07/04/2025 09:41 GMT+7

Những người Nhật 10 năm nhặt rác ở Việt Nam

Người Nhật dọn rác ở vận động trường World Cup, dọn rác ở hồ Gươm, và tại TP.HCM cũng có một nhóm người Nhật cùng các tình nguyện viên Việt đều đặn làm sạch các công viên mỗi cuối tuần.

nhặt rác - Ảnh 1.

Có khoảng 20 - 40 người trong nhóm tình nguyện nhặt rác đều đặn vào mỗi cuối tuần - Ảnh: AN VI

8h sáng, hơn 40 tình nguyện viên gồm cả người Nhật và Việt tập trung trước Bưu điện TP.HCM. Họ nhận túi đựng rác, cây gắp rác… rồi bắt đầu công việc làm sạch thành phố.

90 phút làm sạch công viên

Người chuẩn bị áo cùng các dụng cụ cho nhóm là anh Kenta Fuji (46 tuổi) - đang làm việc tại TP.HCM, đồng thời cũng là người lập nhóm "Tình nguyện Nhật Bản & Việt Nam" với gần 3.500 người tham gia trên Facebook. Đây cũng là nơi anh cùng các thành viên khác trao đổi thời gian, địa điểm dọn rác mỗi cuối tuần.

Chỉ với thông báo ngắn gọn, cũng chẳng cần ai xác nhận tham gia, ấy vậy mà đúng 8h chủ nhật vẫn rất đông tình nguyện viên có mặt. Họ là người Nhật đang sống tại TP.HCM, thậm chí lặn lội từ Bình Dương lên từ rất sớm để tham gia hoạt động.

Một tràng pháo tay chào mừng nhóm tập họp đông đủ, và tràng pháo tay nữa dành cho những người lần đầu tham gia hoạt động. Ngay sau đó, cả nhóm bắt đầu công việc.

Hôm nay, nhóm nhặt rác tại khu vực Bưu điện TP, nhà thờ Đức Bà và công viên 30-4… Dưới ánh nắng sớm mai dịu nhẹ, họ khoác đồng phục giản dị cần mẫn dọn dẹp từng tán cây, bãi cỏ, chân ghế đá.

Những người đàn ông Nhật ở độ tuổi trung niên, dáng vẻ trầm lặng nhưng đôi tay không ngừng hoạt động, dùng chiếc kẹp dài nhặt tàn thuốc bị vứt dưới gốc cây. Kế bên, bạn trẻ người Việt cũng nhanh nhẹn quét rác vào túi, thỉnh thoảng trao đổi với ông vài câu tiếng Nhật còn ngượng nghịu.

Trong số đó, thấp thoáng bóng nhỏ xíu của vài đứa trẻ. Chúng được ba mẹ dắt theo, vừa là dịp đi chơi cuối tuần cũng vừa để rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường.

Như bé Võ Khánh Quỳnh (4 tuổi) theo ba Võ Tấn Hưng (47 tuổi) từ Bình Dương lên quận 1 để cùng nhặt rác với ba. Bé con nhỏ xíu với chiếc áo đồng phục phùng phình tới chân, cầm cây nhặt rác lon ton khắp nơi trước quảng trường nhà thờ khiến nhiều du khách thích thú.

Nhiều khách nước ngoài thấy hành động ý nghĩa của hai cha con đã chủ động cầm rác đến bỏ nhờ vào bịch, xoa đầu bé Quỳnh rồi nhẹ nhàng nói "thank you!" một cách trìu mến.

Những người Việt ngồi uống cà phê sáng đối diện khi thấy nhóm người Nhật nhặt rác đi ngang cũng vội tìm trên mạng câu cảm ơn bằng tiếng Nhật "arigato!" để thốt lên lời.

Đến khoảng 9h30, tình nguyện viên ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi song nụ cười vẫn hiện trên môi khi hàng chục túi rác được gom. Anh Kenta Fuji nói hoạt động kéo dài khoảng 90 phút, có tuần công viên ít rác chỉ dọn khoảng 60 phút là xong.

"Sau đó mọi người sẽ cùng ngồi cà phê với nhau để làm quen rồi bàn xem tuần sau sẽ dọn tiếp như thế nào", anh Kenta Fuji vui vẻ chia sẻ thêm.

nhặt rác - Ảnh 2.

Anh Kenta Fuji lập nhóm nhặt rác đã gần 10 năm - Ảnh: AN VI

10 năm hành trình

Mỗi tuần số lượng thành viên tham gia khoảng 20 - 40 người, tính đến nay anh Kenta Fuji thống kê đã lên đến 5.000 người tham gia. Chính bản thân anh cũng bất ngờ vì 10 năm trước, trong những ngày đầu tiên nhặt rác, chỉ có anh cùng ba người bạn tham gia.

"Tôi viết một bài kêu gọi nhặt rác trên Facebook, lúc đầu nhận được sự hưởng ứng của vài người bạn, sau đó tôi lập nhóm, rồi mọi người đến hỗ trợ tôi ngày một đông hơn", anh Kenta Fuji nhớ lại.

Chúng tôi trò chuyện với anh thông qua phiên dịch, nhưng trong ngữ điệu và ánh mắt của mình, sự chân thành của anh Kenta Fuji là điều có thể cảm nhận được khi anh chia sẻ hành trình 10 năm thiện nguyện: 

"Tôi đến Việt Nam 10 năm trước, bắt đầu hoạt động từ đó. Lý do đơn giản bởi nhặt rác đã thành thói quen của chúng tôi. Quan trọng hơn, đó là một trong nhiều cách tôi muốn trả ơn đất nước Việt Nam nơi tôi đang sinh sống, làm việc" - anh Kenta Fuji chân tình chia sẻ.

Anh cũng khẳng định mình chẳng ngại ngùng gì khi đi nhặt rác mà xem đó là niềm vui cuối tuần cùng bạn bè. Anh cho biết vui nhất khi gặp người Việt biết nói tiếng Nhật, họ sẽ nói "cảm ơn nha!" bằng tiếng Nhật rất dễ thương.

Tuy nhiên, trong hành trình 10 năm ấy, người đàn ông xứ Phù Tang đôi lúc cũng chạnh lòng khi thấy thành quả những công viên sạch rác anh nhặt hôm trước ngay hôm sau lại nhan nhản rác trở lại.

"Thật ra thì tôi không giận đâu, chỉ tiếc nuối một chút vì thành quả hôm trước của tôi và nhóm. Cũng đành chấp nhận vì không thể nào có chuyện sạch bóng rác hoàn toàn được. Hy vọng hành động của chúng tôi giúp mọi người có thể cải thiện ý thức hơn", anh Kenta Fuji gửi gắm.

Hành động của nhóm còn mang lại hiệu quả tức thì, điển hình là nhiều người uống cà phê bệt ở khu công viên thỉnh thoảng lại bỏ quên ly nhựa. Khi thấy nhóm nhặt rác, họ tự ý thức quay lại nhặt ly mang đến sọt rác.

nhặt rác - Ảnh 3.

Anh Võ Tấn Hưng và con gái bé thơ từ Bình Dương lên TP.HCM tình nguyện nhặt rác - Ảnh: AN VI

Cơ hội giao lưu, học hỏi Việt - Nhật

Trong nhóm gần 40 người nhặt rác hôm nay, nhiều người không làm việc hay sống tại TP.HCM nhưng vẫn tham gia.

Lý giải điều này, anh Võ Tấn Hưng cho biết mình đang làm tại một công ty bảo trì cơ khí của Nhật. Anh cũng đang học thêm tiếng Nhật để phục vụ công việc nên những hoạt động cộng đồng cùng người Nhật như thế này chính là cơ hội thực tế để anh được cọ xát.

Bập bẹ mấy câu tiếng Nhật chưa thành thạo, Hưng thở phào khi nhiều người Nhật vẫn hiểu và đáp lại. Những cuộc trò chuyện như thế đã tăng khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ mới cho người đàn ông 47 tuổi.

"Ngoài ra mình cũng thật sự muốn tham gia hoạt động môi trường như thế, đôi khi thấy đường sá chúng ta rác nhiều quá cũng mắc cỡ nhưng không tiện dừng để nhặt. Vì vậy hoạt động này là cơ hội rất tốt để tôi và con gái góp phần cải thiện môi trường", anh Hưng chia sẻ.

Thời gian làm việc trong môi trường công ty Nhật Bản, anh nhận xét ý thức bảo vệ môi trường của họ rất cao. "Mình trân trọng, học hỏi đức tính quý của họ. Về nhà mình cũng luôn dặn con gái phải bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, nay dắt bé đi theo cũng hăng hái lắm", anh Hưng cười nói.

Là giáo viên dạy tiếng Nhật ở Bình Dương, chị Khánh Vũ (43 tuổi) cũng dắt học viên mình lên TP.HCM để nhặt rác và trau dồi khả năng giao tiếp ngôn ngữ này.

Chị chia sẻ mình tham gia hoạt động nhặt rác cùng anh Kenta Fuji suốt 8 năm qua. Các buổi hoạt động này cũng được cô giáo lồng ghép vào chương trình dạy của mình như một tiết học luyện nói với người bản xứ.

"Học viên của tôi lúc đầu ngại lắm, nhưng nhờ anh chị người Nhật vui vẻ cười nói và sửa sai phát âm nên các bạn ngày càng tiến bộ trông thấy", chị Khánh Vũ cho biết thêm.

Cũng theo chị, rào cản ngôn ngữ hầu như không tồn tại với người tham gia hoạt động này. "Đa số anh chị trong nhóm đều đã sống ở Việt Nam được một thời gian dài, khi học viên tôi nói tiếng Nhật không hiểu họ vẫn có thể đáp lại bằng tiếng Việt, đương nhiên là không được sành sỏi như chúng ta thôi", chị Vũ cười nói.

Không ít bạn trẻ Nhật tham gia hoạt động nhặt rác này để tăng cường vốn tiếng Việt. Những người như chị Vũ, anh Hưng chính là cầu nối trong các buổi cà phê sau khi nhặt rác, giúp người Nhật học tiếng Việt dễ hơn và ngược lại.

Kenta Fuji cũng vui khi thấy 10 năm qua các khu vực anh nhặt rác đã có sự cải thiện đáng kể. Bằng chứng số rác mỗi năm nhóm nhặt đã giảm đi, cùng với đó là sự hưởng ứng tích cực của nhiều người Việt hơn.

Những người Nhật 10 năm nhặt rác ở Việt Nam - Ảnh 4.Đêm cuối tuần với công nhân quét rác

Sau những cuộc vui cuối tuần, sự kiện, lễ hội, đêm tàn cũng là lúc người công nhân môi trường với chiếc chổi tre lại ra đường dọn dẹp rác thải. Kết thúc đêm vui, dòng người ồ ạt ra về để lại rác thải nằm vương vãi khắp đường phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên