Lễ nhậm chức của ông Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của Mỹ, vào đầu năm 2017 (trái) và lễ nhậm chức của Tổng thống Obama năm 2009 (phải). Thư ký báo chí của Nhà Trắng phản bác rằng tấm hình được chụp từ trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu. Phóng viên Lucas Jackson sau đó khẳng định mình bắt khoảnh khắc này vào đúng thời điểm ông Trump đang ở trên sân khấu. Tranh cãi về chuyện hình ảnh này xuất phát từ việc ông Trump là vị tổng thống gây… tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ theo đánh giá của nhiều người. Vì thế những người không ủng hộ ông đã lan truyền bức ảnh so sánh này với tốc độ chóng mặt, nhằm khẳng định ông Obama được người dân yêu mến hơn ông Trump - Ảnh: REUTERS
Một phụ nữ tham gia đoàn biểu tình trước tòa tháp Trump (New York) trong phong trào "Black Lives Matter", tạm dịch là "Người da đen đáng được sống". Tấm hình được chụp vào một buổi sáng tuyết rơi. Từ lâu, phe đối lập đã gọi những người tham gia phong trào này là "bông tuyết", tượng trưng cho sự yếu ớt và dễ dàng bị kích động - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp song phương tại Hội nghị G20, tại Hamburg (Đức). Ngoài tầm quan trọng vốn dĩ giữa lãnh đạo Mỹ và Nga trong lịch sử, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Putin cũng rất đặc biệt. Ngược lại với người tiền nhiệm Obama, ông Trump tỏ ra mến mộ ông Putin ít nhất xét trên phát biểu trước truyền thông. Thêm vào đó, cuộc bầu cử Mỹ 2016 đã dính chặt với các cáo buộc về việc Nga can thiệp và "tiếp tay" cho ông Trump đắc cử - Ảnh: REUTERS
Hình ảnh trục vớt phà Sewol ngoài khơi đảo Jindo, Hàn Quốc. Chiếc phà 6.800 tấn dần dần nổi lên gợi nhớ tai nạn kinh hoàng cách đây 3 năm. Đây cũng chính là sự kiện mở đầu cho sự sụp đổ của cựu tổng thống Park Geun Hye - Ảnh: AP
Một người biểu tình bốc cháy trong cuộc đụng độ với cảnh sát nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas hồi tháng 5. Kế hoạch thay đổi Hiến pháp và những nghi ngờ thao túng bầu cử để tham quyền cố vị đã khiến ông Maduro phải hứng chịu sự phẫn nộ mạnh mẽ trong người dân - Ảnh: AFP
Anh Salah Skaff (25 tuổi) bên xác con gái mới 1 tuổi rưỡi của mình. Bé Amira Skaff thiệt mạng trong đợt không kích nhắm vào thành phố Douma (Syria), nơi bị lực lượng nổi dậy chiếm đóng. Hơn 400.000 người đã gục xuống ở Syria trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 tới nay, và tính đến lúc này hòa đàm Syria vẫn chưa tiến triển - Ảnh: REUTERS
Một đoạn biên giới giữa Mỹ và Mexico chụp tại đông bắc Mexico. Tấm hình được chụp cách thời điểm ông Trump tuyên bố Mexico phải chi trả cho việc xây dựng "bức tường biên giới" giữa hai nước 2 tháng. Từ lúc nhậm chức, ông Trump đã gây lo ngại khi thẳng thừng chỉ trích người dân Mexico, gọi họ là những kẻ buôn ma túy, trong khi Mexico là láng giềng và là đồng minh thân cận của Mỹ từ lâu. Chính sách "cách ly" Mexico cũng là tín hiệu tiềm tàng cho quan điểm chống người nhập cư mà sau này ông Trump thể hiện rõ ở các sắc lệnh hạn chế nhập cảnh nước Mỹ - Ảnh: AFP
Nữ nghi phạm người Việt Nam Đoàn Thị Hương đến tham dự phiên tòa tại Sepang, Malaysia. Cô và một nghi phạm khác bị điều tra với tội danh ám sát ông Kim Chol, người được cho là ông Kim Jong Nam, anh trai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trong khi công tố viên tập trung chứng minh tội trạng của nghi phạm và bỏ qua các động cơ chính trị, phía luật sư bào chữa cho rằng cả 2 đều bị lợi dụng vì ý đồ lớn hơn. Phiên xét xử tiếp theo được thông báo hoãn vì cận các đợt lễ tết cuối năm - Ảnh: AP
Một chiếc cần cẩu đang đào bới một góc đổ nát của Viện Phật học Larung Gar, Tây Tạng. Đây là học viện quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng, quy tụ hàng ngàn tăng ni và tín đồ. Giới chức Trung Quốc đã ra lệnh đuổi hàng ngàn người về nước và ra sức "giải tỏa" khu vực này - Ảnh: AFP
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngắm tên lửa đạn đạo Hwasong-12 được bắn thử nghiệm. Tính đến nay, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa 16 lần trong năm 2017. Chưa bao giờ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang như năm nay, và cũng chưa bao giờ lo ngại về xung đột quân sự, chiến tranh lại lớn như vậy - Ảnh: REUTERS
Một phụ nữ Rohingya kiệt sức sau khi đến được vịnh Bengal, nằm ở biên giới Myanmar và Bangladesh. Quân đội Myanmar bị cáo buộc áp bức người Rohingya – nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở bang Rakhine, dẫn đến hàng trăm ngàn người phải tẩu thoát sang biên giới Bangladesh. Cuộc khủng hoảng Rohingya gây áp lực rất lớn cho lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel Hòa bình và mới trước đó một năm còn được xem là biểu tượng cho phong trào dân chủ ở Myanmar - Ảnh: Reuters
Một người đàn ông đứng tuổi, có vẻ bị suy giảm thị lực đang ra sức cầu cứu trong căn hộ của mình tại chung cư Grenfell (London). Đám cháy kinh hoàng tại đây đã cướp đi sinh mạng của 80 người và gây phẫn nộ trong dư luận Anh - Ảnh: AP
Huấn luyện viên Manchester United, ông Jose Mourinho ăn mừng sau khi đội chiến thắng giải Europa League. Manchester United là câu lạc bộ bóng đá có lượng cổ động viên lớn nhất thế giới, thậm chí có số liệu ước tính khoảng 659 triệu người, nhưng dĩ nhiên không ai biết con số chính xác - Ảnh: REUTERS
Người dân ở Houston, Texas di tản trong cơn bão Harvey hồi cuối tháng 8. Với mức tổng thiệt hại gây ra hơn 198 tỷ USD, Harvey chính thức là cơn bão "tốn kém" nhất nước Mỹ - Ảnh: REUTERS
Một phần thành phố Santa Rosa, California sau cơn bão lửa kinh hoàng hồi tháng 10. Sau khi giặc lửa đi qua, nhiều thành phố phía bắc California chỉ còn là cảnh hoang tàn. Thời tiết khô hạn kéo dài và gió lớn tiếp tục gây cháy tại khu vực Los Angeles tiểu bang này hồi đầu tháng 12 - Ảnh: AFP
Chiếc Humvee nghiến lên xác một phần tử khủng bố IS tại Mosul, Iraq. Thành phố cổ kính này đã bị nghiền nát dưới các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tháng 12 này, Iraq tuyên bố đã quét sạch IS - Ảnh: AFP
Bảo vệ đuổi theo một người đàn ông khỏa thân với dòng chữ "Hòa bình + Tình yêu" trên người. Người đàn ông này đã gây náo loạn tại giải Điền kinh Thế giới tổ chức tại sân vận động London (Anh) - Ảnh: REUTERS
Khoảnh khắc hồi hộp của hàng ngàn người dân Catalonia tại thủ đô Barcelona khi chờ đợi kết quả về việc tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha. Tuyên bố độc lập này ngay lập tức đẩy khu vực này vào tình trạng bất ổn chính trị chưa thể giải quyết. Sự kiện Catalonia tuyên bố độc lập cũng phản ánh giai đoạn khó khăn và chia rẽ tại châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng, cũng như báo hiệu mức độ lan tỏa đáng lo ngại của làn sóng chủ nghĩa dân tộc - Ảnh: REUTERS
Tình nguyện viên truyền tay nhau từng mảnh đá vụn sau vụ động đất kinh hoàng tại thành phố Mexico. Vụ động đất 7,1 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 250 người và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của thành phố này - Ảnh: AP
Những đứa trẻ chạy ngang thi thể của một người bị cảnh sát Manila giết vì tình nghi buôn bán ma túy. Chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, với số người chết được cho lên đến hàng chục ngàn (hàng ngàn theo số liệu cảnh sát) là vấn đề bị báo chí phương tây chỉ trích gay gắt, dù có không ít thông tin cho biết đông đảo người dân trong nước vẫn ủng hộ ông - Ảnh: AFP
Một chú tê giác được chuyển đến Vườn quốc gia Shuklaphanta của Nepal. Đây là một trong những cá thể hiếm hoi của loài tê giác một sừng được tìm thấy và bảo vệ - Ảnh: AFP
Chiếc Air Force 1 của Tổng thống Hoa Kỳ "bay ngang" cửa sổ phòng khách sạn Mandalay Bay (Las Vegas). Tại đây, kẻ sát nhân Stephen Paddock đã xả súng xuống một nhạc hội với hơn 22.000 người tham dự, giết chết 58 người và làm 546 người khác bị thương - Ảnh: REUTERS
Một binh sĩ Zimbabwe ăn mừng cùng người dân sau khi cựu Tổng thống Robert Mugabe tuyên bố từ chức, chấm dứt chế độ độc tài đã bào mòn Zimbabwe suốt 37 năm - Ảnh: AFP
Núi lửa Agung "thức giấc" đã khiến du lịch của đảo Bali, Indonesia điêu đứng. 24.000 người phải di tản và sân bay đóng cửa nhiều ngày khiến khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo - Ảnh: REUTERS
Đụng độ giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine tại Thành phố cổ của Jerusalem sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump công nhận nơi này là thủ đô của Israel và quyết định dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây. Jerusalem là thánh địa quan trọng của ba nền tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo - Ảnh: REUTERS
Một cô bé thích thú khi bị tạt nước màu trong Lễ hội Màu sắc Holi của Ấn Độ. Holi là một sự kiện lễ hội diễn ra vào mùa xuân hằng năm và kéo dài hai ngày của tín đồ Hindu ở Ấn Độ và Nepal, còn được biết với những cái tên như "Lễ hội Sắc màu" hay "Lễ hội Tình yêu", nơi mọi người tạt sơn màu lên không trung và vui đùa. Holi có từ thế kỷ thứ IV, lấy cảm hứng từ thần thoại Ấn Độ với chuyện tình giữa thần Krishna và nữ thần Radha. Thân mẫu của Krishna nói rằng thần nên vẽ sơn lên mặt Radha để xóa bỏ sự khác biệt về màu da và vì thế họ có thể đến bên nhau. Holi tôn vinh sự sinh sản, tình yêu và cũng là dịp đánh dấu kết thúc mùa đông - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận