14/07/2022 10:10 GMT+7

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Sự tương tác giữa các thiên hà đã cho ra những bức tranh ‘chuẩn không cần chỉnh’ cả về bố cục, đường nét lẫn màu sắc.

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb - Ảnh 1.

"Bộ tứ thiên hà Stephan" đang tương tác - Ảnh: NASA

NASA vừa công bố loạt ảnh vũ trụ mới do siêu kính thiên văn James Webb chụp. Điểm nhấn của loạt ảnh này là những khoảnh khắc đan xen tuyệt đẹp giữa các thiên hà, tạo nên cảnh tượng "thiên hà nhảy múa" đặc sắc.

Siêu kính thiên văn James Webb đã bắt được ảnh kết hợp kỳ lạ của 4 trong 5 thiên hà thuộc chòm sao Pegasus. Thường được gọi là "bộ tứ Stephan", 4 thiên hà này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1877.

Các thành viên của Stephan đã hình thành nên một liên kết vật lý tên Hickson Compact 92 (HCG 92), biểu hiện thành những khung cảnh và màu sắc tuyệt đẹp.

Cho đến nay, khoảnh khắc "nhảy múa" của "bộ tứ Stephan" là bức ảnh lớn nhất mà kính James Webb thu thập, được tạo từ gần 1.000 tệp hình riêng biệt.

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb - Ảnh 2.

2 thiên hà NGC 4485 và NGC 4490 đang nhảy múa - Ảnh: ADAM BLOCK

Đây không phải lần đầu tiên các siêu kính thiên văn của NASA gây ấn tượng với những hình ảnh "thiên hà nhảy múa". Trước nay, những lần va chạm hay tác động giữa các thiên hà luôn được các siêu kính theo dõi và bấm máy đúng lúc.

Điển hình năm 2017, trong dự án viễn thám những vùng sâu thẳm trong không gian, kính viễn vọng Hubble - "tiền bối" của James Webb ở NASA - có dịp phát hiện 2 thiên hà kỳ lạ, lần lượt có tên là NGC 4490 và NGC 4485.

Hai thiên hà nằm cách Trái đất khoảng 24 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Canes Venatici. Hubble bắt lại được khoảnh khắc 2 thiên hà liên tục nhảy múa rồi va chạm, để lại một cảnh tượng ngoạn mục.

Tháng 2-2022, siêu kính thiên văn Hubble tiếp tục chụp được khoảnh khắc tương tác tuyệt đẹp của 2 thiên hà được đặt tên Arp 143. Ở nơi va chạm, một "tam giác không gian" được hình thành, tạo nên cảnh tượng đầy màu sắc.

Chữ "Arp" trong tên 2 thiên hà "nhảy múa" trên để chỉ nhà thiên văn Halton Arp (Mỹ) nhờ công giới thiệu chúng lần đầu vào năm 1966. Arp còn đưa ra danh sách thiên hà đã và đang tương tác cho ra những hình dáng kỳ lạ.

Theo Arp, những thiên hà có các tương tác độc đáo kỳ dị là những phòng thí nghiệm "sống" tuyệt vời để nghiên cứu những hiện tượng vật lý gây nên tình trạng biến dạng các thiên hà hình elip và xoắn ốc.

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb - Ảnh 3.

2 thiên hà Arp 143 tương tác tạo thành ánh sáng hình tam giác đặc biệt - Ảnh: NASA

Tháng 5-2022, kính viễn vọng Hubble cũng đã ghi lại hình ảnh thiên hà xoắn ốc IC 342 đang "làm dáng". Thiên hà này còn được gọi là Caldwell 5, xuất hiện gần đường xích đạo của đĩa dải ngân hà vốn chứa nhiều khí vũ trụ dày đặc.

Các nhà thiên văn học của NASA giải thích trong khung cảnh lấp lánh của trung tâm thiên hà là các bụi vũ trụ đan xen nhau, quấn quanh lõi của khí nóng.

Ông Bill Nelson - giám đốc NASA - cho rằng từ Hubble đến James Web là một kỷ nguyên mới của thiên văn học. Nhờ sức mạnh tuyệt vời của các siêu kính thiên văn đương đại, con người có thể quan sát những góc nhìn mới lạ và độc đáo của vũ trụ bao la mà trước đây họ gặp rất nhiều trở ngại, bao gồm hiện tượng "thiên hà nhảy múa".

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb - Ảnh 4.

Thiên hà xoắn ốc IC 342 - Ảnh: NASA

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb - Ảnh 5.

2 thiên hà NGC 3808A và NGC 3808B tương tác - Ảnh: NASA

Những ‘thiên hà nhảy múa’ nhìn từ siêu kính thiên văn James Webb - Ảnh 6.

2 thiên hà quét qua nhau tạo thành thiên hà NGC 4676 - Ảnh: NASA

Trung Quốc tuyên bố phóng kính viễn vọng Trung Quốc tuyên bố phóng kính viễn vọng 'xịn' hơn Hubble, có thể đo cả tỉ thiên hà

TTO - Bắc Kinh tuyên bố vào năm 2023 sẽ phóng kính viễn vọng không gian Xuntian có góc nhìn lớn hơn 350 lần kính Hubble của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên