Không có niềm tin thì con người, cộng đồng, dân tộc không tồn tại và phát triển được.
Niềm tin vào người khác, niềm tin vào cha mẹ, niềm tin vào cuộc sống sẽ kiến tạo nên sự vững chắc của các quan hệ xã hội, của gia đình và cộng đồng.
Nhưng như thế chưa đủ, chúng ta cần có những niềm tin lớn lao hơn để làm nền tảng liên kết tất cả các cá nhân, cộng đồng lại với nhau, để cùng nhìn về một hướng.
Đó là "niềm tin chính trị" (còn gọi là niềm tin thể chế) và niềm tin vào nền tảng các giá trị đạo đức (niềm tin vào sự tử tế).
Một khi người dân đặt được niềm tin chính trị cao vào thể chế thì khi đó nó sẽ trở thành một sức mạnh vô cùng lớn lao, vượt qua tất cả mọi thác ghềnh, bão tố. Lịch sử hơn mấy ngàn năm của đất nước này đã chứng minh điều đó.
Khi có niềm tin vào thể chế, người dân sẽ luôn thấu hiểu, chia sẻ và chung tay gánh vác việc công với Chính phủ để vượt qua mọi khó khăn.
Nhưng niềm tin vào thể chế lại không phải điều gì đó mơ hồ, chung chung mà nó được hình thành từ những con người rất cụ thể và hành động cụ thể.
Hành động nhận mãi lộ của một vài cảnh sát giao thông, việc ngâm hồ sơ nhà đất để vòi vĩnh của cán bộ địa phương, việc thầy hiệu trưởng ăn chặn hàng trăm triệu tiền công quỹ, việc người dân gửi tiền vào ngân hàng bị mất... đã làm cho niềm tin vào thể chế bị suy giảm ít nhiều.
Thời gian gần đây, Đảng mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết tấn công không khoan nhượng vào tệ nạn tham nhũng, thiếu trách nhiệm của những cán bộ cấp cao đã tác động rất mạnh đến niềm tin thể chế.
Một loạt cán bộ cấp tướng, bộ trưởng và cao hơn nữa bị kỷ luật, bị bắt và truy tố với tội danh tham nhũng, đánh bạc, trục lợi, thu vén lợi ích nhóm... đã củng cố niềm tin đối với người dân: chủ trương "chống tham nhũng không có vùng cấm" đang được Đảng, Nhà nước hiện thực hóa.
Người Việt Nam thường nói "một lần bất tín, vạn lần bất tin", làm mất niềm tin nhanh lắm, để lấy lại niềm tin vô cùng khó, đôi khi bất thành.
Khó thế chứ khó nữa cũng phải làm, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là vì sự tồn vong của chế độ.
Tuy nhiên, người dân mong mỏi Đảng và Chính phủ không chỉ tập trung vào việc làm trong sạch bộ máy công quyền, mà cùng với đó là đầu tư tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng những cái tốt, những điều tử tế.
Chính những nhân tố lành mạnh đó sẽ góp phần rất lớn đẩy lùi những tiêu cực trong bộ máy, làm gương cho nhân dân.
Chính phủ muốn huy động vàng, ngoại tệ trong dân, muốn các doanh nhân, nông dân dốc lòng vì đất nước, muốn các bạn trẻ quay về phụng sự đất nước, muốn đón được nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài...
Những điều đó không khó, khi họ có niềm tin vào thể chế của quốc gia. Hãy xây dựng niềm tin mỗi ngày, ở mỗi công việc dù nhỏ nhất, đừng phung phí niềm tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận