01/04/2019 13:27 GMT+7

Những người trẻ thông minh nhất thế giới - Kỳ 2: Nhà phát minh của người nghèo Zambia

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Anh Mphatso Simbao, 20 tuổi, đã giúp nông dân ở Zambia tiết kiệm được 50% phân bón, 80% thuốc trừ sâu nhưng lại có những vụ mùa bội thu hơn. Anh đã làm điều đó thế nào?

Những người trẻ thông minh nhất thế giới - Kỳ 2: Nhà phát minh của người nghèo Zambia - Ảnh 1.

Nhà phát minh trẻ Mphatso Simbao - Ảnh: Google Plus

Giải pháp tiết kiệm cho nông dân của Mphatso chỉ liên quan tới các vật liệu đun nấu cơ bản như than củi, lá cây, nhưng nhờ vận dụng kiến thức hóa học hợp lý, anh bạn trẻ này đã giúp cộng đồng xung quanh tìm được cách làm nông tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn.

Tôi muốn dùng kiến thức của mình tạo ra những phát minh rẻ tiền để giúp những gia đình thu nhập thấp ở châu Phi.

Mphatso Simbao

Xử lý đồ thừa, nấm độc làm phân bón

Với cách làm của Mphatso, có thể hình dung ai, ở đâu cũng có thể vận dụng được và người nông dân hoàn toàn có thể tự sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng, giúp hạ bớt chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tới 47% khi căn cứ vào giá bán ngày càng đắt đỏ của phân bón hóa học.

Anh giải thích về nguyên lý hoạt động của phương pháp tạo phân bón, thuốc trừ sâu từ nguyên liệu tự nhiên: "Trước hết bạn cần đổ nước vào xô, sau đó lấy tro bếp bỏ vào xô nước. Bạn nên dùng loại tro bếp vừa nấu xong, không nên dùng loại đã để lâu. 

Bình thường nếu nấu ăn bằng củi, có thể dùng mọi lượng tro bếp từ đó. Sau đó đun sôi nước chứa tro bếp này. Ai cũng biết trong tro bếp chứa chất postassium hydroxide (còn gọi là kali hydroxit), khi đun sẽ cho ra nước alkaline hay còn gọi là nước kiềm ion hóa. 

Lúc đó hãy bỏ vào xô những thực phẩm chứa độc tố không ăn được như các loại nấm độc, một số loài cây, lá cây và nhiều loại nguyên liệu bỏ đi từ thực vật mà chúng ta không dùng đến".

Theo lý giải của Mphatso: "Khi đun sôi nước alkaline trong một khoảng thời gian khá lâu, có thể là một ngày hoặc hơn, nó sẽ phân hủy rất nhiều vật chất và tạo ra amino acid cùng một ít ammonia".

Sau khi xử lý theo cách này, hỗn hợp tạo ra khi nguội có thể tưới trực tiếp lên hoa màu làm phân bón. Loại phân bón hữu cơ này vừa có tác dụng cung cấp dưỡng chất cho cây, vừa là một loại thuốc trừ sâu hiệu quả giúp bảo vệ mùa vụ. 

"Quá trình này phân hủy rất nhiều loại protein trong các vật liệu thành amino acid mà cây rất dễ hấp thụ, giúp hồi phục độ màu của đất" - Mphatso giải thích.

Những người trẻ thông minh nhất thế giới - Kỳ 2: Nhà phát minh của người nghèo Zambia - Ảnh 3.

Mphatso Simbao giới thiệu với mọi người công trình phát minh của mình - Ảnh: AFRICANVIBES

Muốn dùng kiến thức để phát minh

Hơn hai năm trước, trong một chia sẻ trên trang Lusakatimes, Mphatso cho biết cậu từng trải qua nhiều ước mơ khác nhau trong đời, từ một mục sư cho tới một game thủ chuyên nghiệp và thậm chí từng kiếm tiền khi làm đủ thứ việc, bởi cậu thích được hiểu biết nhiều thứ khác nhau.

Sinh ra trong một gia đình có cha là một nghị sĩ quốc hội tại Lusaka (Zambia), sống giữa những quan tâm đặc biệt của gia đình với nền chính trị địa phương nên Mphatso rất chú ý tới vấn đề giảm nghèo cho cộng đồng xung quanh. 

"Tôi muốn dùng kiến thức của mình để tạo ra những phát minh rẻ tiền, giúp những gia đình thu nhập thấp ở châu Phi" - Mphatso nói.

Đó là lý do để mỗi khi suy nghĩ giải pháp cho bất cứ vấn đề nào của người nông dân, Mphatso luôn đặt lên hàng đầu tiêu chí tiết kiệm chi phí tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả. Muốn thế, khai thác những yếu tố sẵn có và bỏ đi tại địa phương theo một mục đích có lợi nhất thường là ưu tiên của Mphatso. 

Lúc còn học ở trường trung học phổ thông, Mphatso từng đăng ký sáng chế cây đèn sử dụng công nghệ khí hóa từ củi để cấp đủ ánh sáng giúp học sinh nghèo học được ban đêm. Khi nghiên cứu chế tạo chiếc đèn đó, Mphatso chia sẻ cậu từng được truyền cảm hứng từ hai nhà phát minh Thomas Edison và Nichola Tesla, những người đã sử dụng khoa học để thương mại hóa điện giúp phát triển đất nước họ.

Các nước ở Nam Phi như Zimbabwe những năm qua từng đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài trong nhiều thập kỷ, mùa màng thất bát do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tại El Nino khiến hàng triệu người đói ăn. 

Tính hiệu quả và tiềm năng ứng dụng rất lớn trong sáng kiến của Mphatso rõ ràng đã thuyết phục được ban giám khảo Giải thưởng National Geographic Explorer của sự kiện Google Science Fair năm 2016. 

Ban giám khảo cho rằng sáng kiến của nhà khoa học trẻ người Zimbabwe dự kiến góp phần giải quyết một loạt thách thức của người nông dân ở miền nam châu Phi.

Cha mẹ luôn ủng hộ

"Mẹ vẫn luôn khuyến khích tôi thử những điều khác biệt và những cơ hội. Tôi vẫn luôn đọc Kinh thánh và được thuyết phục rằng dù bạn muốn làm gì đi nữa, hãy cố gắng và làm hết sức mình để đạt được nó" - Mphatso chia sẻ về niềm đam mê khám phá, sáng tạo. 

"Tôi vẫn luôn say mê các môn khoa học vì chúng giải thích rất nhiều điều về thế giới quanh chúng ta và khoa học luôn giúp bạn hiểu mọi thứ" - cậu tiếp.

Mphatso tiết lộ cha mẹ cậu vẫn luôn khuyến khích sự sáng tạo ở cậu. "Mọi chuyện chẳng có gì khó khăn bởi cứ mỗi khi bạn hỏi "con có thể thử cái này không?" thì họ luôn sẵn lòng ủng hộ bạn" - Mphatso tự hào nói về cha mẹ.

Cũng theo Mphatso, cha mẹ cậu luôn yêu cầu các con quan sát xung quanh để thấy những người đang làm những điều khác biệt trên thế giới. Họ mong mỏi các con hãy làm như vậy, và đó cũng là lý do vì sao Mphatso luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ cha mẹ trong các dự án nghiên cứu khoa học. 

Đó thực sự là nền tảng vững chắc để nhà khoa học trẻ của Zambia tiếp tục đeo đuổi mơ ước đã định hình lúc này: trở thành một nhà phát minh, trước hết để phục vụ những người nông dân nghèo xung quanh mình.

Tìm giải pháp cho hạn hán

mphatso simbao

Mphatso Simbao (bìa phải) nhận giải thưởng trong cuộc thi Google Science Fair năm 2016 - Ảnh: Lusaka Times

Sáng kiến làm phân bón từ những thứ bỏ đi của Mphatso đã giúp anh và hai người bạn đang theo học tại Trường Macalester College (bang Minnesota, Mỹ) nhận được một khoản tiền tài trợ để thực hiện dự án tưới tiêu nông nghiệp tại Zimbabwe và Zambia nhưng khởi động trước hết tại Zimbabwe.

Dự án này cố gắng tìm câu trả lời cho những vấn đề khô hạn nan giải ám ảnh các quốc gia châu Phi trong vài năm qua. Hạn hán gây mất mùa và người dân không có đủ lương thực ăn, nói gì bán. Phương án nhóm nghiên cứu của Mphatso tính đến là tạo ra hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng các loại vật liệu tái chế. Hệ thống tại Zimbabwe do nhóm thực hiện chủ yếu phục vụ việc trồng theo phương pháp thủy canh, nhưng tại Zambia nhóm nghiên cứu có tham vọng sử dụng vật liệu tái chế để không tốn kém bất cứ thứ gì cho người nông dân nghèo.

Kỳ tới: Nữ thiên tài toán học 13 tuổi

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên