22/08/2015 10:50 GMT+7

Vượt khó vào đại học: ​Không "tiết kiệm"... mơ ước

DUY THANH
DUY THANH

TT - Lê Thành Khoa, học sinh lớp 12 toán 2 Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), xếp hạng á khoa khối A kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với 29,25 điểm.

Khoa tranh thủ phụ cha sửa máy nổ trong những ngày cha con được gần nhau - Ảnh: Duy Thanh
Khoa tranh thủ phụ cha sửa máy nổ trong những ngày cha con được gần nhau - Ảnh: Duy Thanh

Với các điểm số: toán 10 điểm, vật lý 9,5 điểm và hóa học 9,75 điểm, Khoa không chỉ là thí sinh có điểm cao nhất tỉnh Phú Yên mà còn là học sinh duy nhất của tỉnh này có điểm 10 môn toán.

Bí kíp là... lỗi sai

Khoa biết được điểm số “hoành tráng” ấy sau khi vừa tỉnh dậy từ ca phẫu thuật cắt ruột thừa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Ông Lê Bính, cha Khoa, kể khi Khoa vừa tỉnh là ông thông báo liền số điểm thi mà bạn bè con vừa nhắn cho ông, hi vọng “nó mừng mà quên vết thương đang đau”.

Khi biết đạt điểm vào đại học khối A cao thứ nhì toàn quốc (sau hai thí sinh có điểm số 29,5 điểm), Khoa thổ lộ: “Mình thấy cũng bình thường thôi. Nó giống như một tấm vé để lên tàu, rất nhiều người có vé ngồi, còn mình may mắn có được cái vé giường nằm”.

Khoa nói đã từng nghe nhiều người đỗ đại học điểm rất cao, nhưng rồi mãi về sau không nghe ai nhắc đến họ nữa.

“Do vậy, mình tự dặn lòng là không nên quan trọng quá về số điểm cao ở đầu vào, mà ngay từ bây giờ phải đặt mục tiêu vượt qua mọi chướng ngại vật trên quãng đường có nhiều người cùng đi.

Bước vào đại học như bắt đầu một cuộc đua, nếu mình hài lòng từ bây giờ, coi thường những trở ngại phía trước, không nỗ lực và cầu tiến thì sẽ bị rơi lại phía sau. Mình nghĩ nếu tốt nghiệp đại học mà đạt thủ khoa hay á khoa thì khi đó mới nên vui mừng lớn” - chàng á khoa “triết lý” một cách khiêm tốn.

Dù ba năm THPT đều là học sinh giỏi của lớp 12 toán 2 trường chuyên, nhưng Khoa thẳng thắn thừa nhận cậu không phải là học sinh ở tốp đầu của lớp vì hay làm bài... sai. Nhưng thật bất ngờ khi Khoa nói chính những cái sai này là bí quyết để cậu thi tốt.

“Khi luyện thi thì mỗi học sinh có một cách riêng. Thông thường các bạn ôn thi từ phần này sang phần khác, sau đó củng cố lại kiến thức cho chắc, còn mình thì khác, mình củng cố... lỗi sai.

Mình tìm tòi nhiều dạng bài tập khác nhau, mỗi lần giải xong mà thầy cô hoặc tự mình phát hiện lỗi thì mình ghi vào “sổ tay mắc lỗi”, sau đó cứ hệ thống những lỗi mắc phải đó, nhớ như in trong đầu để tự nhắc mình khi bước vào giải bài thi thì không lặp lại sai lầm đó nữa” - Khoa bộc bạch.

Giấc mơ NASA

Ông Bính trông già hơn nhiều so với tuổi 53, không chỉ vì một mình làm hai sào ruộng, sửa máy nổ thuê, hành nghề “thợ đụng” để kiếm tiền lo cho con học hành, mà còn vì những bất hạnh của cuộc sống.

Ông cưới vợ năm 1994, mãi ba năm sau Khoa mới ra đời và là đứa con duy nhất. Đợt bão lớn năm 1999, ông Bính leo lên mái nhà chằng cột, không may ngã xuống bị chấn thương sọ não, giờ mắt yếu, đầu thường xuyên đau, lại thêm bệnh thần kinh tọa làm ông hầu như không nhấc nổi chân mỗi khi trái gió trở trời.

Khi Khoa học lớp 9, vợ chồng ông chia tay, từ đấy căn nhà chỉ còn hai cha con. Ba năm Khoa rời nhà ra TP Tuy Hòa trọ học cũng là từng ấy thời gian ông Bính ở nhà một mình. Những ngày qua, Khoa trở về nhà đỡ đần cha bằng việc hằng ngày đạp xe đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát, giúp cha sửa chữa máy nổ trước sân nhà...

Khoa không khỏi băn khoăn, lo lắng khi sắp đi học xa, chi phí cao, một mình cha đau bệnh phải cáng đáng. Khoa cho hay sẽ kiếm việc làm thêm, cố gắng học tốt để có học bổng.

“Tui nói với Khoa là cha quen khổ rồi nên nếu khổ chút nữa cũng chẳng hề gì, con cứ an tâm học cho xong đại học” - ông Bính quả quyết dù “nói nhỏ” với chúng tôi là khoản tiền vay 8 triệu từ chương trình vệ sinh môi trường để làm nhà vệ sinh ba năm nay mới trả được 4,4 triệu đồng, vì đã “đầu tư” cho Khoa đi học trường chuyên trên phố!

Khoa đã nộp đơn xét tuyển vào khoa điện - điện tử Trường đại học Bách khoa TP.HCM. “Mình có một mơ ước mà nhiều người cho là rất viển vông: làm việc ở NASA (Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) hay Microsoft! Vì sao ư?

Vì đó là những nơi tập trung các tài năng hàng đầu của thế giới, mình sẽ trưởng thành hơn nếu được học hỏi, làm việc chung với họ, đồng thời thỏa mãn đam mê nghiên cứu bao nhiêu điều bí ẩn của vũ trụ, khoa học công nghệ. Mơ ước thì không nên “tiết kiệm”, phải không?” - Khoa cười tươi.

Đi thi là vào tốp đầu

Thầy Văn Thế Huy, chủ nhiệm lớp 12 toán 2, nhìn nhận rằng Lê Thành Khoa là một học sinh rất lạ. “Không là học sinh giỏi tốp đầu của lớp, của trường nhưng cứ thi là Khoa lại đứng đầu. Lớp 11, Khoa đoạt huy chương vàng giải toán trên Internet toàn quốc. Lớp 12, Khoa đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh Phú Yên.

Điểm xét tuyển vào đại học khối A của Khoa thuộc loại cao hiếm có trong nhiều năm qua ở Trường chuyên Lương Văn Chánh. Tôi tìm hiểu và biết rằng hoàn cảnh của Khoa rất khó khăn, em không có nhiều tiền để mua sách hay đi học thêm mà tự học, tự rút kinh nghiệm là chính.

Có lẽ nhờ tự lập trong học tập đã tạo cho Khoa một khả năng “ứng phó” trước những bài tập khó, chưa từng gặp so với nhiều bạn học theo lối mòn, theo kiểu ghi nhớ bài giải sẵn có” - thầy Huy nhận định.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên