10/07/2015 14:40 GMT+7

Những người "đỡ đẻ" cho rùa biển

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TT - Cần mẫn, kiên trì, tỉ mỉ, chăm chút, những “bà đỡ” của rùa biển đang làm nhiệm vụ hồi sinh, nảy nở loài động vật nằm trong “sách đỏ”.

Rùa biển mẹ mang số hiệu “VN 1561” đẻ trứng vào đêm cuối tháng 6-2015 - Ảnh: Đông Hà
Rùa biển mẹ mang số hiệu “VN 1561” đẻ trứng vào đêm cuối tháng 6-2015 - Ảnh: Đông Hà

Từ hơn 20 năm qua, lực lượng kiểm lâm Côn Đảo đã “đỡ đẻ” cho hàng chục ngàn tổ và thả về tự nhiên hàng triệu con rùa biển (còn gọi là vích). 

Có thể nói Côn Đảo là vương quốc của rùa biển. Hằng năm cứ vào mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 11 (trong đó tập trung tháng 6, 7, 8), hàng trăm con rùa mẹ lại kéo nhau về đây đẻ trứng, duy trì nòi giống.

Những điểm rùa biển lên đẻ trứng là hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn, hòn Cau, hòn Tài, bãi Dương, bãi Bàng, bãi Ông Đụng, bãi Ông Cường, bãi Đất Thắm, trong đó hòn Bảy Cạnh là nơi chiếm tới 90% số lượng rùa biển đẻ trứng ở Côn Đảo.

Trắng đêm với rùa!

Thật thú vị khi được chứng kiến cảnh rùa biển “dò bãi”, tìm nơi “lót ổ”, đẻ trứng rồi ngụy trang tổ trứng của mình.

Một đêm cuối tháng 6 -2015, chúng tôi được các anh kiểm lâm trạm Bảy Cạnh dẫn đi xem rùa đẻ trứng tại bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh. Trong đêm tối mịt mờ, nhìn ra biển chúng tôi chỉ thấy một màu đen.

Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Anh, quyền trạm trưởng, bỗng thì thào với tôi: “Một vích mẹ đang bò lên bãi!”. Tôi cố nhìn nhưng vẫn không thấy vích đâu. Nhưng chỉ khoảng vài phút sau, có một bóng đen lồm cồm bò từ dưới biển lên trên bãi cát. Đó là một rùa mẹ.

Anh Nguyễn Văn Anh giải thích với chúng tôi nếu rùa mẹ nào bò thẳng từ biển lên bãi, chứng tỏ nó lên để đẻ trứng. Còn con nào lên bãi mà bò ngang thì chỉ đi “dò bãi”, tìm nơi đẻ trứng rồi lại xuống biển để hôm khác mới lên đẻ.

Chậm rãi, từ từ, con rùa biển bò đến sát một lùm cây và bắt đầu đào lỗ đẻ trứng. Nó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50-60cm, rộng khoảng 20cm và bắt đầu đẻ trứng.

Từng đợt một, những quả trứng vích hình giống như quả bóng bàn rơi xuống lỗ. Sau khi đẻ xong, rùa biển lại dùng chân sau đưa cát lấp lỗ và ém chặt.

Và sau khi lấp xong ổ trứng, rùa biển lại tiếp tục dùng chân sau lấp xung quanh ổ trứng với chiều dài 5-6m để ngụy trang cho tổ trứng của mình.

Lúc rùa bắt đầu đẻ trứng cũng là lúc nhân viên kiểm lâm bắt đầu làm bà đỡ. “Rùa biển rất nhạy âm thanh và ánh sáng lúc lên bãi, nếu bị kinh động nó sẽ bò xuống biển trở lại hoặc đang đẻ sẽ ngừng” - anh Anh nói.

Lúc này, kiểm lâm viên Nguyễn Viết Hoàn mới dùng một đèn pin nhỏ buộc vào chiếc que để chiếu ánh sáng vào tổ. Ánh sáng của đèn pin chỉ là tia sáng vừa đủ nhìn vào tổ rùa. Trên chiếc que này có một tấm bìa cứng ghi thông tin: ngày tháng năm rùa đẻ, tổ thứ bao nhiêu và có bao nhiêu trứng.

Khi rùa biển đã rời khỏi tổ đẻ, quay về với biển là lúc các kiểm lâm viên nhẹ nhàng dùng tay đào cát lên lấy từng quả trứng cho vào giỏ lưới mang về lò ấp. Con rùa này đã đẻ tổng cộng 155 trứng.

Anh Nguyễn Văn Trà, hạt phó Hạt kiểm lâm Côn Đảo, cho biết nếu lấy sau sáu giờ, trứng rùa sẽ bị vỡ vì trứng rùa khác với các loài trứng khác là không có dây phôi nâng đỡ.

Khi trứng rùa đưa về đến lò ấp, một nửa sẽ được cho vào lò có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào lò được phủ tấm lưới chống nắng bên trên.

Anh Trà cho biết việc này chính là để điều tiết giống rùa khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được đực - cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Cụ thể, nếu có ánh sáng nhiều, nhiệt độ cao trứng sẽ nở ra con đực và ánh sáng ít, nhiệt độ thấp trứng nở con cái.

Suốt đêm đến rạng sáng chúng tôi xem rùa đẻ, có tổng cộng 18 rùa mẹ bò lên bãi Cát Lớn, trong đó có chín con đẻ trứng, chín con khác chỉ lên để “dò bãi”.

Ngoài việc đỡ đẻ cho rùa, những kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Côn Đảo còn phải làm nhiệm vụ bấm thẻ cho rùa mẹ để theo dõi. Rùa mẹ đầu tiên đẻ trứng hôm chúng tôi được theo dõi, ghi hình có số hiệu “VN 1561”, có nghĩa rằng con rùa này từng lên Côn Đảo đẻ trứng và đã được bấm thẻ.

Nếu rùa mẹ nào chưa có thẻ thì ngay lập tức sẽ được bấm thẻ. Việc bấm thẻ là để theo dõi xem có bao nhiêu rùa biển quay trở lại Côn Đảo đẻ trứng.

Kiểm lâm viên Nguyễn Viết Hoàn đưa 155 trứng rùa về lò ấp nhân tạo - Ảnh: Đông Hà
Kiểm lâm viên Nguyễn Viết Hoàn đưa 155 trứng rùa về lò ấp nhân tạo - Ảnh: Đông Hà

Cuộc chiến với “rùa tặc”

Hòn Bảy Cạnh chỉ có tám “bà đỡ” (kiểm lâm viên) nhưng phải đảm đương ba bãi rùa biển lên đẻ trứng là Cát Lớn, Ximăng và bãi Cạn. Vào mùa rùa biển sinh sản, những kiểm lâm viên chia nhau đến ba bãi này.

Một balô, một đèn pin và giỏ đựng trứng rùa, họ phải đi vòng quanh bãi từ đầu đêm đến sáng sớm mới về trạm.

Những người này đùa rằng cả VN này, chỉ có kiểm lâm ở Côn Đảo là không phải bảo vệ rừng hay động vật rừng mà bảo vệ rùa biển - một loài hải sản. Và cuộc chiến với “rùa tặc” của những kiểm lâm ở đây cũng khó khăn, thử thách vô cùng.

Những kiểm lâm viên ở hòn Bảy Cạnh cho biết trứng rùa biển luôn bị rình rập lấy trộm. Cho dù lò ấp trứng rùa ở hòn Bảy Cạnh ngay sát trạm kiểm lâm, nhưng nhiều lần bị đột nhập dù có nuôi nhiều chó và hồ ấp được rào chắn cao.

Ngoài một lớp hàng rào bao quanh hồ ấp bằng lưới B40, cao gần 2m, kiểm lâm hòn Bảy Cạnh còn sáng chế những móc câu loại lớn treo quanh hàng rào để kẻ trộm khi vào hồ sẽ vướng vào móc câu.

Và kiểm lâm cũng dùng một số mẹo nhỏ để nhận biết khu vực bảo vệ có bị người lạ đột nhập hay không.

Không chỉ đối mặt và luôn phải sẵn sàng đối phó với “rùa tặc”, thử thách lớn nhất đối với họ chính là sự không cân sức giữa một bên là sự hỗ trợ của Nhà nước cho các “bà đẻ” và một bên là giá trứng rùa biển bán ngoài thị trường.

Hiện tại khi cứu hộ, “đỡ đẻ” được một tổ rùa, cả tám kiểm lâm viên của hòn Bảy Cạnh chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng. Trong khi đó, mỗi quả trứng rùa bán ngoài chợ đen giá xấp xỉ 100.000 đồng.

Tuy nhiên, với những “bà đỡ” ở hòn Bảy Cạnh, niềm vui sướng, hạnh phúc nhất chính là lúc thả những chú rùa con về biển. Kiểm lâm viên Nguyễn Viết Hoàn tâm sự: “Khi nhìn hàng trăm rùa biển con bò lổm ngổm từ bãi cát xuống biển, tụi em rất vui”.

Anh Trà cho biết nếu kiểm lâm ở Côn Đảo bị phát hiện có dấu hiệu móc nối với người ngoài để lấy trứng rùa biển, ngay lập tức sẽ “xử lý kỷ luật từ buộc thôi việc đến truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, theo anh Trà, tất cả những “bà đẻ” ở Côn Đảo đều là người yêu thiên nhiên, yêu động vật nên đến nay chưa phát hiện trường hợp nào đưa trứng rùa ra ngoài bán.

Hôm chúng tôi đến hòn Bảy Cạnh, có gần 200 chú rùa con đã nở, chui lên từ những tổ trong lò ấp. Lúc này các kiểm lâm viên nhặt gom rùa con cho vào thùng nhựa đưa ra biển.

Anh Nguyễn Văn Anh cho biết rùa biển rất nhạy để nhận biết hình ảnh nơi chúng sinh ra. Và khi trưởng thành, rùa biển sẽ quay lại chính nơi chúng đã chào đời để đẻ trứng.

Do đó, khi thả rùa về biển, phải thả từ trên bãi cát để chúng tự bò xuống biển. Đường bò xuống biển chỉ cỡ vài chục mét bờ cát, nhưng rùa biển đã ghi nhận hình ảnh về nơi chúng sinh ra.

Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh thả rùa con về biển - Ảnh: Đông Hà
Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh thả rùa con về biển - Ảnh: Đông Hà

Rùa giao phối 72 giờ

Theo số liệu thống kê của Vườn quốc gia Côn Đảo, từ năm 1990 - 2015 đã có hàng ngàn lượt rùa biển đến Côn Đảo đẻ trứng, trong đó có hơn 20.000 tổ rùa với hơn 2 triệu quả trứng. Và đã có xấp xỉ 2 triệu rùa con được thả về biển.

Trong đó, riêng năm 2014 rùa đã lên các bãi biển Côn Đảo đẻ gần 1.400 tổ và kiểm lâm đã thả về biển gần 57.000 rùa con.

Còn năm 2015, tính đến hết tháng 6 rùa đã “sinh hạ” khoảng 500 tổ trứng và nở được 2.000 con. Vườn quốc gia Côn Đảo được Trung tâm sách kỷ lục VN công nhận là nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất VN.

Anh Nguyễn Văn Trà, hạt phó Hạt kiểm lâm Côn Đảo (thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo), cho biết từ những năm đầu thập kỷ 1990, công tác bảo vệ, cứu hộ rùa biển, trứng rùa biển đã được bắt đầu.

Ban đầu việc “đỡ đẻ” chỉ đơn giản là đánh dấu những tổ rùa trên bãi cát, để rùa nở tự nhiên, rồi theo dõi chúng ra biển.

Nhưng việc này không thể bảo đảm tối đa lượng trứng rùa nở thành công vì chịu nhiều tác động như bị người lấy trộm, tổ rùa bị ngập nước, trứng rùa bị động vật khác ăn, rùa đẻ sau đào phải tổ rùa đẻ trước.

Sau này, những “bà đẻ” phải can thiệp sâu hơn là phải theo dõi, quan sát rùa từ khi lên bờ “dò bãi” đến khi đẻ xong để lấy trứng về và ấp trứng bằng những tổ nhân tạo. Sau 45 - 60 ngày, trứng nở thì thả rùa về biển.

Anh Trà cho hay rùa biển là loài sinh vật khá đặc biệt từ lúc sinh sản đến khi trưởng thành. Cụ thể, để thụ thai rùa đực và rùa cái phải giao phối đến 72 giờ. Và đến mùa sinh sản, mỗi con rùa biển mẹ sinh đến 8-11 tổ, mỗi tổ từ 70 - 200 quả trứng.

Tuy sinh sản dày và nhiều nhưng ngược lại tỉ lệ sống sót và trưởng thành của rùa biển rất ít: 1/1.000.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên