Trước đây bố Sơn của Về nhà đi con, bố Sinh trong Hương vị tình thân hay cha Mô trong Mẹ rơm… cũng khiến khán giả ấn tượng.
Giọt nước mắt của những người cha
"Sống cho ra thằng người con ạ. Đừng làm điều gì dại dột cho bố thất vọng, nhục nhã nữa", ông Lưu (Hoàng Hải) trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao nói với con trai, giọng nghẹn lại.
Trước những khuôn mặt bặm trợn của kẻ cho vay, ông Lưu hùng hổ tuyên bố: "Nợ thằng con, thằng bố sẽ trả. Đừng động vào con trai tao, cho dù một sợi tóc".
Cũng vì thằng con trai ấy, ông phải đi bán máu rồi bị choáng ngất xỉu, thậm chí chuẩn bị để bán đi quả thận của mình…
Cuộc đời ông Lưu tối tăm, nghèo khổ. Ông là người cha ít học, là chỗ dựa cả tiền bạc lẫn tinh thần cho cậu con đẹp trai, học giỏi nhưng thiếu kiến thức xã hội.
Một người cha khác, cũng nghèo rớt mùng tơi. Đó là Mô "gù" (Thái Hòa) trong phim Mẹ rơm. Chưa có vợ, vác trên lưng cái gù xấu xí nhưng tình yêu cha Mô với bé Hạt Dẻ mà anh nhận nuôi không gì so sánh được. Những cảnh diễn giữa Mô và bé Hạt Dẻ rất đáng yêu, chan chứa tình cha con.
Và có lẽ khán giả khó quên được bố Sinh (Võ Hoài Nam) trong Hương vị tình thân. Nhìn thấy con mà không dám nhận vì sợ hoàn cảnh mình ảnh hưởng đến cuộc sống của con, ông bao lần phải nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ dõi theo và bảo vệ con lúc cần thiết.
Trong khi đó, bố Sơn (Trung Anh) của Về nhà đi con từng gây bão trên màn ảnh nhỏ. Vợ mất sớm, ông tận tụy nuôi nấng ba cô con gái.
Đến tuổi về già, ông vẫn còn phải giải quyết những rắc rối của các con. Tình yêu người cha trong phim gần gũi đến mức khán giả đặt biệt hiệu cho ông là "ông bố quốc dân".
Một người cha khác tính cách đặc biệt hiện đang hiện diện trên màn ảnh nhỏ là ông Ba (Thanh Nam) trong Vạn dặm nhân sinh.
Đây là người cha hội tụ nhiều tính xấu như hay càm ràm, đòi hỏi con cái nhưng thực chất lại là người cha rất yêu các con của mình. Trước sự mất đoàn kết của các con, ông có vẻ bất lực và tìm cách giải rối theo hướng riêng.
Tình yêu của cha lạ lắm
Điểm qua các phim về cha trong khoảng bốn năm qua, dễ dàng thấy đề tài về cha ít được các nhà làm phim Việt chú ý.
Một trong những lý do đó là vì tình cảm của cha thể hiện rất khác và rất khó thể hiện.
Tình yêu ấy âm thầm, lặng lẽ, mộc mạc, đơn sơ. Vì vậy, để tạo nên những cao trào trong từng tập phim không đơn giản.
Các diễn viên hóa thân vào cha cũng phải có "nội lực" thật sự để tạo nên những thước phim chân thật.
Có lẽ vì vậy người cha, dù chính hay phụ đều giao cho những diễn viên gạo cội, có kinh nghiệm diễn xuất như Thái Hòa (cha Mô), Thanh Nam (ông Ba), Hoàng Hải (bố Lưu), Trung Anh (bố Sơn), Võ Hoài Nam (bố Sinh).
Biên kịch Đặng Thanh viết kịch bản phim Vạn dặm nhân sinh cho biết người cha trong phim một phần chị lấy hình ảnh từ cha của mình:
"Ông luôn gây sự chú ý với con cái khi má mới vừa mất. Ông muốn được yêu thương nhiều nhất có thể, muốn nhiều cái rất ngược đời. Tuy biết con không thực hiện được, nhưng vẫn yêu cầu để thấy mình vui vẻ".
Những yếu tố này sẽ dẫn tới một người cha lạ. Khán giả tò mò và đi đến cùng với nhân vật.
Vì vậy theo chị: "Điều quan trọng cho bộ phim là câu chuyện có chất đời. Khán giả sẽ nhìn thấy ở đâu đó người cha của chính mình trong nhân vật bên cạnh những chi tiết vỡ òa xúc động".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận