23/04/2018 12:15 GMT+7

Niềm tin xa xỉ ở Syria

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Câu chuyện có hay không việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria đứng trước viễn cảnh bế tắc, đơn giản vì các bên ngay từ đầu đã không tin nhau.

Niềm tin xa xỉ ở Syria - Ảnh 1.

Đoàn xe của Liên Hiệp Quốc chở thành viên OPCW ở Damascus, Syria ngày 17-4 - Ảnh: REUTERS

Bộ Ngoại giao Nga và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 21-4 xác nhận các chuyên gia của OPCW đã đến thành phố Douma, cách đông bắc thủ đô Damascus của Syria khoảng 10km. 

Nhóm chuyên gia này bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm, thẩm định thực hư về thông tin sử dụng vũ khí hóa học, được cho đã khiến khoảng 40 người chết vào ngày 7-4.

Tâm điểm Douma

Sau khi lấy mẫu thử nghiệm, nhóm chuyên viên gồm 9 người của OPCW sẽ gửi về một phòng thí nghiệm tại Hà Lan để xác nhận có hay không một vụ tấn công bằng chất độc hóa học và nếu có thì đó là loại chất gì. 

George Famini - cựu quan chức Mỹ và hiện là nhà tư vấn an toàn hóa học với 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh này, cho biết OPCW sẽ tìm mẫu thử sinh học trên cả nạn nhân, người sống sót lẫn các cơ sở bị tàn phá, cũng như bằng chứng tìm thấy trong môi trường xung quanh.

Sự có mặt của OPCW có thể là một cái kết tạm cho những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học này. Không riêng OPCW, Douma là tâm điểm điều tra của nhiều bên. 

Phía Nga và Syria cũng khẳng định đã tiến hành điều tra và "không phát hiện" dấu vết nào. 

Ngược lại ở phía đối diện, Mỹ và phương Tây tin vào kết quả và báo cáo của Lực lượng Dân quân Syria - một tổ chức tình nguyện viên được cho đã và đang có hoạt động cứu trợ tại các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria dưới tên gọi khác là White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng).

Ngoài ra, phóng viên của những hãng tin hàng đầu thế giới cũng tiếp cận khu vực nghi có tấn công hóa học những ngày qua. 

Một số đơn vị truyền thông như Intercept (Mỹ), CBS News (Mỹ), Guardian (Anh), TV4 (Thụy Điển)... cũng gửi phóng viên thực hiện các bài điều tra đặc biệt. Bên cạnh đó, đội điều tra Bellingcat của website chuyên phóng sự điều tra độc lập Bellingcat, từng điều tra vụ MH17 và tình hình Ukraine, cũng đi tìm kiếm sự thật ở Syria.

Kết quả kiểm tra của OPCW được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Syria vì chất hóa học bị cấm trong chiến tranh, đồng nghĩa bên nào vi phạm sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề từ cộng đồng quốc tế.

Niềm tin xa xỉ ở Syria - Ảnh 3.

Binh sĩ chính quyền Syria kiểm tra số vũ khí do quân nổi dậy để lại ở thị trấn Dumayr, ngoại ô Damascus ngày 22-4 - Ảnh: REUTERS

Kết án trước khi thẩm tra?

Lực lượng điều tra hùng hậu trên tuy vậy lại không hứa hẹn gì về việc có thể tìm ra sự thật nào ở Syria lúc này. Vì ngay khi OPCW còn chưa lên tiếng, các bên đã có dấu hiệu nghi kỵ lẫn nhau và gần như chắc chắn không chấp nhận bất kỳ kết quả nào không phục vụ quan điểm của họ.

Đáng ra OPCW đã đến Douma trước đó gần hai tuần, nhưng phải hoãn lại vì một số vụ nổ súng trong khu vực, đe dọa sự an toàn của các chuyên viên. 

Ngay lập tức, truyền thông Âu - Mỹ cho rằng phía Nga - Syria đã cố tình làm loạn để ngăn OPCW nhằm có thời gian tẩu tán bằng chứng, vật chứng, thậm chí ngụy tạo hiện trường để đánh lừa cơ quan kiểm tra.

Hôm 19-4, Mỹ nói có bằng chứng tin cậy cho thấy Syria và Nga đang trì hoãn nhiệm vụ của OPCW tại Douma. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: "Quan chức Nga đang phối hợp với chính quyền Syria, chúng tôi tin là nhằm tẩy rửa các vị trí nghi có tấn công và xóa bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học".

Kể cả khi các phóng viên Anh, Mỹ, Pháp và Đức tiếp cận hiện trường vài ngày qua và ghi nhận "không có bằng chứng về tấn công hóa học", họ vẫn nghĩ rằng Nga - Syria đã thao túng câu chuyện.

Báo Anh Guardian dẫn lời một người đứng đầu cơ quan y tế lớn ở Syria nói rằng các nhân viên y tế tiếp xúc với phóng viên đã bị ép trả lời sai, vì sợ lực lượng cảnh sát chìm của chính quyền Syria - còn gọi là Mukhabarat - sẽ hại gia đình họ. 

Và khi chính hãng tin AFP (Pháp) cũng như những phóng viên cụ thể như Robert Fisk (viết cho báo Anh Independent), Dirk Emmerich (Đài Đức RTL) và Pearson Sharp (One America News) có báo cáo rằng "không tìm thấy nhân chứng nói có tấn công hóa học", truyền thông phương Tây cũng không tin.

Cáo buộc ngụy tạo bằng chứng cũng được phía Nga đưa ra, nhằm vào lời buộc tội và các video bằng chứng về nạn nhân bị tấn công hóa học ở Douma do White Helmets báo cáo trước đó. Nhưng theo Intercept, nhiều "nhân chứng" lại xuất hiện hai lần ở hai bản tin tại hai địa điểm khác nhau của nhà báo Seth Doane (CBS News) và Stefan Borg (TV4).

Không ai tin ai trong câu chuyện này và càng không tin vào kết quả điều tra nếu nó gây bất lợi cho họ. Có vẻ như họ đã soạn sẵn một kết luận ngay từ lúc có cáo buộc...

Lý do không kích

Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc quân đội Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào Douma - khu vực do quân nổi dậy kiểm soát lâu nay. Đây cũng là nguyên cớ dẫn tới việc Mỹ, Anh và Pháp thực hiện không kích vào "các cơ sở chứa vũ khí hóa học ở Syria ngày 14-4. Trong khi đó, Nga và Tổng thống Syria Bashar al-Assad bác bỏ cáo buộc này.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên