hải sản Thái Lan chủ yếu xuất khẩu. Thử làm phép tính và chúng ta sẽ biết ngay số thủy sản này được xuất khẩu đến những nước nào” - Rende Taylor nói.

Mỹ là nước đứng thứ hai trong tiêu thụ hải sản của Thái Lan với hơn 2,5 tỉ USD vào năm 2011. Nước tiêu thụ hàng đầu hải sản từ Thái Lan là Nhật Bản.

Điều trớ trêu là các bên liên quan đều cho rằng rất khó để quản lý nguồn gốc những hải sản “đen” được đánh bắt bởi sức lao động của nô lệ. Các nhà xuất khẩu nói rằng họ không có quyền hạn gì với những đối tác cung cấp nguyên liệu cho họ. “Chúng tôi chỉ có quyền với các thành viên chứ không phải các con tàu hay thủy thủ”, Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan Arthon Piboonthanapatana giải thích. Những nhà nhập khẩu Mỹ cũng chấp nhận bó tay trong việc theo dõi nguồn hàng.

Không chỉ vậy, nhu cầu sử dụng nô lệ cũng bắt nguồn từ những chuyển biến của ngành ngư nghiệp Thái Lan. Tỉ lệ đói nghèo giảm mạnh ở nước này hai thập niên qua đã khiến lượng ngư dân trở nên thiếu hụt nghiêm trọng khi nhiều người không cần phải mạo hiểm cuộc sống trên các tàu đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, sự cạn kiệt hải sản do đánh bắt quá mức đã đẩy các con tàu phải mỗi ngày đi xa hơn, thậm chí đến tận Somalia, để tìm các loại hải sản giá trị hơn như mực, cá thu.

Do thiếu hụt hơn 70.000 lao động cùng áp lực tài chính, giá nhiên liệu, chi phí tăng..., các chủ tàu đã phải tìm đến các lao động “miễn phí”. Ban đầu đó chỉ là các vụ bắt cóc thanh niên trong nước, nhưng sau đó nguồn lao động chủ yếu đến từ nước ngoài, cụ thể là các vùng giáp ranh biên giới với Myanmar và Campuchia. Cuộc sống nghèo khổ và khắc nghiệt đã khiến nam giới những khu vực này không mảy may nghi ngờ lời dụ dỗ của những kẻ môi giới.

“Ở làng tôi chỉ kiếm được 1,5 USD cho một ngày lao động. Họ hứa cho tôi công việc với mức lương 260 USD/tháng ở một nhà máy Thái Lan. Con tôi vừa chào đời lại bị mắc bệnh tim, làm sao tôi có thể từ chối” - anh Sakho nói.

Không ai thật sự biết có bao nhiêu nô lệ đang bị giam giữ ngoài khơi hay số tàu cá sử dụng lao động cưỡng bức. Sự quản lý lỏng lẻo đến mức các quan chức Thái Lan thậm chí cũng không chắc về số lượng tàu và thủy thủ đánh cá hợp pháp. Các tổ chức chống buôn người ước tính số nô lệ đánh cá lên đến hàng ngàn người, còn Tổ chức Mirro đặt tại Bangkok khẳng định số nô lệ chiếm một tỉ lệ không thể tưởng tượng được trên tổng số 250.000 thủy thủ của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Tổ chức Di trú thế giới năm 2011 cho biết hơn một nửa số tàu đánh cá toàn cầu không có đăng ký. Những chiếc “tàu ma” thường sao chép hoàn toàn một chiếc tàu đánh cá hợp pháp, từ giấy tờ đến hình thức. “Nếu một chủ tàu có 10 tàu thì bốn chiếc hợp pháp, trong khi sáu chiếc khác là được “nhân bản”, một quan chức Thái Lan cho biết. Những giấy tờ giả, gồm giấy đăng ký tàu và thủy thủ, nhật ký hải trình, đều dễ dàng qua mặt cảnh sát hàng hải. Nếu bị hải quân hỏi thăm thì đã có mức giá hối lộ.

“Nếu hải quân Indonesia muốn bắt thuyền, bạn phải hối lộ họ 10 triệu rupiah (khoảng 1.000 USD). Còn ở Thái Lan mức giá là 20.000 baht (khoảng 650 USD). Bạn có thể đút lót ngay tại chỗ rồi tiếp tục đánh cá, hoặc đưa tiền khi bị kéo vào bờ. Nhưng kiểu nào cũng phải hối lộ họ thôi”, một chủ tàu tiết lộ.

FwIWq7IZ.jpgPhóng to

Cuộc sống tuyệt vọng và những cuộc tẩu thoát

Cuộc sống nô lệ bắt đầu bằng một giao kèo trong đó ghi món nợ mà những thanh niên trót dại không thể nào trả nổi. Còn những tay buôn người nhận được 600 USD cho mỗi lao động. Các thuyền trưởng có quyền chọn trả công cho các nô lệ, cầm tù họ hoặc bán lại như một món đồ.

Một nhân viên thuộc Bộ An ninh con người và phát triển xã hội Thái Lan cho biết qua một số vụ truy quét, cảnh sát đã phát hiện danh sách dài dằng dặc những nô lệ và số tiền họ nợ. “Họ còn lưu danh sách những người bỏ trốn và bị bắt lại. Nếu trốn và bị bắt lại lần đầu nợ sẽ bị tăng gấp đôi, lần tiếp theo là tăng gấp ba. Thậm chí nếu không bỏ trốn họ cũng không tài nào trả được nợ”, nhân viên này cho biết.

Một khi lên tàu, họ bắt đầu cuộc sống mà như nô lệ Jord mô tả là một cuộc chiến đấu liên tu bất tận với điều kiện khắc nghiệt, bị đánh đập và cả nguy cơ bị giết chết. “Nhiều năm trước tôi chứng kiến cả một toán thủy thủ nước ngoài bị bắn chết - Da, một thủy thủ người Thái 39 tuổi nhưng từng trải hơn 20 năm trên biển, kê: - Tổng cộng 14 người. Họ đã lênh đênh năm năm mà không được trả tiền. Sếp không muốn bỏ tiền nên bắt họ xếp hàng dọc mạn tàu và bắn từng người một”. Da là người quăng xác xuống biển và dọn dẹp hậu quả.

Các vụ giết nô lệ rất phổ biến. Trong bảy cựu nô lệ được tờ Global Post phỏng vấn ở Thái Lan và Campuchia, bốn người từng chứng kiến tận mắt ít nhất một vụ thanh toán nô lệ. 60% nô lệ được nhóm chống buôn người của Liên Hiệp Quốc giải cứu trong năm 2009 cũng thừa nhận điều tương tự. Nếu không bị bắn chết thì những nô lệ cũng chết mòn trên tàu. Thời gian làm việc trung bình 18-20 giờ mỗi ngày và chỉ sau khi cá đã được phân loại và lưới được vá họ mới được phép ngủ, ngay trên sàn tàu. Bữa cơm hằng ngày chỉ là cháo với một chút thịt bằm. Suy dinh dưỡng và mất nước dần dần biến các nô lệ thành những thây ma. Chưa kể họ cũng bị đánh đập, điều thường xảy ra với các nô lệ Campuchia và Myanmar do bất đồng ngôn ngữ dẫn đến hiểu lầm.

Có người mất 10 năm lênh đênh trên biển, bị bán lại không biết bao nhiêu lần, nhưng cũng có một số ít may mắn trốn thoát.

Nhưng câu chuyện vượt ngục của nô lệ Sanh, người Myanmar, và hai người bạn còn nguy hiểm hơn khi họ trốn xuống một hòn đảo của Thái Lan năm 2010. Sau khi thoát khỏi sự truy đuổi của chủ tàu, họ phải bơi qua hai hòn đảo để vào bờ. “Đói và khát, tôi luôn nhủ thầm phải tiếp tục bơi. Ngừng lại có nghĩa là chết”, Sanh kể.

Chỉ hai người vào được đến bờ. Sanh sống lây lất trên bờ biển Thái Lan trong hơn nửa tháng, thậm chí xin cảnh sát bắt giữ nhưng bị từ chối. Anh cùng người bạn Myanmar sau đó được chuyển đến cơ quan nhập cư Thái Lan và hiện đang sống tại Bangkok.

Sở dĩ tình trạng đánh bắt cá lậu và lao động cưỡng bức tồn tại là dựa vào dây chuyền cung ứng hải sản bắt đầu từ những vùng biển sâu ngoài khơi. Ở đó, những “tàu mẹ” cỡ lớn vừa đóng vai trò là kho lưu trữ hải sản vừa cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và thậm chí nô lệ cho các tàu cá để thay thế những người đã bỏ mạng.

Hầu hết hải sản, hợp pháp hay do nô lệ đánh bắt, đều đi qua cùng quá trình từ tàu cá, tàu mẹ đến những người thu mua trên đất liền, các nhà máy chế biến, nhà xuất khẩu, nhập khẩu và cuối cùng là bán ra các siêu thị hay nhà hàng. Nhưng một khi hải sản đã được đưa vào kho đông lạnh của tàu mẹ để đưa về đất liền, không ai có thể biết được đâu là nguồn gốc của chúng.

NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên