Ngô Thị Huyền (phải) dạy kèm tại nhà một học sinh lớp 12 ở Q.1 - Ảnh: QUANG PHƯƠNG |
1g30 sáng mỗi ngày, khi mọi người đang ngon giấc, Lâm Văn Tấn Lộc, tân sinh viên ngành toán học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), lặng lẽ dắt chiếc xe máy chạy đến quán hủ tiếu bò kho đêm ở vòng xoay Phú Hữu (Q.9, TP.HCM) để bắt đầu ca làm việc kéo dài từ 2g đến 5g sáng.
Bươn chải mưu sinh
Giữa không khí se lạnh của đầu ngày mới, Lộc tất bật dọn dẹp bát đũa, sắp xếp lại bàn ghế, bưng đồ ăn cho khách. “Có khi tới 3g-4g sáng, chủ quán mệt nhoài, đi ngủ, tôi tự làm thức ăn cho khách luôn. Nhìn chủ quán làm hoài rồi thành quen” - Lộc nói. 5g, kết thúc ca làm việc cũng là lúc trời sáng, Lộc tất tả chạy xe về nhà tắm rửa để chuẩn bị đón xe buýt đến trường.
“Ba làm phụ hồ, công việc không ổn định. Mấy tháng nay ba thất nghiệp, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhiều lúc tôi tính nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, nhưng ước mơ trở thành giáo viên dạy toán đã thôi thúc tôi phải làm thêm để trang trải việc học” - Lộc chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh như Lộc, hằng ngày cứ sau mỗi buổi học, cô tân sinh viên Nguyễn Thị Ngân Khanh, khoa ngôn ngữ Trung Quốc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, liền mang các hộp khăn giấy, giấy cuộn, bột ngọt mẫu đến các khu chợ Q.2, Q.9 để chào hàng. Mẹ con Khanh sống trong túp lều lá ở con hẻm nhỏ phường Phú Hữu, Q.9. Nhà Khanh thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay.
Năm 2005, phường xây cho căn nhà tình thương. Mẹ Khanh mang nhiều thứ bệnh, nặng nhất là thoái hóa cột sống, vẫn bán hàng rong và làm công nhân may nuôi các con ăn học. Khi Khanh tốt nghiệp lớp 12, thấy bệnh tình mẹ càng nặng, Khanh nói mẹ nghỉ làm để mình kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống.
“Tới ngày nhập học, trong nhà chỉ còn mấy trăm nghìn, thế là phải đi mượn người thân mỗi người một ít mới đủ tiền nhập học. Mình mong muốn có việc làm ngay để lo cho mẹ và trả nợ” - Khanh nói.
Tấn Lộc phụ quán hủ tiếu - bò kho đêm ở vòng xoay Phú Hữu (Q.9) - Ảnh: QUANG PHƯƠNG |
Nối lại giấc mơ giảng đường
Câu chuyện về các tân sinh viên nhận học bổng không chỉ là vượt lên phận nghèo mà còn là nghị lực theo đuổi giấc mơ vào giảng đường ĐH vốn đã bị gác lại để mưu sinh. Năm 2014, Nguyễn Hoàng Ánh Tuyết (Q.8, TP.HCM) trúng tuyển vào ngành hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Nhưng đến ngày nhập học, bất ngờ bố bỏ nhà đi, mọi chi phí sinh hoạt của ba mẹ con Tuyết chỉ trông chờ vào quầy tạp hóa nhỏ của mẹ. Thấy hoàn cảnh gia đình như vậy, Tuyết quyết định không nhập học và xin đi làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, rồi phục vụ quán cà phê kiếm tiền phụ mẹ nuôi em đang học lớp 8.
Đến đầu năm 2016, trong một lần mẹ phải nhập viện, nhà không có tiền để chăm nuôi. Giữa những tháng ngày bươn chải, nỗi buồn cộng dồn đó, Tuyết trăn trở và quyết tâm phải tiếp tục học tập mới mong thay đổi cuộc sống. Tuyết vừa đi làm thêm vừa tự học ôn để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.
“Tôi tự mày mò ôn tập, tự lên Internet để học và cuối cùng đã đậu ngành y đa khoa ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thỏa ước mong trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo giống như mẹ tôi” - Tuyết kể. Hiện nay, để có tiền trang trải cho việc học, bạn tiếp tục xin làm thêm ở nhiều nơi và nhận hộp giấy về gia công.
Giống như Tuyết, Ngô Thị Huyền (quê Tây Ninh) năm ngoái cũng đậu vào ĐH nhưng phải từ bỏ giấc mơ đến trường vì không đủ tiền chi phí cho việc học. Huyền xuống Sài Gòn đi làm gia sư vừa tự học thêm. Và năm nay Huyền trúng tuyển vào ngành sư phạm hóa Trường ĐH Sài Gòn. Nhập học, Huyền vẫn tiếp tục theo đuổi công việc gia sư để kiếm tiền trang trải cho việc học.
Huyền cho biết ba mẹ ly hôn khi bạn mới 2 tuổi. Một mình mẹ Huyền làm thuê đủ việc từ làm cỏ, trồng mì, trồng mía... để nuôi hai con ăn học nên hoàn cảnh rất khó khăn. “Năm lớp 10, vì quá khổ, tôi nghỉ học nhưng mới nghỉ hai ngày thì tôi khóc xin mẹ cho đi học lại. Tôi đã một lần từ bỏ giảng đường ĐH, nay tôi quyết tâm theo đuổi để trở thành cô giáo” - Huyền nói.
Tranh thủ lúc học trò đang làm bài, Huyền chia sẻ: “Lịch học ở giảng đường dày quá, giờ tôi chỉ dạy kèm cho một học sinh, mỗi tuần bốn buổi, tiền lương 1,6 triệu đồng/tháng. Tôi sẽ cố gắng chi tiêu nhín nhịn, tiếp tục đi dạy kèm để lo cho việc học, quyết tâm không bỏ giảng đường lần hai” - Huyền chia sẻ.
Năm 2016: trao 1.540 suất học bổng, trị giá gần 11 tỉ đồng 200 tân sinh viên vượt khó 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ sẽ nhận học bổng Tiếp sức đến trường trong ngày hôm nay. Năm 2016, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tổ chức xét trao học bổng cho 1.540 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí học bổng gần 11 tỉ đồng. Mỗi suất học bổng là 7 triệu đồng, trường hợp đặc biệt là 10.000.000 đồng/suất, được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh thành phía Bắc.T.B. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận