14/10/2014 10:41 GMT+7

Nín thở qua vùng đất dữ

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Những vùng đất dữ ấy thường là nơi giáp ranh, gầm cầu, bến xe, công viên...

Người nghiện công khai tiêm chích cho nhau ở dải phân cách trên quốc lộ 22, đoạn trước khu vực bến xe An Sương (TP.HCM) - Ảnh: Khoa Long
Người nghiện công khai tiêm chích cho nhau ở dải phân cách trên quốc lộ 22, đoạn trước khu vực bến xe An Sương (TP.HCM) - Ảnh: Khoa Long

Nếu có việc chẳng đặng đừng phải qua những bãi kim tiêm nơi người nghiện vật vờ, bạn chẳng còn cách nào khác phải nín thở, rảo bước và cầu mong tai họa đừng ập xuống đầu mình. Những vùng đất dữ ấy thường là nơi giáp ranh, gầm cầu, bến xe, công viên...

Từ đô thị chúng lan nhanh về chốn thôn quê, tệ nạn nghiện hút chích đã trở thành tai họa, đe dọa người dân.

Những ổ hút, chích ma túy trước bến xe An Sương ở TP.HCM mà Tuổi Trẻ ngày 12-10 đưa ra những hình ảnh hết sức thuyết phục chỉ là một ví dụ. Sau mỗi chiến dịch truy quét, trấn áp mạnh nơi này, chúng dạt sang nơi khác.

Khi người nghiện hút gieo rắc sợ hãi, gây bất an cho người dân, đó là lúc chính quyền phải xuất hiện. Bảo vệ an toàn cho mọi người là chức năng sơ khai nhất của bất kỳ nhà nước nào. Nhà nước càng vì dân, càng phải đẩy lùi bất an cho người dân.

Muốn vậy, cần kiểm soát người nghiện, làm cho việc sử dụng ma túy của họ không đe dọa cộng đồng. Đành rằng cần tôn trọng quyền con người của người nghiện, song không thể tự do chích hút ma túy nơi công cộng.

Nếu hút thuốc lá nơi công cộng đã bị cấm, không có lý gì việc hút chích ma túy lại có thể diễn ra công khai.

Dù tự nguyện hay bị cưỡng bức, việc hút chích ma túy và cai nghiện phải được diễn ra ở các địa điểm cách ly với xã hội. Bên cạnh đó, bằng mọi giá, chính quyền phải trấn áp bằng được những kẻ mua bán “cái chết trắng”.

Cuộc giải trình của các cơ quan chức năng về thực hiện chính sách pháp luật cai nghiện ma túy trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 27-9 vừa qua đã cho thấy số người nghiện ma túy ở VN chỉ có tăng, không hề giảm.

Theo khảo sát của Bộ Công an, cả nước có 204.377 người nghiện đã có hồ sơ quản lý, tuy nhiên chỉ có 15% trong số đó được quản lý bởi 142 trung tâm cai nghiện trên toàn quốc.

Ngoài ra, trong bảy tháng đầu năm 2014 chỉ có 33 trường hợp bị tòa án cấp huyện ra quyết định cai nghiện bắt buộc.

Như vậy có thể thấy việc sử dụng ma túy của người nghiện tuyệt đại đa số chưa được kiểm soát, chưa được cách ly với xã hội, ở nơi nào họ tụ tập, ngay lập tức vùng đất ấy biến thành vùng đất dữ.

Để những vùng đất dữ ấy ngang nhiên tồn tại, trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp chính quyền, trước hết là chính quyền địa phương.

Đã có công an, tòa án, sở tư pháp và sở LĐ-TB&XH, hưởng lương từ ngân sách người dân nuôi, không lẽ lập lại trị an lại trông chờ người dân lập đội nghĩa hiệp tự phòng vệ, hay ngóng trông chờ hiệp sĩ đường phố ra tay.

Tội phạm và tệ nạn càng có tổ chức, với quy mô phủ bóng lên hàng chục vạn người nghiện, càng không thể chỉ trông chờ vào khả năng tự đề kháng, tự phòng vệ của cộng đồng. Đó là lúc chúng ta cần một nhà nước mạnh, có trách nhiệm trước người dân.

Trị an chắc chắn thuộc trách nhiệm và phải là ưu tiên số một của bất kỳ chính quyền địa phương nào. Muốn vậy địa phương phải có đủ nguồn lực, nguồn thu để trang trải cho các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình.

Khi thẩm quyền đã được phân chia rõ ràng, để người dân phải nín thở mỗi khi rảo bước qua những vùng đất dữ, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

 

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên