Mấy ngày nghỉ Tết dương lịch, dãy trọ nghèo nằm sâu trong con hẻm nhỏ sát đường Thăng Long (quận Tân Bình) vắng lặng. Người ở khu trọ này làm đủ nghề: xe ôm, kẹo kéo, ve chai, vé số, giúp việc… mà cứ trưa hay chiều lại rộn ràng, í ới tiếng gọi nhau.
Đường về còn xa
Buổi cơm trưa ngày đầu năm của gia đình anh Lê Thành Yên (31 tuổi) vẫn đơn sơ với vài con cá cùng chén nước mắm như mọi ngày. Dĩa dưa leo, cà chua còn chưa kịp cắt lát. "Đường về còn xa lắm", anh Yên mở đầu câu chuyện.
Cả nhà ở căn phòng trọ chưa đầy 10m2, vợ anh phụ việc cho một quán ăn gần đó. Anh chạy xe công nghệ kiêm luôn việc đưa đón hai con, đứa lớp 8, đứa lớp 4. Cuối năm, số người thất nghiệp nhiều, thu nhập của anh cũng giảm đi theo số lượng tài xế tăng.
Tính năm nay nữa là cả nhà đã có ba cái Tết xa quê. Lúc hai con còn nhỏ, cả nhà đèo nhau về Vĩnh Long trên chiếc xe máy cũ. Nay các con lớn, bốn người ngồi xe máy không đủ chỗ mà đi xe khách lại tốn kém.
Bao năm, Tết xa quê với gia đình anh gói gọn trong "bữa tiệc" cùng hàng xóm chung cảnh trọ. Mỗi nhà gom góp một chút, nhà góp con gà, người góp con vịt, thùng bia... là thành Tết.
"Trước đổ bình xăng là về tới nhà, giờ đi về rồi lên lại chắc 2 triệu đồng chưa đủ. Mà đâu ngoài chuyện tiền xe, còn đi lại, ăn uống, quà cáp, tiêu pha... đủ thứ trên đời, nên sợ lắm", anh Yên cười.
"Nằm yên cho đỡ tốn kém". Câu đùa của chị Thương (34 tuổi) - công nhân may ở Khu công nghiệp Tân Tạo - vậy mà có vẻ đúng. Nghỉ Tết dương lịch hai ngày, chị chỉ ngồi cà phê một buổi còn lại toàn ngủ, nghỉ ở phòng trọ.
"Bước ra đường đụng gì cũng tiền, cũng tốn. Thôi nằm yên một chỗ cho lành, bớt đồng nào hay đồng đó chứ sao", chị Thương thật thà.
Từng đặt mục tiêu hai năm về Hà Tĩnh ăn Tết một lần nhưng đều vỡ kế hoạch. Tết 2021 vì dịch bệnh ngăn cách nên đành ở lại Sài Gòn. Tết năm rồi lương thưởng ít quá, chị đành bấm bụng ở lại để có thêm khoản gửi về quê cho cha mẹ sắm Tết.
Kế hoạch năm nay là về đó nhưng rồi đợt bão lũ hồi cuối năm khiến gia đình chị cũng khốn đốn nên chỉ còn chục ngày nữa tới Tết mà mọi thứ vẫn chỉ là dự kiến.
"Lũ dâng, đàn lợn ở nhà chết, gọi về thấy mẹ cứ đi ra đi vào buồn thiu nên chắc tôi ở lại, dành tiền mua cho bà đàn lợn giống mới", chị Thương cười, ánh mắt buồn tênh.
Xóm trọ không có Tết
Dãy trọ ba tầng nằm trong một con hẻm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) có hơn chục phòng, nhỏ nhất chừng 3m2, lớn chưa đến 10m2. Mỗi phòng một gia đình, đa số dân tỉnh đến trọ để chữa bệnh vì khu này bên hông Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Giữa trưa, vợ chồng anh Phong Em (35 tuổi) lật đật tìm về căn phòng 3m2 thuê với giá hơn 3 triệu đồng/tháng nấu vội bữa cơm.
Con gái anh chị - bé Trúc Giang (10 tuổi) - mấy hôm nay đang vào thuốc ở bệnh viện. Lùa vội bát cơm chan canh mì gói, anh Phong Em lại tất tả ôm trước ngực ba lố giấy vệ sinh, kẹp nách bịch khăn giấy ướt rời đi.
Từ ngày theo Trúc Giang nhập viện điều trị ung thư xương đã ba năm nay, hai vợ chồng tạm ngưng công việc phụ hồ.
Để có tiền ăn uống, nhà trọ, sữa thuốc cho con, anh chị nhập giấy, khăn ướt rồi bán lại cho người nhà, bệnh nhân ở bệnh viện kiếm chút lời. "Cũng chẳng đáng là bao nhưng không làm càng khó hơn", anh Em phân trần.
Một xóm trọ khác trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 11) vốn vẫn được nhiều người gọi là "nhà" của nhiều phận đời quanh năm suốt tháng gắn liền với Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngay cổng vào, ông Tư (quê Trà Vinh) có khuôn mặt hốc hác cố nở nụ cười. Sắp sang tuổi 59, hầu như mọi ngõ hẻm trọ quanh Chợ Rẫy không có chỗ nào ông chưa biết vì cũng thâm niên hơn chục năm tới lui điều trị bệnh suy thận.
Mấy năm trở lại đây, bệnh ngày càng trở nặng, sức khỏe yếu hẳn, mà gia đình cũng gần như khánh kiệt vì lo tiền chạy chữa nên ông kể Tết này ở luôn trên đây, tiết kiệm được nhiều khoản phí.
Rồi ông ráng đưa tay chỉ từng phòng dù đang khá mệt: "Phòng này đôi vợ chồng ở 4 năm, phòng kia dài hơn, 6 năm. Còn tui chục năm rồi, chưa năm nào biết Tết ngược hay xuôi, còn sống không đau là mừng lắm rồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận