17/11/2018 11:21 GMT+7

Những người thầy 'kiểu mới': Từ khóa mới: 'kết nối'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Một giáo viên dạy văn không còn trẻ lại là người đi chia sẻ, giúp đỡ nhiều giáo viên trường khác về ứng dụng công nghệ thông tin.

Những người thầy kiểu mới: Từ khóa mới: kết nối - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú thực hành kết nối với thầy cô qua phần mềm ứng dụng - Ảnh: Trần Huy

Một giáo viên trẻ sau khi nghỉ sinh sáu tháng, trong ngày đi làm lại đã bị choáng vì "không biết gì" trước những ứng dụng mới mẻ mà cả trường đã thực hiện...

Câu chuyện ấy diễn ra ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nơi thầy Trần Văn Huy, quản trị hệ thống Microsoft Office 365 của trường, chia sẻ: từ khóa của chúng tôi bây giờ là "Kết nối".

Công nghệ giúp xóa nhòa khoảng cách

Thầy Huy cho biết Trường THPT Phan Huy Chú đã đầu tư mua bản quyền sử dụng hệ thống Microsoft Office 365. Và 100% cán bộ giáo viên, học sinh đều có tài khoản riêng. Trong ba năm, lần lượt những ứng dụng được khai thác, tập huấn và bắt buộc áp dụng trong toàn trường.

Mọi hoạt động trong Trường Phan Huy Chú đều có thể sử dụng đến các ứng dụng của phần mềm mà trường đã mua bản quyền. 

"Trường chuẩn bị có một hoạt động ngoại khóa, để tham khảo ý kiến, lựa chọn điểm đến, người chủ trì hoạt động có thể sử dụng phần mềm khảo sát thông tin để tất cả giáo viên, học sinh đều biết, và chọn phương án họ thấy tốt nhất. 

Đó chỉ là một việc nhỏ để trường có thể tìm sự đồng thuận một cách chính xác và nhanh nhất" - cô Nguyễn Thị Châu Loan, giáo viên trẻ trong nhóm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin của trường, cho biết.

Ngoài việc dùng chung tài nguyên phục vụ việc dạy và học, nghiên cứu đổi mới sáng tạo bằng lưu trữ dữ liệu theo dạng đám mây, Trường Phan Huy Chú phát huy tối đa các ứng dụng kết nối và lớp học online phục vụ việc dạy học. 

Các ứng dụng Once Note hay Teams cho phép học sinh thực hiện ghi chú kiến thức, nhận trả bài tập qua mạng, giúp giáo viên quản lý lớp học của mình mà chỉ cần kiểm tra trên máy tính.

"Tôi muốn biết tối nay học sinh lớp A hay B sẽ phải hoàn thành bao nhiêu bài tập về nhà và bài tập của các môn nào, tôi có thể kiểm tra trong Teams. 

Đây là cách giáo viên có thể điều chỉnh việc giao nhiệm vụ cho học sinh để không chồng chéo, không quá tải trong tương quan giữa môn mình dạy với các môn học khác. 

Giáo viên cũng có thể tương tác để trao đổi, giải đáp thắc mắc ngay cho học sinh ở đây, theo dõi quá trình tự học và nhận bài tập do học sinh hoàn thành" - thầy Huy nói. 

Với ứng dụng này, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh cũng có thể theo dõi thành quả học tập của con mình.

Một ứng dụng nữa cũng đang được các giáo viên áp dụng là Skype trong việc kết nối trực tuyến giữa các lớp ở trường, lớp học giữa các trường và lớp học của trường với một lớp học của học sinh nước ngoài. 

"Học sinh Phan Huy Chú từng có những kết nối với học sinh nước ngoài để giao lưu bằng tiếng Anh, nghe các chuyên gia nói chuyện, giảng bài qua Skype, thậm chí qua ứng dụng này giáo viên có thể chia sẻ màn hình trình chiếu, ghi lại bài giảng của các chuyên gia để học sinh xem đi xem lại" - một giáo viên của trường cho biết.

Trong thời đại công nghệ phát triển thì nhà trường phải tiếp cận và giúp học sinh có những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới. Muốn thế thì giáo viên phải thay đổi trước.

Thầy Trần Văn Huy

Ước mơ tạo nên sự lan tỏa

Tháng 10-2018, ban quản trị hệ thống Microsoft Office 365 của Trường THPT Phan Huy Chú có hai buổi trao đổi thông tin, hướng dẫn cho các cán bộ quản lý và giáo viên của 15 trường THPT ở huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Hà Nội. 

Đây chỉ là hai đợt gần nhất trong nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm về mọi mặt, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin của Trường THPT Phan Huy Chú với các trường bạn.

Có một điểm rất thú vị là một trong số những người chia sẻ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào những công việc cụ thể, đặc biệt là quản lý, tương tác với học sinh và thiết kế bài giảng, chuyên đề giáo dục là một cô giáo dạy văn không còn trẻ và tưởng chừng rất "mơ màng" với công nghệ thông tin.

"Tôi thường trao đổi sâu về vấn đề kỹ thuật, còn việc ứng dụng như thế nào vào giảng dạy, cách xử lý cụ thể thì cô Nguyễn Kim Anh sẽ trao đổi với các đồng nghiệp. Cô Kim Anh cũng là một minh chứng cho việc không phải cứ người trẻ mới thích ứng được với công nghệ. 

Trên thực tế, cô ấy là người rất nhanh trong việc áp dụng các ứng dụng để thực hiện các ý tưởng sáng tạo trong dạy học" - thầy Trần Văn Huy trao đổi.

Cô Nguyễn Kim Anh cho biết nhóm quản trị mạng ở Trường Phan Huy Chú đều vui và sẵn lòng chia sẻ với đồng nghiệp, có khi là ở ngay Hà Nội nhưng cũng có khi phải đi xa. 

"Cũng có người không hiểu nghĩ chúng tôi rỗi hơi đi làm những việc không công. Nhưng khi những điều tốt mình làm được lan tỏa, đó là điều tuyệt vời".

5 phút kiểm tra bài cũ

Theo thầy Trần Văn Huy, thông thường vào đầu các tiết học, giáo viên sẽ kiểm tra việc học sinh học bài cũ bằng cách gọi 1-2 học sinh lên bảng để hỏi. Việc này có thể chiếm 10 phút.

Nhưng nếu ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên có thể đặt câu hỏi cho tất cả học sinh trên lớp và qua phần mềm kết nối học sinh đều nhận được câu hỏi và trả lời chỉ trong khoảng năm phút.

Tôi may mắn nhận 7 từ Tôi may mắn nhận 7 từ 'nặng ngàn cân' từ một người thầy

TTO - Những ngày tháng 11, tôi đọc được bài viết '7 từ nặng ngàn cân trong giáo dục' trên Tuổi Trẻ Online và nhận ra mình may mắn khi từng nhận được 7 từ ấy từ thầy hiệu trưởng nay đã về hưu.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên