28/01/2022 08:12 GMT+7

Bà con trồng hoa miền Tây vui như Tết

MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM

TTO - Ngày 23 tháng chạp, anh Chín Nghĩa, chủ vườn hoa kiểng Chín Nghĩa ở Đường hoa Sa Đéc, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp, đã ngơi việc, kết thúc một mùa hoa Tết với gần 10.000 chậu hoa trong vườn được chuyển lên xe đưa đi hết.

Bà con trồng hoa miền Tây vui như Tết - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Văn Thanh (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết từ tháng 6 đã phải chuẩn bị nguyên liệu để tạo hình

Anh Chín Nghĩa là một trong những người trồng hoa vạn thọ nhiều nhất cho vụ Tết Nhâm Dần. Năm nay vạn thọ "trúng", hoa trong vườn nhà anh Chín Nghĩa đã chuyển hết rồi, vẫn còn nhiều người đến hỏi mua.

Vụ hoa với bao phập phồng, lo lắng

Hai tháng trước, anh Chín Nghĩa cũng như đa số người trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc đứng trước một lựa chọn khó khăn trước thời điểm phải gieo giống cho vụ hoa Tết. Dịch bệnh sẽ như thế nào? Tết có bị phong tỏa hay không? Lỡ trồng hoa ra rồi đi lại khó khăn, bán hoa được không?... Đó là những câu hỏi cứ "ôm lấy" những người trồng hoa như anh Chín Nghĩa trong cao điểm dịch.

"Nhưng rồi tui thuê người mần luôn, vì nghĩ Tết thì không thể thiếu hoa", anh Chín Nghĩa cười tươi, nói với vợ con chuẩn bị vài thứ để anh "lai rai" uống rượu, kết thúc một vụ hoa mang theo bao phập phồng, lo lắng.

Ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, bà Lê Thị Thu Hương cũng đang dọn vườn chuẩn bị ăn Tết sau khi hơn 1.500 sản phẩm hoa các loại như cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, hoa mào gà, hoa vạn thọ đã được thương lái đặt mua cách đây cả tháng trời.

"Ban đầu do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi lại khó khăn nên ai cũng nghĩ Tết năm nay hoa sẽ khó bán. Hầu hết nhà vườn mà tôi biết đều không xuống giống hoa. Riêng tôi gắn bó với nghề mấy chục năm rồi. Chưa nghỉ năm nào hết nên nếu không xuống giống sẽ rất buồn. Nghĩ vậy nên tôi cũng trồng nhưng giảm sản lượng xuống còn phân nửa. Chứ những ngày cuối năm mà không thấy hoa khoe sắc, không thấy cảnh bà con đi chợ hoa cũng buồn lắm", bà Hương tâm sự.

Do những tháng cuối năm, dịch bệnh được kiểm soát nên thị trường hoa đã sôi động trở lại. Các sản phẩm hoa của bà Hương đã được thương lái đặt mua hết với giá ngang bằng với năm trước.

"Do bán sớm nên giá hơi thấp, giờ đây các thương lái lùng để mua giá các sản phẩm hoa tăng 20.000 - 30.000 đồng/sản phẩm mà không có để bán", bà Hương cho biết.

Bà con trồng hoa miền Tây vui như Tết - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Thu Hương (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết năm nay chỉ trồng khoảng 1.500 sản phẩm hoa Tết - Ảnh: M.TRƯỜNG

Mai, hoa, kiểng đều đắt hàng

Ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng ban đại diện làng mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Long An, cũng hồ hởi cho biết năm nay "bà con rủng rỉnh" khi trung bình giá mai cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với năm trước.

"Một gốc mai trồng 6 năm, tầm này năm ngoái có giá 6 triệu thì năm nay 8 triệu. Bà con vui dữ lắm", ông Hoàng nói. Làng mai "non trẻ", mới hình thành trong 10 năm trở lại đây và là làng mai duy nhất của vùng Đồng Tháp Mười này đang tiếp tục khởi sắc. "Chắc làng mai sẽ phát triển hơn nữa, Nhà nước đã khảo sát để làm lại đường rồi, hy vọng năm nay sẽ khởi công", ông Hoàng nói thêm về ước vọng trong năm mới.

Còn ông Trần Hữu Nghiệp (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) trồng 10.000 chậu mai vàng theo truyền thống của gia đình hằng năm cũng đang tươi tắn khi "10.000 chậu đã bán hết cho thương lái".

"Trong đó 50% các thương lái phía Bắc đã đến đặt mua từ tháng trước. Giá tăng hơn so với năm ngoái vì năm nay nhìn chung thời tiết cũng khó, người ta cũng ít chăm mai cho vụ Tết này", ông Nghiệp nói thêm.

Không chỉ người trồng hoa nở, những nghệ nhân tạo hình từ cây kiểng cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong năm qua.

Anh Huỳnh Văn Thanh (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) cho biết từ tháng 6 đã phải chuẩn bị nguyên liệu để tạo hình. "Tuy nhiên thời điểm đó dịch bệnh bùng phát rất mạnh. Việc đi lại bị hạn chế nên nhiều lúc nghĩ tạm ngừng sản xuất một năm. Tuy nhiên, mình làm quen tay quen chân rồi, nghỉ cũng buồn. Hơn nữa cũng có nhiều khách quen gọi điện đặt hàng nên cuối cùng vẫn làm", anh Thanh cho biết.

Năm nào anh Thanh cũng tạo hình linh vật từ tắc kiểng. Riêng năm nay anh làm tổng cộng 16 cặp cọp và bán với giá 5 triệu đồng/cặp.

"So với các linh vật khác, linh vật hổ rất khó tạo hình. Thông thường để tạo hình thành một con hổ phải tốn rất nhiều nhánh tắc, tùy vào độ lớn nhỏ của nhánh. Trước khi tạo hình thành linh vật hổ, tôi phải tạo ra khung sắt trước. Sau đó, mới dồn từ 13 đến 14 giỏ tắc kiểng vào chậu và tạo hình dần dần thành hình con hổ", anh Thanh nói.

Từ việc duy trì nghề truyền thống để cho "đỡ buồn tay buồn chân", đến nay hầu hết các mặt hàng hoa kiểng của các nhà vườn, nghệ nhân đều "cháy hàng" do năm nay sản lượng giảm mạnh so với những năm trước.

Theo ông Trần Hữu Nghị, phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, người dân vẫn sản xuất nhưng sản lượng giảm so với năm trước. Toàn huyện Chợ Lách sản xuất hơn 6 triệu sản phẩm hoa, kiểng, giảm 2 triệu sản phẩm so với năm trước. Tập trung sản phẩm hoa nở khoảng 2,5 triệu sản phẩm (cúc, vạn thọ, mào gà...), hằng năm hơn 4 triệu sản phẩm, còn lại là các sản phẩm như: mai vàng, tắc, hoa treo, kiểng lá...

Ngoài việc cung cấp hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết, vùng sản xuất hoa, cây cảnh của Chợ Lách là địa điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch vào dịp cuối năm.

Hoa Tết ở TP.HCM: Nhà vườn và người mua thử sức kiên nhẫn của nhau Hoa Tết ở TP.HCM: Nhà vườn và người mua thử sức kiên nhẫn của nhau

TTO - Dù sức mua đang tăng dần, nhiều người bán hoa Tết cho biết vẫn khá chậm so với mọi năm và chưa đạt kỳ vọng nên giá bán có khả năng hạ thêm. Trong khi đó, nhiều người dân có tâm lý chờ giá rẻ vào cận Tết nên chưa vội mua.

MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên