27/07/2021 11:40 GMT+7

Những phận người 'xóm chạy thận' nơi rìa thành phố trong dịch bệnh

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
HÀ THANH - MAI THƯƠNG

TTO - Ở xóm này, người ta chẳng nói chuyện với nhau bằng số tuổi thực, mà áng chừng cánh tay ai chằng chịt u cục thì đích thị "tuổi bệnh" lâu nhất. Dịch ập đến, không chỉ nhắc nhau bảo vệ cầu tay, họ còn nhắc nhau tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 1.

18 bệnh nhân chạy thận ở xóm trọ Ngọc Hồi đang oằn mình chống chọi với bệnh tật, vừa chống chọi trước dịch bệnh - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Trước cứ cuối tuần về thăm nhà 1 lần, giờ chẳng về được nữa", chị Phạm Thị Thanh (47 tuổi) nén tiếng thở dài.

Một năm sống nương nhờ nơi xóm trọ nghèo, chị vẫn chưa nguôi nỗi nhớ nhà. Đầu đội chiếc mũ, đeo khẩu trang kín mít chẳng giấu được đôi mắt đỏ hoe.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 2.

Chị Thanh hay cười khi nói chuyện với mọi người, nhưng nụ cười chẳng giấu được đôi mắt đỏ hoe, đôi tay run run đan chặt vào nhau khi ai đó hỏi về bệnh tật - Ảnh: MAI THƯƠNG

Chị Thanh có từng nghĩ về một mái nhà chưa, tôi hỏi.
Chị cười, nụ cười đắng chát: Ngày trước cũng có. Nhưng rồi bệnh tật, bây giờ chả nghĩ nữa đâu, sống chung với lũ rồi. Đến thân mình còn chưa lo nổi nữa mà.

Lay lắt số phận

Xóm chạy thận Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có 18 bệnh nhân. Người gắn bó lâu nhất đúng bằng tổng số thành viên trong xóm: 18 năm. Người mới chuyển đến cũng một vài năm.

9 năm chạy thận nhưng chị Thanh chỉ mới "gia nhập" xóm được hơn một năm nay. Nhà cách xóm chạy thận hơn 40km, trước kia chị lựa chọn đi về bằng xe buýt nhưng dịch bệnh ập đến, chưa kể mỗi lần chạy thận xong là người như lả đi nên ở trọ là phương án tốt nhất.

"Ở đây Thúy 'to' nhất, mình 9 năm, chưa 'to' đâu", chị Thanh kéo cánh tay áo lên lộ rõ những vết u cục thâm tím. 

Ở xóm này, người ta nhìn cánh tay mà đoán "tuổi bệnh", u cục to chằng chịt, đen sì đích thị bệnh nhân lâu năm nhất. Có ông Hồng, ông Hải, chị Thúy được coi là kỳ cựu của xóm.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 4.

Chị Thúy là một trong ba người gắn bó lâu nhất ở xóm chạy thận Ngọc Hồi. 18 năm qua kiên cường chống chọi bệnh tật, nay sức lực như cạn kiệt trước vụ tai nạn xe đạp đột ngột - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trong căn phòng lụp xụp chỉ đủ kê một chiếc giường con, một lối đi lại và vài ba đồ dùng cũ, chị Nguyễn Thị Thúy nằm lọt thỏm trên chiếc giường. 42 tuổi, chị đã có 18 năm gắn bó ở xóm chạy thận.

Mấy tháng trước, đều đặn theo lịch chị đạp xe đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chạy thận, chẳng may vấp phải gờ cao ngã sõng soài. Cú ngã đau điếng, gãy xương vùng khớp háng, chị nằm liệt giường. Người mẹ già đã ngoài 70 tuổi lặn lội từ Hưng Yên lên chăm nom con gái từ dạo đó.

"Người ta nói tuổi này ở nhà vui vầy con cháu, còn mình…", người mẹ bỏ lửng câu nói. Ngày trước dù tuổi cao sức yếu, bà Tho (mẹ chị Thúy) vẫn cần mẫn xin làm thuê làm mướn, đi cắt cỏ cá, đi phụ hồ kiếm thêm ít đồng góp cho con chữa bệnh.

Nhưng nay bà nghỉ việc lên Hà Nội chăm con, chị Thúy cũng không xoay trở được gì. Tiền chạy thận đã có bảo hiểm chi trả, nhưng còn tiền trọ, tiền điện nước, tiền thuốc men, dịch bệnh như thế này chẳng ai thuê công trái gì, biết bấu víu vào đâu!

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 5.

Từ ngày con bị tai nạn, người mẹ già lên thủ đô chăm sóc con. Nay bà lo vì dịch bệnh không làm thêm được, lấy đâu ra tiền thuốc men, tiền ăn hằng tháng - Ảnh: MAI THƯƠNG

Ông Hồng, trưởng xóm chạy thận, cho biết ở xóm có anh Khương khéo tay đi đánh giày, em Liên đi làm xưởng may, chị Điệp nhận giúp việc nấu cơm theo giờ. Những người già cả, đau yếu không đi làm được đành trông chờ vào luống rau mầm dịp cuối năm.

Nhưng dịch COVID-19 ập đến, Hà Nội giãn cách xã hội, mọi công việc đều tạm ngưng, đến luống rau mầm cũng không trồng được vì thời tiết ngày hè oi bức. Nơi rìa thành phố, những phận đời lay lắt đành nương vào nhau, dìu nhau qua những ngày gian khó.

"Sợ cách ly hơn sợ bệnh tật"

Chiều đến, chiếc quạt công nghiệp thổi vù vù mà chẳng xua được cái nóng hầm hập. Ở góc sân, ông Phạm Văn Hồng (59 tuổi) và ông Nguyễn Thanh Hải (63 tuổi) tổ chức họp xóm để nhận quà của nhà hảo tâm đến tặng.

Những ngày giãn cách, họa hoằn lắm mới có vài ba nhà hảo tâm đến đây, phần vì người ta lo sợ dịch bệnh, phần nữa vì xóm chạy thận Ngọc Hồi nằm cách khá xa so với trung tâm thành phố.

Vừa phát quà tặng, những người quản xóm vừa dặn dò bệnh nhân phải chú ý giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch, tuân thủ đeo khẩu trang, đảm bảo 5K khi đi chạy thận.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 6.

Những bệnh nhân chạy thận có bệnh nền là đối tượng dễ tổn thương trong dịch bệnh - Ảnh: MAI THƯƠNG

Ông Hải cho biết trải qua 4 đợt dịch bệnh, ở xóm chạy thận ai cũng ái ngại, bởi họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất: vừa có bệnh nền, vừa nghèo khó. Dịch bệnh, họ chịu tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần!

"Tự giác giác tha, mình giữ được an toàn cho mình là giữ được cho mọi người ở trong xóm", ông Hải nhắc đi nhắc lại thông điệp cho các thành viên trong xóm.

Ngoài tuân thủ 5K, chị Trương Thị Lê (44 tuổi) còn dặn dò con gái, mỗi lần chạy thận xong là về nhà ngay chứ không được túm tụm bắt chuyện, hay lựa sát giờ chạy thận mới vào viện chứ không đến sớm như ngày trước nữa.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 7.

Chị Lê đã có 10 năm gắn bó ở xóm này, con gái chị cũng có 7 năm chạy thận. Mỗi tháng dù dè sẻn chi tiêu nhưng hai mẹ con vẫn mất 3-4 triệu đồng tiền thuốc men, tiền trọ và chi phí sinh hoạt - Ảnh: MAI THƯƠNG

10 năm trước khi cậu trai út chưa đầy 1 tuổi, chị Lê hay tin mình bị bệnh, đành dứt ruột để con ở nhà rồi một mình lặn lội lên thành phố nương nhờ xóm chạy thận. 

Ba năm sau đó, con gái đầu của chị cũng mắc phải căn bệnh giống mẹ. Hai mẹ con thay nhau đi chạy 3 buổi/tuần, chọn các ca chạy khác nhau để chẳng may người này ốm còn có người kia chăm nom.

"Mới đầu nghe tin, mình cũng sợ chết, nhưng vì con mà chẳng sợ gì nữa. Vậy mà dịch bệnh, đâm ra lại sợ, sợ cách ly vì dịch hơn là sợ bệnh thận", chị Lê bộc bạch.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 8.

Mỗi tuần 3 buổi chạy thận, cánh tay bà Chủng chằng chịt u cục, đen sì - Ảnh: MAI THƯƠNG

Vừa chạy thận về đến xóm, bà Nguyễn Thị Chủng (quê Hà Nam) xúc động nhận số tiền nhà hảo tâm mới tặng. Bà nói giờ qua viện, bệnh nhân chạy thận phải tuân thủ đo nhiệt độ 2 lần/ngày, khai báo y tế, đeo khẩu trang, đeo thêm tấm chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn cho mình.

Trong giai đoạn khốn khó, bệnh nhân ở xóm trọ Ngọc Hồi chỉ mong dịch qua nhanh để anh em trẻ được đi làm thêm, người lớn tuổi chỉ có một mong ước giản đơn là xe buýt được hoạt động trở lại để có phương tiện đi chạy thận, để những lúc nhớ quê còn đón xe buýt về thăm nhà.

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 9.

Ông Hải có 18 năm chạy thận. Ông cho biết đợt dịch lần này người trong xóm đều nghỉ việc, rau mầm cũng không trồng được vì nắng nóng, khó khăn nhưng ráng chấp nhận để giữ an toàn cho bản thân, cho mọi người trong xóm - Ảnh: MAI THƯƠNG

Những phận người xóm chạy thận nơi rìa thành phố trong dịch bệnh - Ảnh 10.

Một số nhà hảo tâm, đoàn từ thiện đã đến động viên, sẻ chia với bệnh nhân xóm nghèo trong lúc dịch bệnh - Ảnh: MAI THƯƠNG

'Nụ cười của người nghèo là hạnh phúc của đời tôi'

TTO - Một nụ cười hiền hậu, một trái tim ấm áp và yêu thương... đó là những điều mà chúng tôi cảm nhận được về người thầy đã gắn bó với công tác thiện nguyện và sưởi ấm biết bao hoàn cảnh khó khăn trong suốt 10 năm qua.

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên