24/09/2021 09:34 GMT+7

Những tháng ngày tình nguyện mà tôi sẽ không quên

VĂN MẠNH - CÔNG NHẬT ghi
VĂN MẠNH - CÔNG NHẬT ghi

TTO - Từng là bệnh nhân F0 ở Bệnh viện dã chiến thu dung tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), tôi phần nào chứng kiến nỗi cực nhọc khôn xiết của đội ngũ y bác sĩ trong hành trình chống dịch.

Những tháng ngày tình nguyện mà tôi sẽ không quên - Ảnh 1.

Bạn Lê Văn Mạnh (bìa phải) nhập liệu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 8, công việc mà bạn gắn bó suốt một tháng qua - Ảnh: Q.CƯỜNG

Vì vậy dù đã được về nhà, tôi vẫn quyết định quay lại bệnh viện ngay khi biết mọi người đang cần tình nguyện viên F0.

Tròn một tháng trong vai trò mới

"Mái nhà" mới của tôi là Bệnh viện điều trị COVID-19 số 8 tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Tính đến ngày 24-9, đã đúng một tháng tôi gắn bó với khoảng không gian đầy xúc cảm này.

Một ngày của tôi bắt đầu từ 5h sáng. Tôi hít đất, gập bụng rồi vệ sinh cá nhân. Thoát khỏi bệnh là một điều kỳ diệu, nhưng chúng tôi - những "cựu" F0 - cũng tự răn bản thân không nên coi nhẹ sức khỏe của mình vì đó là thành quả nỗ lực của bao nhiêu chiến sĩ tuyến đầu. Sau đó, tôi và những người bạn cùng phòng (đều từng là F0) nhanh chóng đi lấy đồ ăn sáng, bắt tay vào công việc.

Công việc chính của tôi chủ yếu là làm tại khu vực hành chính. Tôi nhập thông tin các bệnh nhân từ lúc nhập viện đến khi xuất viện, lên lịch kiểm tra, ghi lại thông tin thuốc...

Trước đây khi còn là bệnh nhân F0, tôi đã quan sát nhiều về khối lượng công việc của các y bác sĩ, tình nguyện viên..., nào ngờ khi chính mình bắt tay vào làm thì mới thấm thía, thấy khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Từ y bác sĩ đến tình nguyện viên, ai nấy đều xoay mòng với vô số đầu việc đặc thù như sắp xếp chỗ ở, đồ ăn, hồ sơ... và trực điện thoại 24/7 để giải đáp thắc mắc, đáp ứng yêu cầu từ các bệnh nhân. Chúng tôi thường tăng ca đến khuya và việc ăn trễ trở thành điều bình thường ở bộ phận hành chính. Dẫu vậy, tôi biết lượng công việc của tình nguyện viên khó bì được áp lực vô cùng lớn của các y bác sĩ.

Tôi thấy bản thân thật may mắn khi được chung vai, san sẻ phần nào gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu - những người vốn đã vất vả trong thời gian dài. Tôi tin bản thân đang được học hỏi nhiều kỹ năng từ môi trường "thử thách" đặc biệt, kỳ lạ và chưa từng có như thế này.

"Nhận" nhiều hơn "cho"

Là người từ Bắc vô Nam lập nghiệp, khoảng thời gian trước khi đại dịch quay lại, tôi ở trọ một mình tại TP.HCM, bạn bè trong đây có thể nói là ít. Và khi xác định đi làm tình nguyện viên thì tôi muốn vào với tâm thế tình nguyện 100%, không đòi hỏi hay trông đợi gì nhiều.

Nào ngờ đó lại trở thành một trong những quyết định khiến tôi vui và thấy ý nghĩa nhất. Chẳng hạn nhiều người hỏi tôi có sợ các chủng virus mới hay không, nói thật thì tôi có sợ vì một thân một mình sống giữa Sài Gòn. Nhưng khi vào đây thì các y bác sĩ đã hướng dẫn rất cặn kẽ, nhiệt tình từ khu vực nào đi lại an toàn, cách sinh hoạt, mặc đồ bảo hộ và vệ sinh ra sao... Mỗi khi chúng tôi có tâm tư, nguyện vọng gì, bệnh viện luôn có người lắng nghe và giải quyết chu đáo.

Những khoảng thời gian nhàn rỗi hiếm hoi hay lúc ăn uống, tôi tranh thủ trò chuyện với những người bạn cùng phòng, các y bác sĩ quen biết. Buổi trò chuyện nào cũng ấm cúng, vui vẻ như một gia đình thật sự.

Công việc chính của tôi là kinh doanh tranh đinh tự làm, dĩ nhiên khi đi làm tình nguyện viên thì công việc phải tạm gác lại. Tôi điện thoại từng khách hàng để xin lỗi và giải thích, lòng thấy vui vui khi ai cũng thông cảm, động viên khi biết lý do. Mỗi khi nhớ nghề, tôi làm các video hướng dẫn mọi người làm tranh đinh để thư giãn mùa dịch. Bận rộn là thế nhưng tôi lại thấy háo hức với mỗi ngày mới và giấc ngủ nào cũng thấy ngon.

Đợt tình nguyện của chúng tôi may mắn lại được nhận khoản hỗ trợ từ các anh chị doanh nhân trẻ, nên chúng tôi hay đùa là bản thân đã nhận được sự hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất khi tham gia chương trình.

Tôi hay được hỏi từ lúc vào làm tình nguyện viên đến giờ, hình ảnh nào của các y bác sĩ gây xúc động nhất? Tôi thật sự không biết trả lời làm sao. Vì có những lần tôi thấy các bác sĩ, điều dưỡng tại đây nhường cái bao chân cho các tình nguyện viên, còn họ cúi xuống nhặt một bao nilông cột và dán băng keo lại rồi đi làm. Hành động đó có lẽ rất nhỏ, ít gây chú ý với nhiều người.

Nhưng với tôi, đó lại là những khoảnh khắc sẽ khó thể nào quên...

10.000 tình nguyện viên sẵn sàng 10.000 tình nguyện viên sẵn sàng 'tiếp sức' miền Nam chống dịch

TTO - 10.000 tình nguyện viên đăng ký 'tiếp sức' miền Nam chống dịch là các giảng viên trẻ, sinh viên, học sinh của các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp trên 63 tỉnh, thành phố.

VĂN MẠNH - CÔNG NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên