08/11/2019 11:23 GMT+7

Những sáng kiến ấn tượng của thầy và trò

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Hôm nay (8-11), 13 tác giả, nhóm tác giả của 13 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất bước vào vòng chung khảo "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019. Hầu hết công trình, sáng kiến "Tri thức trẻ vì giáo dục" vào chung khảo đều hướng đến học sinh.

Những sáng kiến ấn tượng của thầy và trò - Ảnh 1.

Trao thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 cho các công trình, giải thưởng đoạt giải cao nhất trị giá 100 triệu đồng/giải - Ảnh: VIỆT DŨNG

Điểm đáng ghi nhận là có tác giả, nhóm tác giả từng đoạt giải vào các năm trước tiếp tục tham gia đóng góp đề tài, điều này chứng tỏ mong muốn của đội ngũ trí thức trẻ đóng góp ý tưởng của mình nhiều hơn nữa cho đổi mới giáo dục.

PGS.TS Trần Quang Quý

PGS.TS Trần Quang Quý - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, một trong năm giám khảo vòng chung khảo - nhận định các công trình, sáng kiến này có thể đóng góp ứng dụng trong đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình SGK mới. "Đặc biệt, nhiều công trình áp dụng CNTT trong đổi mới công tác, nâng cao kỹ năng truyền thụ kiến thức, đặc biệt nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên", ông Quý nhận xét thêm.

Công trình từ nghiên cứu của thầy - trò

Năm nay chương trình tiếp nhận 539 hồ sơ gửi về (tăng 138 hồ sơ so với năm 2018, tăng 210 hồ sơ so với năm 2017, tăng 272 hồ sơ so với năm 2016). PGS.TS Trần Quang Quý đánh giá điều này chứng tỏ thế hệ trẻ ngày càng có nhận thức, quan tâm hơn đối với nền giáo dục nước nhà. "Rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến sự phát triển giáo dục, đặc biệt mong muốn đóng góp cho việc đổi mới, nâng cao dạy và học trong các nhà trường hiện nay", PGS.TS Trần Quang Quý nhận xét.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Nhật Minh Đăng (25 tuổi, Trường tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cùng hai em học sinh lớp 5 Nguyễn Thị Diệu Lê, Nguyễn Dương Nhật Linh chia sẻ cảm xúc vỡ òa khi được xướng tên vào vòng chung khảo với sáng chế "Phần mềm học tiếng Anh Typing Race".

Typing Race là game được lập trình và thiết kế bằng phần mềm Scratch (phần mềm lập trình cho trẻ em - PV), thầy giáo trẻ cho biết mục tiêu lớn nhất là giúp học sinh tiểu học tiếp cận tiếng Anh dễ dàng, thư giãn sau giờ học tập căng thẳng thông qua các trò chơi sinh động. Không chỉ đối tượng học sinh tiểu học, nếu các em học sinh THCS cảm thấy vốn từ vựng tiếng Anh bị hạn chế cũng có thể tham gia trò chơi này, rèn luyện phát âm - nghe - đọc - viết.

Thầy Đăng cho biết chính hai thành viên nhỏ tuổi trong nhóm là trợ thủ đắc lực viết nên ngôn ngữ cho phần mềm này. "Phần mềm viết theo cách nhìn của học sinh nên dễ được đón nhận, giao diện trực quan, dễ sử dụng đối với lứa tuổi học sinh", thầy Đăng chia sẻ. Hiện tại nhiều học sinh, giáo viên trong trường đã thử nghiệm sản phẩm này.

"Chúng tôi mong muốn qua cuộc thi nhận được sự góp ý của ban giám khảo, từ đó hoàn thiện sản phẩm. Làm trong ngành giáo dục nên mục đích lớn nhất của chúng tôi là hướng đến học sinh", thầy Đăng bày tỏ mong muốn.

Giúp trẻ khiếm thị say mê môn toán

Anh Nguyễn Sỹ Nam (34 tuổi, ở Hà Nội), tác giả công trình "Nghiên cứu, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập", cũng chia sẻ rất vui khi công trình của mình được lọt đến vòng chung khảo. Hơn 6 tháng nghiên cứu, anh Nam chế tạo ra 4 chiếc thước kẻ đường thẳng song song và đem tặng 2 chiếc thước kẻ cho thầy cô giảng dạy tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) thử nghiệm.

Anh Nam cho biết trong chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thị, có thực hành kẻ các đường thẳng song song với nhau và làm toán kẻ các hình như hình thang, hình thang cân, hình thang vuông, do đó thước kẻ đường thẳng song song rất cần thiết giúp học sinh có thể kẻ nhanh chóng, chính xác.

"Các em học sinh khiếm thị rất khó khăn trong việc học tập môn toán, được thầy giáo tại trường nêu ý tưởng, từ đó tôi về thiết kế, làm một số mẫu thước kẻ với mong muốn giúp các em trong việc học", tác giả chia sẻ. Lọt vào vòng trong, điều mà tác giả này mong muốn là các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp nhìn thấy sự hữu ích của thiết bị giúp tác giả cải tiến tiếp mô hình, sản xuất đại trà để giúp ích cho các em học sinh nhiều hơn.

Từng tham gia và lọt vào vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018, năm nay nhóm tác giả Nguyễn Đăng An, Vũ Ái Nhi, Huỳnh Quốc Tuấn, Nguyễn Hoàng Kha, Lê Văn Tư đến từ TP.HCM tiếp tục được xướng tên vào vòng chung khảo với công trình SHub Classroom là ứng dụng giúp học sinh nhận hướng dẫn làm bài tập tức thì, giúp giảm bớt căng thẳng trong việc học. 

Sau 3 tháng triển khai, SHub Classroom nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng giáo viên, học sinh trên cả nước, xếp thứ 22 ứng dụng giáo dục tốt nhất trên appstore, top 4 ứng dụng giáo dục thịnh hành trên Google Play, thu hút 75.000 học sinh tham gia, 5.000 giáo viên sử dụng...

Chia sẻ niềm vui được lọt vào vòng trong, nhóm tác giả cho biết đó là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực của cả nhóm. "Hồi sinh viên, chúng tôi thường làm về các lập trình phục vụ trong trường học, sau một thời gian nhận thấy vấn đề của các em học sinh THPT trong khi giáo dục ngày một đổi mới, chúng tôi quyết định khởi nghiệp, muốn cống hiến một phần công sức của mình vào hỗ trợ, thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục VN. 

Điều chúng tôi mong muốn là nhận được hỗ trợ của phía chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện, triển khai dự án sâu rộng trong các trường học", Nguyễn Đăng An bày tỏ kỳ vọng.

Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019 do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức bước sang năm thứ 4. Tại vòng chung khảo năm nay sẽ có 5 thành viên là những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, chủ tịch tập đoàn. Trong đó, TS Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ KH-CN, gắn bó với chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" từ những ngày đầu tiên.

Cùng với đó là sự tham gia của PGS.TS Trần Quang Quý, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT; PGS.TS Phạm Kim Chung, phó chủ nhiệm khoa công nghệ giáo dục Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Văn Biên, phó chủ nhiệm khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Thủy, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Egroup.

Nhóm nghiên cứu AI của ĐH Duy Tân chế tạo robot phục vụ Nhóm nghiên cứu AI của ĐH Duy Tân chế tạo robot phục vụ

Nhóm nghiên cứu AI thuộc ĐH Duy Tân đã chế tạo và thử nghiệm thành công chú robot phục vụ có khả năng dẫn đường cho khách tham quan dựa trên những nguồn lực sẵn có tại trường.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên