28/01/2022 09:12 GMT+7

Chúng ta sẽ có khái niệm 'Tết mới'

LƯU DỊU KHUÊ (nghiên cứu tại ĐH Minnesota, bang Minnesota, Mỹ)
LƯU DỊU KHUÊ (nghiên cứu tại ĐH Minnesota, bang Minnesota, Mỹ)

TTO - Năm 2021 âm lịch gần kết thúc, lại một cái Tết nữa sắp đến đánh dấu cái Tết thứ năm xa nhà của tôi. Ngày đến Mỹ, tôi cứ nghĩ đi mới khó, về thì dễ dàng. Việt Nam là nhà, đường bay có sẵn, cầm hộ chiếu lên tay, mua cái vé là về thôi.

Chúng ta sẽ có khái niệm Tết mới - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh Lưu Dịu Khuê cùng chồng và con gái - Ảnh: NVCC

Thế là tôi hẹn Tết về, Tết về vui hơn. Nhưng đến khi những chuyến bay quốc tế liên tục báo hủy trong vô vọng, tôi mới giật mình nhận ra cũng có lúc thật sự không còn đường về nhà. Quanh đi quẩn lại, giờ đã sắp đến cái Tết thứ 5 xa gia đình. 

Sự trông mong thấp thỏm càng chồng chất sau khi tôi có bầu. Lúc mới mang thai, dịch bệnh còn chưa có. Những kế hoạch trở về ngày đó tan tành đã đành, đến nay cháu đã biết đi, biết nói mà vẫn chưa được gặp ông bà nội ngoại.

Tình hình diễn tiến dịch bệnh quá nhanh và phức tạp. Tôi biết lắm lúc chính sách chỉ vừa dự thảo, chưa kịp ban hành đã phải thay đổi vì biến cố mới xuất hiện trong bài toán chống dịch. Sự xuất hiện của các biến thể Delta, Omicron là những biến cố bất ngờ như thế.

Tôi đã sống qua những ngày nước Mỹ là tâm dịch toàn cầu mà vẫn chưa có vắc xin. Những ngày đó, mỗi ngày mở báo ra, nhìn con số thống kê về ca nhiễm, ca tử vong trên toàn nước Mỹ, tôi thực sự lo lắng. 

Nhưng khi dịch bùng lên tại Việt Nam, khi nó len lỏi vào cuộc sống của người thân tôi, khi những mất mát được cụ thể hóa trong những cuộc điện thoại về nhà, "Con ơi, thầy H. mất rồi", "chồng cô T. cũng vừa mất", "mẹ và bà của K. mới mất tuần trước", những con số thống kê không còn dừng ở mức lo lắng mà trở thành chuyện đau lòng. Tay đứt ruột xót. Những gia đình thân quen quanh tôi đã không còn trọn vẹn.

Tôi nhớ những năm khi tôi còn nhỏ, mỗi năm Tết đến đi chùa hay đi chúc Tết, khi cầm trên tay nén nhang mà không biết cầu xin gì, tôi lại cầu xin cho gia đình tôi dồi dào sức khỏe, khi phải chúc Tết mà không biết chúc gì thì tôi lại: "Chúc cô chú dồi dào sức khỏe".

Khi đó nói vậy là vì thói quen, vì gần như là câu cửa miệng đi đâu cũng nghe chứ thật ra trong lòng cũng không nghĩ ngợi gì. Nhưng năm nay, nếu được ước nguyện vào dịp Tết, tôi thành tâm mong mỏi tất cả mọi người được thật nhiều thật nhiều sức khỏe, bình yên vượt qua đại dịch.

Dù vô cùng mong mỏi được về, nhưng tôi lại chuẩn bị tinh thần cho một cái Tết nữa xa nhà. Suốt thời gian qua chúng ta hay nghe về cụm từ "bình thường mới". Đại dịch này khiến nhiều khái niệm và định nghĩa đã thay đổi, và có lẽ sắp tới đây chúng ta cũng có một khái niệm Tết mới.

Tết không nhất thiết chỉ là ngày gia đình sum họp, mà ngày gia đình sum họp tự là Tết trong lòng mỗi người.

Tết sớm của người Việt ở Malaysia Tết sớm của người Việt ở Malaysia

TTO - Sau một năm với bao biến động, thăng trầm và mất mát do COVID-19, ngày 16-1, gần 200 người Việt Nam được ngồi bên nhau để đón Tết sớm ở TP Klang, bang Selangor, Malaysia. Với tất cả mọi người, giây phút đoàn viên đặc biệt này thật quý giá.

LƯU DỊU KHUÊ (nghiên cứu tại ĐH Minnesota, bang Minnesota, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên