Cầu Rồng được đánh giá là thiết kế độc nhất vô nhị với hệ thống điện chiếu sáng hiện đại và phun lửa, phun nước - Ảnh: HUY ĐẰNG
Mỗi yêu cầu, thách thức lại sinh ra những giải pháp công nghệ. Cứ thế đã cho ra một cầu Rồng có sự kết hợp hòa quyện công nghệ thi công giữa thép và bêtông trên cơ sở kiến thức tổng hợp của các kỹ sư xây dựng và những lĩnh vực khác. Đó là sự kết hợp tuyệt vời đảm bảo tính nghệ thuật và công năng
Ông BÙI HỒNG TRUNG
"Nhiều du khách đáp xuống sân bay Đà Nẵng nhưng chỉ đi tham quan các địa điểm du lịch hoặc các khu nghỉ mát gần đó. Họ không ở lại để xem các bộ sưu tập tại Cổ viện Chàm. Họ không biết được rằng có thể đi hát karaoke hoặc ăn tối trên sông Hàn, ngắm nhìn cây cầu Rồng phun ra lửa duy nhất trên thế giới" - GS Barbara nói.
"Siêu năng lực bí mật" mà GS Barbara (Trường cao đẳng Cộng đồng hạt Lorain, Mỹ) nói tới chính là sức cuốn hút đặc biệt của những cây cầu bắc qua sông. Bà trò chuyện với các nhiếp ảnh gia, những người mà các tác phẩm tuyệt vời của họ không được biết đến, đặc biệt với chủ đề này.
"Sự sáng tạo giống như một bí mật được gìn giữ quá kỹ" - bà nói chuyện này với TS Lê Nguyên Bảo, hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân. Và thế là họ cùng nhau tổ chức một cuộc thi triển lãm ảnh du lịch thường niên mang tên GO SEE DO.
Thay đổi thiết kế để hài hòa cảnh quan
Trong ngày khánh thành cầu Thuận Phước, Đà Nẵng tổ chức khởi công xây dựng một cây cầu mới ở vị trí nối thẳng tuyến đường Nguyễn Văn Linh cửa ngõ sân bay với vùng biển Mỹ Khê đẹp mơ màng. Lúc bấy giờ Nhà máy đóng tàu Sông Thu nằm sâu trong sông.
Thiết kế ban đầu, cầu tại vị trí này có nhịp cao để đảm bảo độ tĩnh không cho những con tàu lớn qua lại. Nhưng cũng chính tại vị trí đầu cầu có một công trình cổ xưa nhất Đà Nẵng là Cổ viện Chàm. Chẳng lẽ để di sản độc nhất vô nhị trên thế giới này "núp lùm" dưới gầm cầu?
"Thời điểm ấy việc phát triển đô thị, mở rộng không gian là vô cùng bức bách. Nhưng hầu hết phản biện của giới trí thức đều không chấp nhận việc làm cầu chạm vào Cổ viện Chàm - viên ngọc quý của thành phố" - ông Huỳnh Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, nhớ lại.
Theo ông Bùi Hồng Trung - phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, sau khi lắng nghe các ý kiến phản biện, ông Nguyễn Bá Thanh (bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc ấy) tìm cách di dời Nhà máy đóng tàu Sông Thu và chỉ đạo tìm một thiết kế khác để cây cầu nối bờ ngay tại mép nước, hài hòa với các công trình xung quanh.
Sau đó, Đà Nẵng tổ chức một cuộc thi và tìm ra thiết kế cầu Rồng như hiện nay. Cây cầu nối với bờ tây sông ở vị trí mép nước nên có độ tĩnh không thấp, cầu không che chắn và ở cách xa Cổ viện Chàm hàng trăm mét.
Cầu Rồng biểu trưng cho văn hóa phương Đông đã được chọn sơn cùng màu vàng để hài hòa với Cổ viện Chàm của văn hóa Champa.
Thi công cầu Rồng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Rồng phải phun được lửa và nước"
Nếu bài toán đưa ra là làm một cây cầu chỉ để vượt sông, có lẽ các kỹ sư đã không phải bỏ nhiều công sức. Nhưng thiết kế thẩm mỹ, độc nhất vô nhị về kiến trúc như cầu Rồng đòi hỏi những giải pháp thi công tiên tiến, mới mẽ, nếu không muốn nói là chưa từng gặp trên thế giới.
"Mỗi yêu cầu, thách thức lại sinh ra những giải pháp công nghệ. Cứ thế đã cho ra một cầu Rồng có sự kết hợp hòa quyện công nghệ thi công giữa thép và bêtông trên cơ sở kiến thức tổng hợp của các kỹ sư xây dựng và những lĩnh vực khác.
Đó là sự kết hợp tuyệt vời đảm bảo tính nghệ thuật và công năng" - ông Bùi Hồng Trung hùng hồn nhấn mạnh.
Cho đến khi con rồng đã cơ bản hình thành "bộ khung", ông Nguyễn Bá Thanh lại tiếp tục yêu cầu nhà thầu thi công ánh sáng là Hãng Philips giải một bài toán khác. Nhà thầu dự định cho rồng phun "lửa giả" bằng công nghệ laser nhưng bị ông Thanh gạt ngay.
Ông nói: "Rồng thì phải phun được lửa thiệt, phun nước thiệt mới sống động, hấp dẫn du khách". Rồi ông Thanh gợi ý hãng này vào một khu du lịch ở Bình Dương tìm hiểu công nghệ phun lửa và đến gặp ông Phương "thủy khí" tìm hiểu công nghệ phun nước.
Người mà ông Thanh nói tới là kỹ sư Phan Đình Phương, người sở hữu hàng loạt bằng sáng chế được quốc tế cấp, trong đó có sáng chế "bùng nổ thủy khí".
Ông Phương cho biết người của Hãng Philips họp với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kết thúc lúc 11h30 thì chưa đầy một tiếng sau đã thấy có mặt tại trụ sở công ty ông.
Đưa cao tấm ảnh rồng phun nước trong ngày khánh thành, ông Phương nói cho dù phun xa hơn 120m liên tục trong 15 phút nhưng mỗi lần như vậy chỉ tốn 5m3 nước.
Để ra bí quyết công nghệ cho rồng "biểu diễn" như vậy là nhờ một bồn nước chứa hàng trăm mét khối, công nghệ máy nén và sáng chế "bùng nổ thủy khí" của riêng ông Phương.
Hành trình từ lúc thiết kế hệ thống phun nước cho cầu Rồng cho đến khi chứng kiến khách Tây tắm hơi sương lúc rồng phun nước là một giai đoạn làm việc chảy nước mắt của ông Phương.
Có những hôm đội ngũ của ông làm đêm vì tranh thủ thời gian đào đường, rạng sáng mệt quá nằm ngủ luôn trên công trường cho đến khi nắng đi qua người mới biết.
Điều khiến người đàn ông tuổi 70 chuyên ăn cơm hộp, ngủ luôn trong văn phòng sáng chế này tự hào nhất trong đời là hôm tiếp một kỹ sư Israel ngay cầu Rồng. Nghe tiếng rồng phun nước "xé gió", ông Phương đố vị kỹ sư này mỗi lần phun như vậy mất bao nhiêu nước.
"Ổng nói 500m3, tôi lắc đầu thì ổng đoán tịnh tiến hai lần nữa. Khi biết mỗi lần phun tôi chỉ dùng có hơn 5m3 nước thì ổng "ngã ngửa". Ổng đâu biết công nghệ của tôi từ 1m3 nước có thể biến ra hơn 1.500m3 hơi sương" - vị kỹ sư Việt nhiều sáng tạo kể lại.
Móng mỗi trụ cầu bằng 1/4 sân bóng đá
Một phần du khách không thể nhìn thấy ở cầu Rồng chính là bệ móng trụ cầu chìm sâu trong lòng nước.
Mỗi bệ móng cầu có diện tích hơn 1.600m2, tương đương 1/4 diện tích sân bóng đá, trong đó móng trụ T1 có khối lượng lên tới 6.700m3 khối bêtông phải đổ liên tục trong hai ngày. Riêng phần thép thi công rồng nặng gần 9.000 tấn.
Cầu Rồng cũng nhận nhiều giải thưởng vì được đánh giá là thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bêtông.
____________________________
Kỳ tới: Cây cầu 3 mặt dây văng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận