06/07/2021 09:35 GMT+7

'Nụ cười của người nghèo là hạnh phúc của đời tôi'

TAM XUÂN
TAM XUÂN

TTO - Một nụ cười hiền hậu, một trái tim ấm áp và yêu thương... đó là những điều mà chúng tôi cảm nhận được về người thầy đã gắn bó với công tác thiện nguyện và sưởi ấm biết bao hoàn cảnh khó khăn trong suốt 10 năm qua.

Nụ cười của người nghèo là hạnh phúc của đời tôi - Ảnh 1.

Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng (bên trái) tặng phần quà cho người lao động tại “Phiên chợ 0 đồng”

Người chúng tôi muốn nói đến là anh Trương Vĩnh Đặng (35 tuổi, trú tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), hiện đang là giáo viên tại Trường tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, Đà Nẵng). 

Dù khá bận rộn với công việc "đưa đò" nhưng người thầy giáo trẻ này vẫn dành cả thanh xuân của mình để mang yêu thương đến cho những người nghèo khó. 

Nhiều mảnh đời bất hạnh đã được anh đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được anh tiếp sức để vượt qua những ngày tháng gian khổ.

"10 năm - một chặng đường"

Ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm gặp thầy Đặng mà nhiều người giới thiệu là "dành cả thanh xuân" để làm thiện nguyện. 

Khi chúng tôi hỏi nhà thầy Đặng, bà cụ bán hàng tạp hóa ở đầu con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đản nói: "Thầy Đặng ở xung quanh đây ai cũng biết, thầy sống giản dị, nhưng lại có tấm lòng thiện nguyện rất đáng trân quý".

Trong căn nhà ngập bóng cây xanh, một người đàn ông với gương mặt hiền hậu đang tỉ mẩn cắt tỉa từng chậu cây bonsai. Vốn là người có năng khiếu hội họa nên anh Đặng không ngừng phấn đấu theo đuổi đam mê của mình là trở thành một thầy giáo dạy mỹ thuật để mang đến những hình ảnh đẹp cho đời.

Đến năm 2010, sau khi xuất ngũ, anh Đặng về lại Trường tiểu học Tây Hồ để tiếp tục công tác. Nhìn xung quanh còn nhiều mảnh đời không may mắn nên anh đã tâm niệm mình nên làm điều gì đặc biệt để chung tay chia sẻ.

Thời gian đầu anh đóng góp kinh phí cho các nhóm thiện nguyện để thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn Đà Nẵng. Sau một thời gian anh bắt đầu vận động kinh phí từ cộng đồng mạng để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn.

Ban đầu việc làm thiện nguyện gặp rất nhiều trắc trở, mọi người chưa quen nên kêu gọi không được nhiều. Sau hơn 1 năm, khi việc làm của thầy được nhiều người biết đến, mỗi bài đăng kêu gọi của thầy trên trang Facebook cá nhân được nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm quan tâm. Cũng từ đó, những mảnh đời được thầy kêu gọi cũng được giúp đỡ nhiều hơn.

"10 năm, một chặng đường" là câu nói của anh khi chúng tôi hỏi về quãng thời gian gắn bó với thiện nguyện. Tuy thời gian ấy chưa phải thật dài nhưng với thầy, thiện nguyện chính là công việc "bán thời gian" được trả công bằng nụ cười, niềm vui và hạnh phúc của cả người cho lẫn người nhận.

"Tôi luôn tin rằng cho đi rồi sẽ nhận lại và tôi thấy mình đã đi đúng hướng, vì mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh khác nhau và sứ mệnh của tôi đó là giúp ích được cho nhiều người. Nụ cười của người nghèo là hạnh phúc của cuộc đời tôi" - thầy Đặng bày tỏ.

Suốt gần 2 năm qua khi dịch COVID-19 bùng phát khiến bao gia đình nghèo rơi vào cảnh khốn khó, thầy Đặng đã thường xuyên vận động kinh phí để tổ chức "phiên chợ 0 đồng" cho người lao động, đến tận nhà trao tặng hàng nghìn suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, hơn 2 năm nay anh và những người bạn đồng hành vẫn duy trì đều đặn các chương trình thiện nguyện như bữa ăn khuya cho người lao động vào tối thứ sáu hằng tuần và hoạt động phát cơm miễn phí mỗi tháng một lần do anh khởi xướng tại Trường tiểu học Tây Hồ được nhà trường và đông đảo giáo viên ủng hộ, chung tay thực hiện.

Bán "đứa con tinh thần" làm thiện nguyện

Mặc dù công tác chuyên môn ở trường khá bận rộn nhưng anh luôn tranh thủ thời gian trống để tìm hiểu và kết nối nguồn vận đồng cho người nghèo, bệnh tật. Nhẩm tính hơn 10 năm nay, anh cùng với những người bạn đồng hành đã vận động nguồn hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng trên trường hợp.

Chỉ tay vào những chậu bonsai đặt ngay ngắn nơi góc tường, anh Đặng cười nói: "Dù ít hay nhiều thì đây là nguồn tài trợ cho những lần thiện nguyện đó em". 

Anh kể khoảng 10 năm về trước, anh tình cờ gặp một cậu thanh niên bị xuất huyết não do tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đà Nẵng. Số tiền điều trị rất lớn nhưng khoản tiền gia đình vay mượn để chạy chữa cho em đã cạn kiệt, lại thêm gia cảnh khó khăn nên việc chữa trị cho em lâm vào đường cùng.

Biết được hoàn cảnh của bệnh nhân, anh Đặng đã nảy ra ý tưởng mang "đứa con tinh thần" của mình là những cây bonsai ra bán đấu giá để giúp đỡ một phần nào đó cho bệnh nhân và thực hiện những chương trình thiện nguyện. 

Nghĩ là làm, anh đã chọn một chậu bonsai yêu quý nhất trong vườn đem bán đấu giá được khoảng 10 triệu đồng, tất cả số tiền đều được anh gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân bị tai nạn để chi trả các khoản điều trị. 

"May mắn thay, cây bonsai đầu tiên đã được đấu giá khá cao và cũng nhờ sự ủng hộ kịp thời của mọi người nên đã cứu được một mạng người còn đang rất trẻ" - thầy Đặng bồi hồi nhớ lại.

Anh Đặng kể thêm trường hợp anh Trần Công Hậu (25 tuổi, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bị tai nạn giao thông và dẫn đến chết não. Hoàn cảnh anh Hậu thuộc diện khó khăn lại không có bảo hiểm xã hội nên gia đình không có khả năng xoay xở để chi trả tiếp viện phí điều trị.

Với mong muốn hỗ trợ gia đình bệnh nhân bớt phần gánh nặng, anh Đặng đã đấu giá một cây bonsai kết hợp vận động kinh phí từ bạn bè, người thân được gần 20 triệu đồng để giúp đỡ gia đình anh Hậu. 

Hay trước đó, chị Trần Thị Thúy Hồng (quê tại Đại Lộc, Quảng Nam) bị nhiễm trùng huyết, suy tim khi đang mang thai 19 tuần tuổi. Bệnh nhân phải chạy tim nhân tạo để giành giật từng giây phút với tử thần. 

Chi phí nằm viện rất lớn, gia đình lại khó khăn nên không còn khả năng để trang trải viện phí. Khi hay tin, anh Đặng đã nhanh chóng tổ chức phiên đấu giá cây bonsai, đồng thời vận động kinh phí từ mọi người để cùng chung tay giành lại sự sống cho người mẹ trẻ này.

Gần đây nhất là anh Lê Hoàng Việt (41 tuổi) bị nhiễm trùng huyết và suy đa tạng, để duy trì sự sống anh phải lọc máu thường xuyên tại Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, không thể xoay xở trong những lần lọc máu tiếp theo. 

Để hỗ trợ gia đình bệnh nhân bớt phần gánh nặng, thầy Đặng đã tổ chức phiên đấu giá cây và vận động kinh phí từ bạn bè, người quen được gần 15 triệu đồng để giúp đỡ gia đình anh Việt.

Cứ như vậy, suốt 10 năm nay, mỗi lần "đứa con tinh thần" của anh ra về với chủ mới là một lần một hoàn cảnh ngặt nghèo, một bệnh nhân khó khăn lại có thêm kinh phí chữa trị kịp thời, vượt qua bạo bệnh.

Nụ cười của người nghèo là hạnh phúc của đời tôi - Ảnh 3.

Thầy Đặng giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn trên phố

Đôi chân không mỏi

Không chỉ tiếp sức cho những bệnh nhân khó khăn, hơn 10 năm qua, "đôi chân không mỏi" của anh Đặng đã in trên mọi nẻo đường, từ các địa phương trong thành phố Đà Nẵng đến những vùng xa xôi khắp các tỉnh miền Trung để lựa chọn những địa chỉ khó khăn nhất, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.

Dù giá trị vật chất từ sự giúp đỡ của cá nhân anh hoặc các nhà hảo tâm do anh vận động tuy không nhiều, đôi khi chỉ là vài ký gạo, thùng mì... nhưng anh cảm thấy vui vì đã giúp được người khác trong lúc họ khốn khó nhất.

Riêng trong đợt lũ lụt tháng 10-2020, anh đã vận động và lại lên đường để tiếp tục hành trình thiện nguyện, tìm đến với những hoàn cảnh thương tâm tiếp tế hàng hóa, thực phẩm cho người dân các vùng bị ngập lụt tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, hỗ trợ kinh phí giúp hàng chục hộ dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Ngoài ra, thầy Đặng cũng thường xuyên tổ chức những chuyến thiện nguyện về với trẻ em và đồng bào các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam như: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang; đến với người dân bệnh phong tại tỉnh Gia Lai để tiếp sức, lan tỏa yêu thương đến mọi người.

Khi được hỏi liệu anh có nhớ được bao nhiêu lần quyên góp hay giúp đỡ người khác không, anh chỉ mỉm cười nói "không". 

Bởi người thầy giáo nặng tình với công tác thiện nguyện này luôn tâm niệm chẳng cần phải nhớ mình đã giúp đỡ được bao nhiêu người mà chỉ cầu mong mình có sức khỏe đi làm kiếm tiền, để cùng chung tay giúp đỡ được nhiều mảnh đời vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

"Cuộc sống dù vất vả khó khăn đến đâu, tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Tôi mong sao sẽ có nhiều người con quê hương Đà Nẵng cùng tôi sẻ chia một phần khó khăn với bà con quê nhà" - anh Đặng bày tỏ.

TAM XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên