09/01/2014 10:11 GMT+7

Những người đào thoát

LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH
LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH

TT - Ngồi tâm tình với chúng tôi, cả hai vợ chồng ông Tư Sĩ đều chung một nỗi niềm: “Rõ ràng cả nhà tui đã chết đi sống lại.

Kỳ 1: Thổ Chu - ký ức đau thương Kỳ 2: Trong tay Khmer Đỏ

ojbn6Jql.jpgPhóng to
Ông Tư Sĩ (trái) và người bạn già Ba Ảnh - hai người đã đào thoát được khỏi tay quân Khmer Đỏ - Ảnh: Quang Vinh

Đã gần 40 năm rồi nhưng tui vẫn không thể quên công ơn của người đã cứu sống cả gia đình. Kể lại chuyện này, mấy chú đưa lên báo, biết đâu nhờ ơn trên mà có khi gặp lại vị ân nhân năm ấy, người tài công quê Châu Đốc. Nếu không giờ cả nhà tui, năm người này cũng thành ma trên hoang đảo...”.

Sợi dây thừng cứu mạng

Ông Tư Sĩ kể rằng thuyền ông được tàu kéo nên tắt máy. Đêm đó biển lặng sóng, thuyền dập dềnh chạy sau đuôi lái, không biết lính Khmer Đỏ sẽ đưa mình đi đâu về đâu. Ba đứa con nhỏ của ông cũng không buồn khóc. Chúng còn nhỏ quá, chưa hình dung được chuyến đi mịt mù này. Tàu chạy suốt từ tầm lưng lửng tối đó ở bãi Ngự cho đến ba bốn giờ sáng, mặt biển tối sầm, chắc cũng gần đến đảo của Campuchia bỗng vợ chồng ông nghe một tiếng “phựt”. Chiếc thuyền bị hẫng ra, chao đảo, thì ra sợi dây kéo đã bị đứt. Định thần lại, chiếc tàu của quân Khmer Đỏ kéo thuyền chạy trước mắt cũng mất hút, không để lại một ánh đèn hay tiếng còi hụ nào. “Vợ chồng tui như đứng tim không biết chuyện gì đang xảy ra. Khi trên biển chỉ còn lại mình chiếc ghe nhỏ, tụi tui mới biết mình có thể thoát được”.

“Nhưng lúc đó vợ chồng tui quýnh quáng quá, không nghĩ gì chuyện kiểm tra xem sợi dây thừng bị đứt là do bị chặt hay là tự đứt. Mãi sau này khi về được hòn Mấu, vợ chồng tui mới nhớ lại anh tài công người Châu Đốc và chỉ có thể là anh đã chặt đứt dây, bởi dây thừng bện bằng sợi nilông của Thái to hơn ngón chân cái, còn rất mới nên rất khó đứt. “Tui nghĩ đó là người tài công, bởi trước đó anh này không chỉ khuyên vợ chồng tui nên xin tên chỉ huy Khmer Đỏ cho được buộc dây vào tàu Thái để kéo ghe đi, mà còn dặn vợ chồng tui không được nói với ai và biểu phải chuẩn bị đủ nhiên liệu dầu và máy nổ để dự phòng. Chắc anh ấy đã biết trước mọi chuyện và có ý cứu gia đình tui từ chiều hôm đó”.

Khi sợi dây vừa đứt, ông Tư vội giật máy nổ, và không như buổi chiều khi khiêng máy xuống thuyền giật tới bảy tám lần mới nổ. Lần này ông Tư chỉ giật một lần là máy nổ giòn giã. Bà Tư lo lắng: “Biết đường về hòn Mấu không ông?”. Ông Tư móc trong túi quần ra cái la bàn trả lời: “Biết sao không!”. Chiếc ghe với đầy đủ nhiên liệu được đem theo dự phòng trước đó đã bẻ hướng chạy thẳng về hòn Mấu.

Cuối buổi chiều 24-5, thuyền của cả nhà ông Tư Sĩ đã trông thấy rặng dừa trên hòn Mấu. Lúc đó cũng chỉ nghĩ đã về được với cha mẹ, được gặp lại hai đứa con gửi nhờ ông bà nuôi là mừng chứ đâu có nghĩ mình đã thoát khỏi cuộc thảm sát trong gang tấc! Ông Tư Sĩ vẫn hồ nghi những xóm giềng của mình ở bãi Ngự trên hai chiếc tàu đó rồi sẽ được đưa về Campuchia, có giam giữ một thời gian rồi cũng sẽ được trao trả, nào ngờ...

Về đến Hòn Mấu, ông Tư Sĩ mới biết rằng mấy hôm trước khi cả nhà ông thoát khỏi chuyến tàu áp tải về địa ngục đó, một người bạn của ông là Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh) đã tìm cách trốn khỏi Thổ Chu về báo tin quân Khmer Đỏ chiếm đảo. Thật may mắn khi tìm gặp ông Tư Sĩ, chúng tôi đã gặp luôn người bạn già Ba Ảnh của ông.

YbbDodK2.jpgPhóng to
Một góc Hòn Mấu, nơi có những nhân chứng còn lại của vụ thảm sát 513 cư dân Thổ Chu - Ảnh: Q.Vinh

Cuộc đào thoát của Ba Ảnh

“Khi quân Khmer Đỏ lên chiếm đảo là tui đã thấy không an tâm rồi - ông Ba Ảnh bộc bạch - đảo Thổ Chu là đảo của người VN, khi thất trận quân Sài Gòn có rút đi thì trước sau gì bộ đội ta cũng tiếp quản đảo này. Việc quân Khmer Đỏ nói rằng giải phóng giúp bộ đội VN trên hòn đảo đang có hàng trăm hộ dân là chuyện khó tin. Lại thấy chúng bắt dân đi xây hầm hào công sự càng khiến tui nung nấu ý đồ trốn thoát càng sớm càng tốt để về báo cho nhà chức trách. Hỏi “nhà chức trách” là ai, ông Ba Ảnh cười: “Thì “nhà chức trách” là bộ đội chớ ai nữa!”.

Ông Ba Ảnh đã kể lại với chúng tôi mưu kế để trốn thoát khỏi hàng rào kiểm soát vây quanh Thổ Chu của Khmer Đỏ. Buổi trưa hôm trước khi đi làm rẫy, ông Ảnh đến làm quen với tên chỉ huy phó tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ và xin được đi nhặt trứng nhàn (loại chim to như bồ câu sống nhiều trên đảo Thổ Chu). Tên chỉ huy phó đồng ý.

Đến buổi tối cùng ngày, ông Ảnh cùng người em rể lái chiếc ghe của mình ra chiếc tàu chiến của Khmer Đỏ đang neo đậu ở bãi Ngự để gặp lại và cho viên chỉ huy phó một rổ trứng nhàn cùng nhiều món hải sản quý hiếm khác. Ông Ảnh nài nỉ tên chỉ huy cho ông lái chiếc ghe về bãi sau nghỉ đêm để sáng mai đi chặt cây nhum và lượm trứng nhàn tiếp tục. Tên chỉ huy thấy ông Ảnh thật thà và biết điều nên gật đầu. Lợi dụng lúc chúng mất cảnh giác, hai anh em ông Ảnh đã tắt đèn lái ghe chạy thẳng về hòn Mấu ngay trong đêm đó.

Về đến hòn Mấu, ông Ảnh lập tức báo cho mọi người biết rằng hàng trăm người dân trên đảo Thổ Chu, trong đó có gia đình ông Tư Sĩ đang bị quân Khmer Đỏ quản thúc, có thể sẽ bị chúng đưa đi mất. Lời cảnh báo của ông Ảnh đã được ghi nhận nhưng ngày đó phương tiện thông tin liên lạc chỉ là nhắn nhe qua những chuyến thuyền, từ đất liền ra Thổ Chu phải hàng trăm cây số. Nhưng nhờ tin đó bộ đội VN đã có những hành động kịp thời.

Mười ngày sau khi nghe tin bộ đội đánh tan quân Khmer Đỏ, ông Tư Sĩ và ông Ba Ảnh đã lên thuyền trở lại Thổ Chu. Lúc đó trên bãi Ngự, ông Tư nhìn thấy chiếc ghe của gia đình Hai Nông và ghe của một gia đình khác bị chúng dòng dây kéo đi theo tàu cùng với thuyền của ông vào đêm 23-5. Xác chiếc ghe còn đó nhưng chủ của chúng đã không còn. Không biết còn sống hay đã chết. Bộ đội hải quân trên đảo kể lại khi đuổi đánh Khmer Đỏ đã tìm thấy và kéo được hai chiếc ghe về lại đảo Thổ Chu. Phải vài năm sau ông Tư Sĩ mới biết được sự thật về những bè bạn láng giềng của ông đã bị giết chết rất man rợ, không một ai trong số họ sống sót trở về.

Ở hòn Mấu chúng tôi còn gặp lại Nguyễn Văn Toại, con trai của ông Tư Sĩ. Khi chính quyền cũ lập xã Thổ Châu năm 1974, trên đảo có hàng trăm hộ dân với hàng chục đứa trẻ cùng trang lứa sáng chiều nô đùa trên bãi biển với Toại. Anh cứ nhớ mãi những ngày đảo Thổ Chu bị Khmer Đỏ xâm chiếm, ai ở nhà nấy, bạn bè của Toại không thấy ai ra bãi biển nữa. “Buổi tối khi bị Khmer Đỏ lùa mọi người xuống tàu, tui cố nhìn để tìm bạn bè người quen nhưng tất cả đã bị nhốt kín trong chiếc tàu cá”.

Gần mười năm sau (năm 1984), Nguyễn Văn Toại đã tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị C3, tiểu đoàn 561 hải quân đóng tại đảo Thổ Chu. Ngày ra đảo, Toại vui mừng khi thấy bia chủ quyền quốc gia ở gần trường học vẫn còn nguyên vẹn. Cảnh vật vẫn hoang sơ không khác trước, nhưng bạn bè tuổi thơ của anh không còn một ai. Hàng đêm khi tới ca trực đi tuần tra canh gác, Toại lại đi dọc bãi biển hòn Mun, bãi Giông, xóm Nẫu. Anh bảo rất nhớ ngôi trường làng mái lá ở bãi Ngự có thầy giáo rất hiền và những đứa bạn học. Sau chuyến tàu đêm 23-5-1975 đó, mãi mãi Toại không thấy được những người bạn thơ ấu lên chín lên mười của mình nữa.

________________

513 người dân VN bị quân Khmer Đỏ đưa sang một hòn đảo Campuchia và không ai trở về nữa. Đó là đảo nào? Chuyện gì xảy ra? Kỳ sau là tường thuật của một nhân chứng đã đặt chân đến đó hơn 30 năm trước...

Kỳ tới:Đây, chứng tích thảm sát Koh Tang

LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên