24/08/2015 09:13 GMT+7

Những niềm tin yêu

TR.MAI - H.GIANG - TH.BA - TH.TRANG - C.NHẬT - T.THÀNH
TR.MAI - H.GIANG - TH.BA - TH.TRANG - C.NHẬT - T.THÀNH

TT - Trong những ngày qua, sau khi tuyến bài kể về các bạn học sinh “Vượt khó vào đại học” được khởi đăng, ít nhiều đã có những mạnh thường quân đưa tay ra giúp đỡ các tân sinh viên.

Niềm vui của cô học trò Huỳnh Thị Ngọc Huyền (nhân vật trong bài “Cửa đã mở, nhưng...” - Tuổi Trẻ 10-8) và mẹ là bà Nguyễn Thị Quyền (xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) khi biết tin Huyền có khả năng trúng tuyển vào ĐH Luật TP.HCM với 25,75 điểm (khối C) - Ảnh: TIẾN THÀNH

Nhưng những trang báo không thể dài mãi với từng số phận và chúng tôi băn khoăn liệu các bạn trẻ chưa được phát hiện đưa lên báo, họ sẽ như thế nào?

Chúng ta sẽ cùng đưa tay ra để giúp các bạn một cơ hội vượt khó. Hay ít nhất, bạn có thể giới thiệu cho chúng tôi một nhân vật để trao cho họ suất học bổng, chúng ta nhận được lại cả một niềm tin yêu vào cuộc đời, như những câu chuyện dưới đây.

Dòng họ tiếp sức đến trường

Sáng 16-8, ngôi nhà thấp lè tè bên triền sông Giang đón những bậc cao niên đến thăm hỏi, động viên Trịnh Thị Khánh Linh (Trường THPT Ba Gia), Trịnh Thị Phương Trinh (Trường THPT chuyên Lê Khiết - Tuổi Trẻ ngày 8-8-2015).

“Chúng tôi là những người đều mang họ Trịnh. Nói chung là anh em trong họ hết” - ông Trịnh Văn Thành (72 tuổi), chủ tịch hội đồng tộc Trịnh ở Quảng Ngãi, đứng ra giới thiệu. Dù lần đầu tiên gặp mặt nhưng chuyện về hai cô gái vượt khó học giỏi kéo họ gần lại với nhau.

Càng vui hơn nữa bởi hôm ấy, căn nhà sau 21 năm giờ đã bong tróc, thậm chí vài mảng tường chưa kịp tô vôi đã được UBND xã Tịnh Giang hỗ trợ tiền sửa sang lại.

“Mấy chú trên xã sau khi biết tụi cháu đậu đại học đã xuống nhà thăm và hỗ trợ tiền để sửa lại nhà cho bớt trống trải” - Trinh tâm sự.

Ông Trịnh Xuân Gió, phó chủ tịch hội đồng tộc Trịnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Bài viết về hai cháu trên báo Tuổi Trẻ khiến chúng tôi hết sức cảm động vì biết hai cháu đã vượt qua nhiều khó khăn để đến trường.

Chỉ trong vòng 10 ngày, tộc họ Trịnh tại Quảng Ngãi đã huy động được 15 triệu đồng để gửi đến hai chị em song sinh Linh và Trinh. “Số tiền này là tấm lòng của cộng đồng họ Trịnh ở Quảng Ngãi dành cho hai cháu, hi vọng sẽ giúp các cháu vượt qua khó khăn ban đầu để đến trường” - ông Gió cho biết.

Ngoài số tiền 15 triệu đồng, các chú, các bác trong dòng tộc còn mang đến cho hai chị em câu chuyện về quá khứ vất vả của những người đi trước. Họ khuyến khích hai bạn phát huy tính tự giác, tự lực không khuất phục nghèo khó để lấy đó làm động lực tiến lên.

“Các cháu sẽ vẽ nên cuộc đời mình những gì mình muốn. Chẳng ai làm thay các cháu được” - ông Thành nói.

Ông Thành (bìa phải), chủ tịch hội đồng tộc Trịnh Quảng Ngãi, trao tiền hỗ trợ cho hai cô gái họ Trịnh vượt khó đến trường - Ảnh: Trần Mai
Ông Thành (bìa phải), chủ tịch hội đồng tộc Trịnh Quảng Ngãi, trao tiền hỗ trợ cho hai cô gái họ Trịnh vượt khó đến trường - Ảnh: Trần Mai

Bạn còn nhớ họ?

Huỳnh Nguyên Ngọc Hiền (Tuổi Trẻ ngày 12-8) cho biết năm ngày trước, mẹ đã không đắn đo bán con bò là tài sản lớn nhất trong nhà với quyết tâm không để Hiền đứt gánh học hành giữa đường.

“Mẹ bán con bò được 17,5 triệu đồng và trả số nợ gốc 10 triệu đồng cho ngân hàng vay từ hồi mua bò. Còn lại mẹ dự tính khăn gói cùng em ra Đà Nẵng lo thủ tục nhập học”. Nhưng trưa 23-8, cô học trò gọi điện báo tối nay (23-8) Hiền sẽ cùng mẹ đón chuyến đò ngang vượt đoạn sông Thu Bồn để sang bên kia phố Hội nhận bò do nhóm thiện nguyện Ong Vàng trao tặng.

Anh Huỳnh Đắc Thanh (đại diện nhóm Ong Vàng tại TP Hội An) cho hay sau khi đọc báo Tuổi Trẻ và nắm bắt hoàn cảnh của Hiền, nhóm đã quyết định đưa gia đình Hiền vào danh sách 20 hộ nghèo nhận bò đợt này.

“May mắn đến phút chót, chúng tôi biết đến trường hợp của hai mẹ con Hiền và nhóm đã không do dự trích nguồn quỹ mua bò hỗ trợ với mong muốn tiếp thêm sức mạnh để em có thể vững bước đến trường” - anh Thanh nói.

Trong khi đó, Hà Phước Hậu (Hậu “ròm” - Tuổi Trẻ ngày 8-8) cũng báo tin vui có hai vợ chồng ngoài TP Huế gọi điện trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ bày tỏ ý định cưu mang Hậu suốt sáu năm đại học. Anh là Trần Văn Tuấn, người đã gọi điện đến nói với Tuổi Trẻ rằng vợ chồng anh đã không kìm được nước mắt khi đọc những chia sẻ của Hậu: “Nhờ những đồng bạc chắt chiu từ công việc, em mới có hạt cơm lót dạ đến trường, còn ba cũng đỡ phải cắn răng chịu đựng cơn đau vì thiếu thuốc...”.

Thầy Nguyễn Thanh Bình, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (giáo viên chủ nhiệm của Huỳnh Hữu Hạng - Tuổi Trẻ ngày 9-8) thì cho biết: “Thầy cô ở trường đều mừng cho Hạng, hiện mọi người đang quyên góp hỗ trợ học phí cho em”.

Nhưng hiện tại Hạng vẫn đang hằng ngày đi hái ổi cho mẹ mang ra chợ bán và còn đi hái ổi thuê cho những người trong xóm chờ ngày nhập học. Ngước nhìn căn nhà lụp xụp, Hạng tâm sự khoảng một tuần nữa gia đình Hạng phải dời đi nơi khác vì căn nhà đang ở là ở nhờ hơn 10 năm nay, giờ phải trả lại cho người ta.

“Hiện tại cha mẹ em chưa tìm được chỗ trọ nên sẽ xin ở tạm nhà của người cô, còn em thì đang làm thủ tục vay ngân hàng để đóng học phí đầu năm nay” - Hạng trầm ngâm.

“Tôi và gia đình muốn động viên, hỗ trợ Truyền. Nhà tôi gần ĐH Y dược TP.HCM và hiện dư phòng nên Truyền và em trai có thể ở tạm nếu thấy phù hợp. Tôi và chồng cũng có thể hỗ trợ học phí cho Truyền miễn sau này khi thành công, em cam kết hỗ trợ cho những mảnh đời chưa may mắn khác” - chị Đỗ Thị Mỹ Lý (Q.Tân Bình, TP.HCM) nói về việc có thể hỗ trợ cho chàng trai Lê Thanh Truyền trong phóng sự ảnh “Vững chãi trong cuộc đời buồn” (Tuổi Trẻ ngày 16-8).

Ngày 23-8, khi biết tin Huỳnh Thị Ngọc Huyền (“Cửa đã mở nhưng...” - Tuổi Trẻ ngày 10-8) đậu đại học, bạn đọc Lê Thị Tình (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết cả nhà đã cùng bàn bạc giúp đỡ Huyền.

"Bản thân con tôi cũng học ngành luật vừa ra trường nên toàn bộ sách vở có thể để lại cho Huyền. Về phần tôi, sẽ giành số tiền tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng để chu cấp cho cô học trò nhỏ trang trải việc ăn học” - bà Tình chia sẻ.

Khoảng 4-5 bạn đọc khác cũng hỏi thăm và bàn phương án “tiếp sức” cho Huyền. Một bệnh viện cũng đặt vấn đề hỗ trợ điều trị bệnh cho người anh của Huyền.

Tiếp sức tân sinh viên, bạn có thể làm gì?

- Báo Tuổi Trẻ phối hợp với tổ chức Đoàn, ngành giáo dục các địa phương, ban tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng phát hiện và tuyển chọn.

- Tự ứng cử trực tiếp đến báo Tuổi Trẻ hoặc 63 tỉnh/thành đoàn và sở giáo dục - đào tạo trên cả nước.

- Thông qua phát hiện trực tiếp của phóng viên, cộng tác viên, giới thiệu của quý thầy cô các trường THPT, bạn đọc báo Tuổi Trẻ, hội đồng hương và các cơ quan báo đài trên cả nước.

Thông tin về tân sinh viên nghèo xin gửi cho báo Tuổi Trẻ: Ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn).

Quy mô học bổng

- Dự kiến trao 1.300 - 1.500 suất học bổng dành cho tân sinh viên trên 63 tỉnh thành trên cả nước.

-  Mỗi suất học bổng được nâng lên 7 triệu đồng/học bổng (các năm trước 5 triệu đồng/học bổng), trong đó chưa bao gồm chi phí tổ chức, hỗ trợ đi lại cho tân sinh viên, quà lưu niệm...

* Hội đủ ba (3) điều kiện sau:

- Gia cảnh đặc biệt khó khăn (có xác nhận của địa phương hoặc nhà trường, nếu là hộ nghèo phải gửi bản photocopy), có nguy cơ bỏ học nếu không được giúp đỡ.

- Trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng năm học 2015 - 2016 (ưu tiên xét tuyển đợt 1), có điểm trúng tuyển cao (có bản photocopy giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận của trường).

- Có thư trình bày rõ hoàn cảnh, hướng phấn đấu và khát vọng học tập (theo mẫu).

 

TR.MAI - H.GIANG - TH.BA - TH.TRANG - C.NHẬT - T.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên