09/08/2023 12:46 GMT+7

Những người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 1: Chàng ngư dân Hy Lạp 'đánh bắt rác' khỏi biển khơi

Tại sao chúng ta chỉ biết đánh cá mà mặc kệ biển cả ngày càng ô nhiễm? Tại sao chúng ta chỉ than khóc trước lũ quét và sạt lở làm chết người? Tại sao chúng ta chỉ biết buồn tiếc khi động vật hoang dã đang chết dần chết mòn trên hành tinh?

Lefteris phát biểu ở lễ trao giải The Gravity Wave, giải thưởng dành cho những người hành động vì mục tiêu chấm dứt rác thải nhựa trên biển, ở Tây Ban Nha - Ảnh: Washington Post

Lefteris phát biểu ở lễ trao giải The Gravity Wave, giải thưởng dành cho những người hành động vì mục tiêu chấm dứt rác thải nhựa trên biển, ở Tây Ban Nha - Ảnh: Washington Post

Tại sao chúng ta không đổi thay, khắc phục những điều tệ hại này? Và họ đã quyết định góp phần nhỏ bé để cứu lấy hành tinh...

Đó là hành trình đầu tiên của Lefteris Arapakis trên thuyền đánh cá, và anh đã không mong đợi vào thứ mà chiếc lưới kéo lên. Trong chiếc lưới, Lefteris không chỉ thu được những con cá nóc, cá mú và trích đỏ, mà còn những thứ khác: một lon Coca-Cola đỏ rực.

Thay đổi suy nghĩ từ mẻ lưới cá

Lefteris vẫn chăm chú nhìn theo chiếc lon dù người ngư dân khác đã lấy từ tay anh và ném nó trở lại biển. "Đó không phải thứ chúng ta được trả tiền để kéo lên", Arapakis nhớ lại lời người đó nói.

Hằng ngày, hàng ngàn ngư dân trên các thuyền đánh cá tại Địa Trung Hải kéo khỏi mặt nước không biết bao nhiêu chai lọ cũ, bọc nhựa, dép xỏ ngón và các mảnh vụn khác mắc trong lưới. Và mỗi ngày trôi qua, những người ngư dân ấy cũng chỉ giữ lại những thứ có thể mang lại lợi nhuận cho họ, còn lại đều bị ném thẳng xuống biển.

Chứng kiến cảnh tượng tệ hại này, Arapakis, chàng trai người Hy Lạp, quyết định sẽ thuyết phục ngành công nghiệp đánh bắt cá rằng xử lý rác thải nhựa cũng là việc cần được triển khai. 

Năm 2016, chàng trai trẻ đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh làm sạch biển và giáo dục về việc đánh bắt cá mang tên Enaleia - một cách chơi chữ tiếng Hy Lạp gợi nhớ sự đánh bắt cá bền vững. Một ngày khi con thuyền trở về sau ngày thực hiện sứ mệnh thu gom rác nhựa, Arapakis đã không giấu được niềm hứng khởi khi thấy "chiến tích" là hai túi rác lớn với đầy nhựa. 

"Nếu chúng tôi không bắt tay vào làm, những thứ ấy sẽ cứ thế trôi nổi trên biển Địa Trung Hải mãi", Arapakis nói.

Bất cứ lúc nào có ngư dân mang rác thải về bờ, Lefteris sẽ thu gom, tái chế và trả công cho họ. Sau sáu năm tổ chức hoạt động, anh đã ký hợp đồng cùng hơn nửa đội tàu đánh cá có quy mô lớn ở Hy Lạp với hàng trăm tàu thuyền để gom rác thải nhựa mỗi khi họ làm việc trên biển. Và cũng từ đó, chàng trai trẻ đã dần có mong muốn được mở rộng dự án của mình ra toàn cầu.

Gia đình của Arapakis đã làm nghề đánh cá trải qua năm thế hệ. Cha anh luôn hy vọng anh có thể tiếp tục truyền thống gia đình bằng việc cho anh làm thêm công việc rửa thuyền vào mùa hè và bán cá ở chợ. Thế nhưng Arapakis hiểu rằng anh không muốn dành cả đời lênh đênh trên con thuyền chỉ để kéo lên những mẻ cá, mà anh muốn vớt lên khỏi mặt nước những chai lọ, hộp nhựa dù cho điều đó nghe có hơi lạ lẫm với một số người.

Lefteris Arapakis đang thu gom rác thải từ biển Địa Trung Hải - Ảnh: Washington Post

Lefteris Arapakis đang thu gom rác thải từ biển Địa Trung Hải - Ảnh: Washington Post

Khi mới bắt đầu, để thuyết phục được những ngư dân tham gia công việc ý nghĩa của Arapakis là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi chàng trai trẻ rất nhiều thời gian và công sức gặp gỡ trực tiếp họ ở những nơi khác nhau. Những người không phải lúc nào cũng có thể cảm thấy gắn kết được với các nhà hoạt động vì môi trường, bởi họ tin rằng những người mong xây dựng lại hành tinh xanh chỉ đang muốn cướp đi kế sinh nhai của họ.

"Thời gian đầu, những ngư dân đã chế giễu chúng tôi. Họ nói rằng chúng tôi không phải là những người gom rác", Arapakis chia sẻ. Để có được niềm tin từ họ, anh thường bắt đầu bằng câu nói: "Có lẽ mọi người đã biết gia đình tôi. Chúng tôi đánh bắt cá ở Piraues". 

Vì quy mô ngành đánh bắt cá ở Hy Lạp không quá rộng lớn, nên không khó để họ nhận ra tiếng tăm gia đình anh. Thường thì để những người đánh cá tin tưởng, Arapakis phải cùng họ ăn và uống ouzo, loại rượu thảo dược nổi tiếng của Hy Lạp, tiếp theo anh mới dần lựa lời nói chuyện với họ.

Ngoài ra, mỗi khi đến một bến cảng mới, anh còn phải tìm cách thuyết phục được cơ quan chức năng cho phép lưu giữ lại những món đồ nhựa đã không còn giá trị sử dụng, và tìm tòi những tuyến đường mới đến các cơ sở tái chế.

Trả lại sự trong xanh cho đại dương

Sau khi Arapakis đẩy mạnh dự án của mình trên khắp Hy Lạp và một phần ở Ý, chàng trai trẻ mong đợi sẽ thu về khoảng 200 tấn rác nhựa - đủ để lấp đầy một sân bóng đá. Dần dà, điều anh làm đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã trao cho anh danh hiệu Nhà vô địch Trái đất trẻ tuổi vào năm 2020 - đây là vinh dự cao nhất trong lĩnh vực môi trường dành cho những người dưới tuổi 30.

Giờ đây, tổ chức do Arapakis thành lập, Enaleia, trả cho các đội đánh cá một khoản tiền hằng tháng cho số nhựa mà họ thu thập được - từ 30 đến 90 đô la cho mỗi thành viên trong đoàn, tùy thuộc lượng rác nhựa họ đem về. Nguồn tài trợ đến từ các quỹ hỗ trợ tổ chức - chủ yếu là các nhóm Hy Lạp, cùng các nhà tài trợ quốc tế như Ocean Conservancy, Nestlé và Pfizer... Người ta có thể tái chế vật liệu rác đó để làm tất, ba lô và giày.

Lefteris Arapakis cùng ngườingư dân thu gom rác nhựatrôi nổi trên biển Địa Trung Hải - Ảnh Washington Post

Lefteris Arapakis cùng ngườingư dân thu gom rác nhựatrôi nổi trên biển Địa Trung Hải - Ảnh Washington Post

Trả lời trên Washington Post, Lefteris cho biết dự định mở hoạt động của mình ở những nơi khác: Kenya chính là điểm đến gần nhất của anh, sau đó sẽ là Ý và Cộng hòa Cyprus. Một địa điểm khác cũng nằm trong mục tiêu của anh là Ai Cập, nơi có sông Nile mang lượng lớn rác nhựa đổ thẳng ra biển Địa Trung Hải.

Ở Kenya và những nơi khác, chương trình của Arapakis rất có tiềm năng trong việc tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thông qua việc trả công cho những ngư dân cao hơn những gì họ đem lại bằng việc đánh cá, để từ đó họ sẽ hướng đến việc thu gom nhựa từ biển cả. Điều này giúp số lượng cá được phục hồi và mỗi người ngư dân sẽ mang về được số lượng rác nhựa nhiều hơn.

Arapakis hiểu những nỗ lực của anh trong công cuộc làm sạch biển khơi chỉ là nhỏ bé khi đặt trên cán cân về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, nhưng chí ít đó vẫn là một cách để trả lại sự trong xanh vốn có cho biển cả.

Nhưng Arapakis cũng biết rằng dù có sự cố gắng của tổ chức Enaleia, đó cũng sẽ không đủ để dọn sạch Địa Trung Hải. "Dọn rác ở biển không phải là cách khắc phục vấn đề, cái chúng ta cần là thay đổi từ gốc rễ, không chỉ đơn thuần là giải quyết ở phần ngọn". Thế nên Enaleia đã triển khai một số hoạt động nâng cao ý thức ngư dân, như khuyến khích họ tái chế chiếc lưới đánh cá cũ thay vì vứt chúng xuống biển.

"Tôi không thể hoàn toàn lật ngược tình thế về vấn đề khí hậu, nhưng tôi có thể thay đổi quan điểm của cha tôi và một số người làm việc cùng ông ấy về việc thu gom rác nhựa của tôi. Sau đó, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động của mình đến các cộng đồng ngư dân khác ở Hy Lạp, tiếp đến là Ý và khu vực Địa Trung Hải", nhà hoạt động vì môi trường chia sẻ.

Những doanh nghiệp lớn như Adidas đã bắt đầu sản xuất giày và quần áo làm bằng nhựa đến từ đại dương. Cho đến nay, phần nhiều nhựa tái chế của Arapakis cũng được kết hợp với loại nhựa tái chế chất lượng cao để tạo nên những thành phẩm đồ nội thất.

Anh còn gửi những chiếc lưới đánh cá đã qua sử dụng cho các công ty ở Tây Ban Nha và Hà Lan để có thể "hô biến" chúng thành những chiếc ba lô và cả những mặt hàng thời trang khác. Chàng trai trẻ này thậm chí đã tặng những món quà bao gồm các đôi tất được làm từ nhựa tái chế cho tổng thống Hy Lạp ở một buổi tiệc có sự góp mặt của anh.

-------------

Kỳ tới: Tôi và bạn hãy góp phần giảm bớt sự nóng lên toàn cầu

Là người đi lại bằng xe đạp, nhưng ông vẫn xấu hổ khi phát hiện mình tiêu thụ nhiều năng lượng không có lợi cho việc bảo vệ hành tinh xanh này.

Người nước ngoài dọn rác trên bãi biển, 50 bà con xắn tay vô phụNgười nước ngoài dọn rác trên bãi biển, 50 bà con xắn tay vô phụ

TTO - Sáng 21-3, tại bãi biển Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hưởng ứng lời kêu gọi của một nhóm du khách nước ngoài, khoảng 50 người dân địa phương đã cùng dọn rác, trả lại sự sạch đẹp cho bãi biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên