05/12/2014 11:00 GMT+7

​Những ngôi làng trên đỉnh đèo

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Nhắc nhớ chuyện tổ tiên truyền lưu, ông Nguyễn Văn Ngọc, hậu duệ đời thứ năm của người lính trấn thủ Nguyễn An Vĩnh, tâm sự với chúng tôi.

“Tổ tiên mình truyền đời kể rằng đèo Hải Vân ngày xưa hoang lạnh, nhiều thú dữ và chướng khí độc. Lính trấn thủ đóng ải hay bị bệnh nên được luân phiên canh gác. Tuy nhiên, trên đèo cũng có làng dân ở, lính tráng có thể nhờ giúp đỡ hoặc mua bán với họ. Tôi còn nghe kể cụ tôi có người vợ thứ trên đó, rồi không rõ thế nào khi chiến tranh xảy ra...”.

Một ngôi miếu cổ bên cổng Hải Vân quan - Ảnh: Quốc Việt
Một ngôi miếu cổ bên cổng Hải Vân quan - Ảnh: Quốc Việt

 Mộ dân lập xóm

Chuyện xưa đã trôi qua cùng bao dâu bể thời cuộc. Ký ức hậu duệ người lính trấn thủ năm xưa cũng mờ nhạt theo dòng thời gian. Một chiều chớm đông năm 2014, chúng tôi trở lại đèo Hải Vân để lần lại dấu vết người xưa.

Các bậc cao niên kể rằng chiến sự triền miên suốt thế kỷ 20 đã làm những ngôi làng trù phú bên thượng đạo này phải ly tán.

Người ra Huế, kẻ vào Đà Nẵng, Sài Gòn. Ký ức làng quê tổ tiên trên cung đèo mây mù này đã nhạt nhòa theo thời gian. Gần đây đường bộ xuyên hầm đèo một lần nữa góp phần làm người dân phải rời dải Hải Vân. Xe khách đèo cao giảm hẳn. Hiện chỉ còn vài cụm quán xá tạm bợ nhỏ trông chờ lữ khách du lịch...

Ngược thời gian trở lại quá khứ, sử quán triều Nguyễn có nhiều ghi chép về việc mộ dân lập xóm trên con đèo Hải Vân thiên hiểm này. Ý các bậc chúa rất rõ ràng: cần phải có dân ở trên đó để sửa sang đường sá, đặc biệt là giúp đỡ lữ khách đi đường cực nhọc và sẵn sàng làm phu dịch khi quan quân có chuyện cần qua con đường thượng đạo này.

Bộ sử Đại Nam thực lục chép năm Minh Mạng thứ 18, Đinh Dậu, 1837: “Mùa thu, tháng 9. Mộ dân dời ra núi Hải Vân. Trước đây vua cho là núi Hải Vân, đoạn giữa đường hiểm và dài, chuyển lên chỗ đỉnh núi cao hơn 30 trượng, người đi khó khăn.

Sai viên kinh doãn và giám thành bộ công phải khám đổi lấy đường khác, đến khi đem dâng bản đồ lên thì đường mới và đường cũ này cũng dài bằng nhau, gián hoặc có một, hai đoạn hơi phẳng mà chuyển lên đỉnh núi, cao cũng như nhau...

Bèn dụ cho quan huyện ở kinh và quan tỉnh ở Quảng Nam thông sức cho dân thuộc hạt có người nào muốn làm nhà ở hai bên đường núi thì thuế thân và đi lính đi phu đều miễn cho, khai khẩn ruộng vườn, cấy trồng thóc lúa lấy hoa lợi cũng chuẩn cho miễn nộp thuế, người không đủ sức dời đến làm nhà thì quan cấp vốn cho”.

Mục đích vua Minh Mạng còn được ghi rõ: “Cốt để cho từ đỉnh núi đến chân núi đoạn nào cũng có nhà ở nối liền nhau, cho người đi đường có nơi dừng chân tạm trú, đói có chỗ ăn, khát có chỗ uống, còn số người đến ở chuẩn cho ba tháng tâu biết tình trạng. Rồi sau sáu người dân ngoại tịch ở Quảng Nam xin làm nhà ở đường núi, vua chuẩn cho cấp mỗi người 10 quan tiền”.

Sau đó, vua Minh Mạng còn cho xây đền thờ thần núi Hải Vân để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Việc xây dựng thuê người dân ở đây làm.

Chuyện sửa sang đường đèo, quan điểm vua Minh Mạng là vẫn phải giữ sự hiểm trở tự nhiên “để làm nơi che chở, bảo vệ nước nhà”.

Tuy nhiên, ông vẫn cho sửa chữa để tiện lợi cho người qua đường: “Hải Vân là chỗ hiểm trở thiên nhiên. Trước đây trẫm ngự chơi Quảng Nam, thấy đường sá gập ghềnh, đi lại không tiện, đã sức sai mở rộng sửa sang. Nay nghĩ trải qua năm tháng đã lâu, tất gai góc đã um tùm. Vậy đều phải chiểu theo địa phận từng hạt liệu thuê dân phu phụ cận, phàm chỗ nào bậc đá đổ khuyết thì xây vá lại, chỗ nào cây cỏ mọc xen vào thì phải bỏ đi”.

Một góc làng quê Đà Nẵng phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu
Một góc làng quê Đà Nẵng phía nam Hải Vân - Ảnh tư liệu

Bắp cau, vàng, và cọp

Không chỉ sử liệu khô khan, nhiều nhà du hành nước ngoài xưa qua đèo Hải Vân cũng đặc biệt chú ý đời sống người dân nơi núi rừng thiên hiểm này.

John Crawfurd, đại diện sứ bộ Anh, đến Huế năm 1822, đã kể lại những hình ảnh đầy cảm tình với ngôi làng của người dân An Nam giữa đỉnh đèo Hải Vân: “Cạnh điểm cao nhất mà chúng tôi lên tới có một ngôi làng sạch sẽ, vừa là cái chợ hẳn hoi, và điều đáng nói ít ra đối với người châu Âu là khí hậu ở đây dễ chịu.

Các quán xá có bán thứ như chè, gạo và các món khác bày ra cho khách, một số lớn các thứ này chúng tôi bắt gặp trong chặng đường ngày hôm nay và ngày hôm qua...

Đàn bà và trẻ con đi đứng không mang theo khí giới, không có tùy tùng và ra vẻ chẳng sợ gì. Đây là điều vinh danh cho chính quyền có chăm lo và mạnh dạn...”.

Ngoài ngôi làng này, lữ khách phương Tây cũng quan sát cảnh tình người dân nơi khác. Sĩ quan thủy quân Dutreuil de Rhins đến Huế năm 1876 để lái tàu hơi nước Chính phủ Pháp tặng vua Tự Đức.

Trong hồi ký Vương quốc An Nam và người An Nam, ông kể lại hình ảnh đầy sức sống của ngôi làng trên đèo Hải Vân: “Đi đường bộ, ta ít nghe gọi tên làng mà là tên trạm được viết trên cửa. Tên một thôn xóm với sáu chục mái nhà tranh hai bên đường chẳng là gì hết. Từng tốp bé con vừa chạy vừa báo chúng tôi đến và vẩy bụi mù trước mặt. Đám thiếu nữ buông chày trong cối, ngưng hò hát, chạy núp sau bình phong dòm ngó chúng tôi. Giờ này đàn ông còn ngoài ruộng. Chẳng là chúng tôi thấy toàn phụ nữ nách con bên hông”.

Phần nhiều lữ khách phương Tây không hào hứng lắm những món ăn người dân bên đường bày bán.

Tuy nhiên cũng có một số hoàn toàn khác hẳn. Viên bưu tá Camille Paris qua đèo Hải Vân năm 1885 đã trầm trồ với đặc sản lạ mà chính người Việt đời sau cũng không mấy ai biết: “Cây cối xung quanh rất quyến rũ, một rào tre đan lồng với nhau chia cách khu vườn được khai hoang với núi rừng, hẳn nhiên là để ngăn cản sự đột nhập của thú dữ.

Trong vườn có đủ cau, chanh, xoài, ổi, mít. Chúng tôi làm món trộn rất ngon bằng bắp cau và các người phu thì cứ tranh nhau trái để nhai. Cái lõi màu trắng ăn rất ngon, nằm bên trong lớp vỏ cứ nở to ra, màu xanh tương tự như su lá, và là phần ngọn của cây cau.

Do đó muốn ăn món trộn này phải hạ xuống những cây, và đúng là những cây cau với hình dáng vượt vồng, thẳng đứng với tàu lá đung đưa, mềm mại mà nếu đem về trồng được trong vườn của nước Pháp thì ắt vườn đó sẽ không thiếu niềm kiêu hãnh”.

Đặc biệt, câu chuyện các mỏ vàng bí hiểm dưới chân đèo Hải Vân cũng được nhiều kẻ phương xa quan tâm. Thương nhân Pháp Pierre Poivre vượt đèo năm 1749 đã kể tỉ mỉ về một ngôi làng giàu có nhờ nằm cạnh mỏ vàng: “Con sông này xuôi dòng tới những mỏ vàng đáng giá hơn cả toàn bộ của Đàng Trong. Đây là những mỏ làm ít mà hưởng nhiều... Nhất là làng này thật giàu có vì nằm cạnh mỏ. Có một ngôi chợ được phu mỏ hằng ngày đưa đến những thứ mình thu hoạch được... Vàng pha trộn với một thứ đất đo đỏ và lắm khi tìm được những hòn vàng nặng tới hai ba lạng”.

Thời còn hoang hiểm thế kỷ 18, 19, lữ khách nào qua đèo Hải Vân cũng mê hoặc với rất nhiều loài thú để săn bắn như bò rừng, nai, hoẵng, dê sừng trắng, heo, khỉ, đặc biệt không hiếm tê giác, voi và cọp. Chúng cho người dân nguồn sinh sống tự nhiên.

Thuyền trưởng Rey tàu Henry, qua đèo năm 1819, đã kể bác sĩ của mình suýt làm mồi cho cọp. Rey mô tả chi tiết loại bẫy cọp bằng cũi dùng chó để nhử mà người An Nam rất thạo. Bẫy chỉ có một cửa vào. Cọp nghe tiếng chó bên trong xông vào săn mồi và lúc ấy cửa cũi sẽ sập xuống...

_____________

Kỳ tới: Chặn bước xâm lược

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên