01/06/2015 11:33 GMT+7

Những ngày đen tối của FIFA - Kỳ 2: Cuộc điều tra bốn năm

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Giới truyền thông quốc tế khẳng định việc nhà chức trách Mỹ bắt giữ một số quan chức FIFA vì tội tham nhũng là bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử thể thao thế giới.

Charles Blazer (phải), tổng thư ký CONCACAF, thành viên Ủy  ban điều hành FIFA, đã “phản kèo” và chấp nhận hợp tác với FBI - Ảnh: AFP
Charles Blazer (phải), tổng thư ký CONCACAF, thành viên Ủy ban điều hành FIFA, đã “phản kèo” và chấp nhận hợp tác với FBI - Ảnh: AFP

Đã từ lâu, hàng loạt cáo buộc tham nhũng phủ bóng lên hoạt động của FIFA. Và những mối nghi ngờ lớn nhất luôn tập trung vào quy trình đấu thầu và trao quyền đăng cai World Cup - sự kiện thể thao quan trọng của thế giới có quy mô tài chính lớn.

Liên đoàn Bóng đá Anh bị tống tiền?

Vào năm 2010, Ủy ban điều hành FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 lần lượt cho Nga và Qatar. Dù các tổ chức nhân quyền chỉ trích dữ dội việc Nga được trao quyền đăng cai nhưng trường hợp của Qatar lại gây tranh cãi dữ dội nhất. Vì sao?

Bởi Qatar là quốc gia có mùa hè khắc nghiệt trong khi chẳng có mấy thành công đáng kể trong bóng đá. Vấn đề nữa là hoàng gia Qatar đã chống lưng cho ông Blatter từ hơn 25 năm qua.

Ông Blatter thắng cử chủ tịch FIFA năm 1998 nhờ sự giúp đỡ đáng kể của hoàng gia Qatar. Ông cũng được hoàng gia Qatar tặng một chiếc máy bay riêng để đi công du.

Đặc biệt, vào tháng 5-2011, khi điều trần trước một ủy ban của Quốc hội Anh, ông David Triesman, người lãnh đạo chiến dịch đấu thầu quyền đăng cai World Cup 2018 của nước Anh, đã đưa ra lời cáo buộc các thành viên Ủy ban điều hành FIFA là Jack Warner, Worawi Makudi, Nicolas Leoz và Ricardo Teixeira.

Những thành viên này đòi phái đoàn Anh phải chung chi thì mới bỏ phiếu ủng hộ Anh. Ông Triesman cho biết phó chủ tịch FIFA Jack Warner đòi Anh phải rót 2,5 triệu bảng (3,8 triệu USD) vào một “trung tâm giáo dục” ở Trinidad & Tobago.

Warner cũng đòi Anh chuyển 1,6 triệu USD vào tài khoản cá nhân của ông ta để “mua bản quyền World Cup làm quà cho đất nước Haiti”. Hãng tin BBC sau đó đăng tải thư điện tử Warner gửi tới Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đề nghị xuất quỹ mua bản quyền truyền hình cho Haiti.

Rồi đến lượt báo The Sunday Times công bố bằng chứng cho thấy hai thành viên Ủy ban điều hành FIFA là Issa Hayatou và Jacques Anouma đã nhận hối lộ 1,5 triệu USD của đoàn Qatar để ủng hộ Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, FBI và IRS không nhắc đến các bê bối đằng sau quy trình đấu thầu quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Tuy nhiên chính quyền Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra hình sự vụ việc này. 

Cuộc điều tra của Mỹ tập trung vào ba điểm lớn là các hành vi tham nhũng trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA năm 2011, quy trình đấu thầu World Cup 2010 ở Nam Phi và thỏa thuận tài trợ của một công ty quần áo thể thao dành cho đội tuyển Brazil... 

Trước những cáo buộc đó, chủ tịch FIFA Blatter đề nghị cựu công tố viên Mỹ Michael Garcia mở cuộc điều tra nội bộ quy trình đấu thầu quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Ông Garcia là chủ tịch nhánh điều tra của Hội đồng đạo đức FIFA từ tháng 7-2012. Ông Garcia đã mở cuộc điều tra trong vòng 19 tháng với sự giúp đỡ của "phó tướng" Cornel Borbely.

Cả hai thu thập các tài liệu và thẩm vấn hàng loạt quan chức FIFA. Những người không chấp nhận thẩm vấn bị dọa kỷ luật. Tuy nhiên Nga cấm ông đến nước này để thẩm vấn các quan chức bóng đá Nga.

Tháng 9-2014, ông Garcia trao bản báo cáo dày 350 trang cho FIFA. Tuy nhiên ông Hans-Joachim Eckert, chủ tịch nhánh xét xử của Hội đồng đạo đức FIFA, tuyên bố không thể công bố báo cáo này vì “lý do pháp lý”.

Hàng loạt quan chức trong Hội đồng đạo đức phản đối quyết định này và đòi công bố đầy đủ báo cáo. Và đến tháng 11-2014, ông Eckert tung ra “bản tóm tắt” báo cáo điều tra chỉ dày 42 trang.

Bản tóm tắt này khẳng định Nga và Qatar không vi phạm quy định nào, dù thừa nhận Nga chỉ cung cấp một số ít tài liệu và phá hủy các máy tính mà đội vận động đăng cai của Nga sử dụng.

Lập tức, ông Garcia lên tiếng phản đối “bản tóm tắt” của Eckert. Ông mô tả “bản tóm tắt” này đã bóp méo các sự thật và kết luận trong báo cáo điều tra của ông.

Các quan chức châu Âu đe dọa UEFA sẽ rút khỏi FIFA nếu Hội đồng đạo đức không công bố báo cáo điều tra đầy đủ. Tuy nhiên ông Eckert viện lý do “quyền bí mật” để “ỉm” báo cáo đi. Đến thời điểm tháng 11-2014 chỉ có sáu người ở FIFA được đọc báo cáo này.

Trang nhất một tờ báo ở Brazil xuất bản ngày 28-5 đăng tranh biếm họa ông Jose Maria Marin - nguyên chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil, cùng dòng tít: “Mục tiêu của FBI”. Jose Maria Marin là một trong những quan chức bị bắt trong nghi án tham nhũng ở FIFA -  Ảnh: Reuters
Trang nhất một tờ báo ở Brazil xuất bản ngày 28-5 đăng tranh biếm họa ông Jose Maria Marin - nguyên chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil, cùng dòng tít: “Mục tiêu của FBI”. Jose Maria Marin là một trong những quan chức bị bắt trong nghi án tham nhũng ở FIFA - Ảnh: Reuters

Từ cuộc điều tra rửa tiền

Kết quả điều tra của ông Garcia khẳng định rất nhiều giao dịch mang tính chất hối lộ đã được thực hiện tại Mỹ trong giai đoạn các nước vận động giành quyền đăng cai World Cup.

Và đó là yếu tố quan trọng dẫn đến việc Mỹ kết hợp với nhà chức trách Thụy Sĩ bắt giữ các quan chức FIFA ở Zurich.

Cũng cần phải biết rằng ông Garcia có quen biết với ông James Comey, giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hiện tại, và bà Loretta Lynch, đương kim bộ trưởng tư pháp Mỹ. Trên thực tế, FBI cũng đã “nhòm ngó” FIFA từ lâu.

Nguồn tin báo New York Times cho biết từ năm 2011, đội chống tội phạm Âu - Á ở văn phòng của FBI tại New York điều tra hoạt động rửa tiền của tội phạm Nga có tổ chức và phát hiện các yếu tố đáng ngờ có dính líu tới các quan chức FIFA.

Cuộc điều tra của FBI, sau đó có sự tham gia của Bộ Tư pháp và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), đạt bước ngoặt quan trọng khi công dân Mỹ Charles Blazer - tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (Concacaf), thành viên Ủy ban điều hành FIFA - chấp nhận hợp tác với FBI.

Ông Blazer bị IRS sờ gáy vì có 11 triệu USD không rõ nguồn gốc và trốn thuế từ nhiều năm qua. Điều tra còn cho thấy Concacaf đã trả cho Blazer 15 triệu USD tiền phí một cách vô lý. Ông Blazer nhận tội tham nhũng vào năm 2013 và trở thành người cung cấp thông tin cho FBI.

Ông ta khai nhận đã câu kết với kẻ khác thực hiện nhiều chiêu kiếm tiền bẩn thỉu từ bóng đá như nhận hối lộ, bán vé World Cup lậu...

Ví dụ hồi năm 1992 FIFA xem xét trao quyền đăng cai World Cup 1998 cho Morocco và Pháp. Một quan chức Morocco đề nghị hối lộ và Blazer đã nhận tiền.

Blazer đã trả lại 1,9 triệu USD tiền tham nhũng. Ông ta nhiều lần bí mật đeo máy ghi âm khi tiếp xúc với quan chức FIFA và thảo luận về các thương vụ mờ ám.

Do Blazer là người của Concacaf nên cuộc điều tra của Mỹ tập trung vào Concacaf. Và một đồng minh thân cận của Blazer bị nhắm đến là cựu chủ tịch Concacaf Jack Warner, đồng thời là cựu phó chủ tịch FIFA.

Warner bị cáo buộc tham nhũng nhiều lần từ thập niên 1980 và từ chức năm 2011. Đương kim chủ tịch Concacaf Jeffrey Webb, người được kỳ vọng sẽ thay thế chủ tịch FIFA Blatter trong tương lai, cũng dính chàm.

Một cáo buộc đối với phó chủ tịch FIFA Warner là ông ta tổ chức đưa nhận hối lộ khi FIFA tổ chức bầu cử chủ tịch năm 2011 để các đại biểu Ủy ban điều hành FIFA bỏ phiếu cho người mà ông ta lựa chọn.

Khi đó, ứng cử viên này chuyển 360.000 USD vào tài khoản của ông Warner. Ông ta sắp xếp để ứng cử viên này đối thoại với các quan chức bóng đá Caribbean ở khách sạn Hyatt Regency tại Trinidad.

Sau đó, ông Warner nói với các quan chức này là “quà cáp” đang chờ họ trong phòng hội nghị. Từng quan chức vào phòng nhận phong bì chứa 40.000 USD. 

_____________

Kỳ 3: Nam Phi mua World Cup 2010 như thế nào?

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên