YouTuber người Nhật Akari Nakatani hào hứng khoe với fan khi được lì xì vào giao thừa Tết 2021 - Ảnh cắt từ clip
Tuy nhiên, với họ, mỗi dịp Tết vẫn mang lại những cảm xúc khó tả, những khám phá thú vị với người yêu mến văn hóa Việt Nam.
Tết là được ăn bánh chưng
Akari Nakatani năm nay 28 tuổi, đã sống ở Việt Nam gần 6 năm và chưa bỏ lỡ một cái Tết nào trong chừng ấy năm.
Khi đến Việt Nam, Akari sống cùng gia đình bạn thân người Việt và mỗi năm đều đón Tết cùng những người mà cô gọi là gia đình ở Việt Nam. Năm ngoái, cô còn xông đất cho gia đình và được mẹ của bạn (Akari cũng gọi là mẹ) lì xì.
Akari Nakatani dịu dàng trong tà áo dài Việt - Ảnh: NVCC
Là một YouTuber có hơn 161.000 người đăng ký, Akari chia sẻ trải nghiệm Tết thú vị lên kênh của mình, nơi người xem thấy cô xúng xính áo đỏ cùng gia đình đi chùa mùng 1 Tết, thích thú thử món tai heo ngâm chua, hay ăn thỏa thích món bánh chưng mình khoái khẩu.
"Chúng tôi không có những nét văn hóa đó ở Nhật. Tất cả những điều mà người Việt làm trong dịp Tết đều mang tính văn hóa và có ý nghĩa. Với tôi, việc được học và trải nghiệm thêm văn hóa Việt luôn rất thú vị", Akari chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Tết năm nay, Akari sẽ lại cùng đón Tết gia đình Việt, dành thời gian nghỉ ngơi bên mẹ Việt và ăn bánh chưng cùng mọi người. Điều cô thích nhất mỗi dịp Tết là được gặp các thành viên trong gia đình.
"Đó là lúc tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều thế hệ trong gia đình, điều rất đặc biệt với một người nước ngoài sống ở Việt Nam như tôi", cô tâm sự. Khả năng nói tiếng Việt tốt cũng giúp Akari dễ dàng giao tiếp với mọi người.
Mối duyên của Akari với Việt Nam bắt đầu khi những câu chuyện từ người bạn thân là du học sinh Việt ở Nhật khiến cô tò mò về đất nước hình chữ S.
"Càng học hỏi ở cô ấy, tôi lại càng thấy hứng thú với quê hương của bạn, Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định đến Việt Nam và bắt đầu hành trình mới của cuộc đời mình", Akari kể.
"Cú sốc văn hóa" đặc biệt
Trong khi đó, từ khi hiểu về ý nghĩa của ngày Tết, anh Nnadozie Uzor Nadis, tên tiếng Việt là Nam, một YouTuber người Nigeria đang sống ở TP.HCM, không còn đi du lịch nước ngoài mỗi dịp Tết nữa mà luôn sắp xếp lịch để chắc chắn mình sẽ có mặt ở Việt Nam đón Tết.
Năm nay, Nam sẽ đón những ngày đầu năm ở TP.HCM, làm video giới thiệu Tết Việt cho bạn bè và gia đình ở nước ngoài, rồi đi thăm gia đình bạn bè Việt Nam ở các nơi như Biên Hòa, Đồng Nai...
"Có nhiều anh em, bạn bè mời tôi ghé nhà chơi và tôi rất vui khi được trở thành một phần của gia đình họ trong những ngày Tết", Nam nói.
YouTuber người Nigeria Nnadozie Uzor Nadis hài hước gửi lời chúc năm mới bằng tiếng Việt
Cách đây 13 năm, khi mới đến Việt Nam, Tết là một "cú sốc văn hóa" với Nam. "Lúc đó tôi thấy rất bực bội kiểu sao kỳ nghỉ gì mà dài thế, hàng quán đóng cửa hết trơn!
Do chưa có nhiều bạn bè nên tôi thấy Tết buồn và chọn đi nước ngoài chơi trong thời gian này. Mọi chuyện thay đổi khi tôi hiểu về ý nghĩa của ngày Tết", anh kể.
Bây giờ, gia đình và người thân của Nam ở Nigeria và Mỹ đã bắt đầu gọi Tết là "your New Year", "your holiday", ý nói đó là Tết âm lịch, là kỳ nghỉ theo phong tục Việt Nam của Nam, không giống với phần còn lại của gia đình. Họ cũng chuyển khoản để lì xì cho anh như phong tục lì xì ở Việt Nam.
Với Nam, ngày Tết còn là lúc anh đi ngắm chợ hoa xuân, thấy mọi người chở cây mai, cây đào về nhà. Tết là thời gian để anh hoài niệm, nhìn lại những gì đã qua, là thời gian với bạn bè, những người thân yêu và tạm gác lại công việc, là quây quần với mọi người bên mâm cơm ngày Tết vui vẻ.
"Năm nay tôi sẽ mặc áo dài đón Tết, điều đặc biệt là áo dài của Việt Nam khá giống với áo truyền thống ở Nigeria nên tôi thấy rất quen thuộc. Mặc áo dài Việt Nam gợi cho tôi nhớ nhiều về quê hương Nigeria", YouTuber với hơn 73.700 người đăng ký, nói.
Anh Nnadozie Uzor Nadis diện áo dài Việt đón Tết - Ảnh: NVCC
Tết trọn vẹn hơn khi có gia đình Việt
Tết đối với anh Valentin Constantinescu, người Romania, cũng vô cùng đặc biệt. Là một TikToker có hơn 251.000 người theo dõi, người đàn ông 38 tuổi nói tiếng Việt "nhanh như gió" này còn nhớ rõ ngày đầu tiên mình đặt chân đến Việt Nam là 1-10-2004, kể từ đó anh chưa bỏ lỡ bất kỳ một cái Tết nào.
"Hàng năm, nhìn thấy mọi người nô nức đi sắm Tết, tôi cũng vui lây. Tôi thích sự yên bình, vắng vẻ của Hà Nội mỗi dịp Tết. Cảm giác như cả thành phố đều đóng cửa để nghỉ ngơi, xả hơi, tận hưởng sau 1 năm dài cố gắng lao động", Valentin kể về những cái Tết khi anh còn ở Hà Nội. Hiện tại, anh đang sống ở TP.HCM cùng vợ.
Anh Valentin Constantinescu, nổi tiếng là một 'chiếc Tây yêu Việt Nam' trên mạng, cùng vợ mình - Ảnh: NVCC
"Vợ tôi là người Hà Nội, từ ngày chuyển vào TP.HCM, mỗi khi tới Tết, nếu chúng tôi không bay ra Hà Nội thì bố mẹ vợ sẽ vào. Năm nay do dịch nên mọi kế hoạch đều đổ bể cả, nên chắc chúng tôi ăn Tết đơn giản thôi", anh nói.
Dù năm nay không được đón Tết cùng gia đình vợ nhưng 3 mùa Tết gần đây cũng vô cùng đặc biệt với Valentin. "Từ lúc lập gia đình, tôi mới có những dịp Tết trọn vẹn và ý nghĩa nhất, vì mình có một gia đình để ‘về quê ăn Tết’, để có thể ‘quây quần, sum họp’, để sắm sửa Tết với gia đình. Ngày trước, tôi chỉ đi ‘ăn ké’ thôi, nên cũng không biết hết được những việc mà người Việt sẽ làm khi Tết đến", anh chia sẻ bằng tiếng Việt lưu loát.
Valentin kể anh quyết định đến Việt Nam từ lời gợi ý của một người bác khi ấy vốn là nhà ngoại giao, lúc anh đang chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3. "Tuần đầu ở Hà Nội, tôi đã quyết định sẽ không bao giờ rời Việt Nam nữa, và sau 17 năm, tôi vẫn ở đây", anh kể.
Chàng trai người Romania nói mình không có lý do gì để không yêu Việt Nam.
"Tôi đang được sống ở một đất nước có đà phát triển rất nhanh, cơ sở hạ tầng ổn, đồ ăn siêu ngon, con người rất thân thiện, ngôn ngữ cực kỳ hay, chất lượng cuộc sống của mọi người đang được cải thiện từng ngày một, Việt Nam cũng là một đất nước khá an toàn, không có quá nhiều tệ nạn, tội phạm... ", anh tuôn luôn một tràng.
Từ chỗ không biết tiếng Việt, đến nay Valentin không chỉ sử dụng tiếng Việt thành thạo mà còn dạy lại miễn phí cho người nước ngoài ở Việt Nam, bên cạnh các lớp tiếng Anh miễn phí cho người Việt của anh.
Anh Valentin Constantinescu dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam - Ảnh: NVCC
"Tôi thật sự hy vọng là đến Tết năm sau, dịch sẽ không còn nữa vì dịch mà tất cả mọi người đã quá vất vả rồi. Hy vọng chúng ta sẽ lại được đi xem pháo hoa đêm giao thừa, sẽ có thể đi sắm mai, sắm đào thoải mái mà không còn phải lo sợ sẽ mang dịch bệnh về nhà" - Valentin tâm sự.
Trong khi đó, 4 năm học ngành ngữ văn tiếng Việt và tiếng Anh ở Đại học Quốc gia Kiev đã cung cấp cho Sofiia Phan, một cô gái người Ukraine, nhiều kiến thức về Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục sang Việt Nam học thạc sĩ 2 năm nữa, rồi ở lại đến nay đã gần 6 năm.
"Tôi đã biết về Tết trước khi chuyển đến Việt Nam. Tết là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt, khi họ về nhà và sum vầy với những người thân yêu của mình. Không khí của những ngày Tết rất ấm áp và dễ chịu", cô nói.
Kênh TikTok với hơn 273.000 người theo dõi là nơi cô chia sẻ những khoảnh khắc đời thường của mình và người chồng Việt Nam, cùng thiên thần nhỏ vừa được 9 tháng tuổi. Năm nay, Sofia đã mua cành đào để trang trí và nói sẽ làm nem rán để ăn Tết với bạn bè và gia đình.
TikToker người Ukraine Sofiia Phan và chồng ở Việt Nam - Ảnh: NVCC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận