31/05/2015 10:57 GMT+7

Không thể lật đổ “bố già” Sepp Blatter

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - FIFA rung chuyển khi 14 quan chức và doanh nhân thể thao bị bắt giữ vì tội tham nhũng. Cả thế giới bóng đá nổi cơn thịnh nộ.

Biểu tình ở Zurich (Thụy Sĩ) đòi Blatter từ chức hôm 28-5 - Ảnh: Reuters
Biểu tình ở Zurich (Thụy Sĩ) đòi Blatter từ chức hôm 28-5 - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên trong cơn bão tưởng chừng sẽ nhấn chìm sự nghiệp của mình, “bố già” 79 tuổi Sepp Blatter vẫn đánh bại đối thủ là hoàng tử Jordan Ali bin al-Hussein một cách dễ dàng để tái đắc cử chủ tịch FIFA lần thứ năm liên tục.

“Chúng ta đã thua trận!”

Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào cuối giờ chiều tại Zurich (Thụy Sĩ) ngày 29-5. Khi phát biểu trước lễ bỏ phiếu, ông Blatter “xào” lại gần như toàn bộ bài phát biểu năm 2011 về việc FIFA phải đoàn kết và chống tham nhũng.

Giống như bốn năm trước, ông Blatter cũng cam kết đây sẽ là nhiệm kỳ cuối của ông. Điểm khác biệt duy nhất có lẽ là việc ông Blatter nhấn mạnh cam kết sẽ lèo lái FIFA ra khỏi “cơn bão” tham nhũng mới đây.

Ngay từ khi hai ứng cử viên phát biểu đã có thể biết rõ ai là người chiến thắng. Những tràng vỗ tay của các đại biểu FIFA dành cho ông Blatter nồng nhiệt hơn nhiều so với hoàng tử chỉ mới 39 tuổi Ali.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Blatter nhận được 133 phiếu bầu, không đủ thế đa số 2/3 (140 phiếu) để giành chiến thắng trong khi hoàng tử Ali chỉ có 73 phiếu.

Ở vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Blatter chỉ cần số phiếu nhiều hơn là đủ để giành chiến thắng. Hiểu rõ rằng mình hoàn toàn không có cơ hội nào, hoàng tử Ali quyết định rút lui.

Ông Sepp Blatter hân hoan sau khi thắng cử - Ảnh: Reuters
Ông Sepp Blatter hân hoan sau khi thắng cử - Ảnh: Reuters

Chiến thắng quá dễ dàng của ông Blatter khiến thế giới bóng đá và giới truyền thông sục sôi giận dữ. Huyền thoại bóng đá Bồ Đào Nha Luis Figo than thở: “Hôm nay (29-5) là một ngày đen tối nữa ở Zurich (Thụy Sĩ, nơi FIFA đặt trụ sở). FIFA đã thua trận, bóng đá thua trận và tất cả những ai yêu bóng đá cũng thua trận nốt. Nếu ông Blatter thật sự quan tâm đến bóng đá thì lẽ ra ông ta đã phải rút lui. Nếu ông ta thật sự còn chút tử tế thì ông ta nên từ chức trong vài ngày tới”.

Cựu danh thủ bóng đá Anh Gary Lineker viết trên trang Twitter bức xúc: “Mọi thành viên FIFA bỏ phiếu cho Blatter đều đã phản bội lại môn thể thao mà lẽ ra họ phải trân trọng”.

Chủ tịch UEFA Michel Platini bày tỏ sự thất vọng lớn đối với kết quả này và tiết lộ UEFA sẽ thảo luận biện pháp trả đũa FIFA trong cuộc họp ngày 6-6 tới. Ông cũng khẳng định FIFA cần phải thay đổi. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) Wolfgang Niersbach cho rằng chắc chắn ông Blatter sẽ chẳng cải tổ gì FIFA cả.

“Ở tuổi 79, bạn đã quá quen với cách cũ của mình. Blatter sẽ không thể thay đổi. Chúng ta đều muốn một FIFA mạnh mẽ nhưng điều đó là rất khó” - ông Niersbach nhấn mạnh.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Mỹ Sunil Gulati cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách thúc đẩy sự thay đổi trong nội bộ FIFA. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) Greg Dyke diễu cợt ông Blatter rằng hoàng tử Ali đã khiến ông ta sợ hãi.

“Blatter bị sốc hôm nay. Điều đó chưa từng xảy ra trong 16 năm qua. 30% đại biểu FIFA nói rằng họ đã chán ngán Blatter và nạn tham nhũng. FIFA là một tổ chức tham nhũng và Blatter sẽ không thay đổi gì nó” - ông Dyle khẳng định.

Những phản ứng bức xúc bất lực như vậy có lẽ sẽ không khiến ông Blatter sờn lòng. Tuy nhiên chắc chắn chủ tịch FIFA sẽ phải lo ngại khi một nhà điều tra của Chính phủ Mỹ tuyên bố hầu như chắc chắn sẽ có thêm các quan chức FIFA bị truy tố vì tội tham nhũng.

Theo báo New York Times, ông Richard Weber - người đứng đầu đơn vị điều tra hình sự của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) - cho biết: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ có thêm một lượt truy tố nữa. Chắc chắn vẫn còn những cá nhân và tổ chức khác phạm tội”.

Trang web thể thao Bleacher Report nhận định với việc tái đắc cử, ông Blatter đã chấp nhận đối đầu với Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Trong khi đó, chủ tịch UEFA Michel Platini ôm đầu thất vọng sau cuộc bỏ phiếu - Ảnh: DPA
Trong khi đó, chủ tịch UEFA Michel Platini ôm đầu thất vọng sau cuộc bỏ phiếu - Ảnh: DPA

 

Ai đã bỏ phiếu cho Blatter?

Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông Blatter, một người bị chỉ trích dữ dội đến thế, thậm chí bị đặt biệt danh là “bố già” hay “hoàng tử bóng tối”, phải đối mặt với hàng loạt bê bối lớn nhỏ, lại có thể tái đắc cử chủ tịch FIFA một cách dễ dàng.

Nhiều tờ báo phương Tây giải thích rằng ông Blatter đã “mua” phiếu bầu, rằng ông là “kẻ độc tài” lũng đoạn FIFA.

Báo USA Today cho rằng ông Blatter chiến thắng nhờ “chủ nghĩa thân hữu” đang tồn tại ở FIFA. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy.

Đầu tiên, cần phải xét đến cơ cấu tổ chức của FIFA. Hiện tại FIFA có 209 liên đoàn thành viên, và lá phiếu của mỗi liên đoàn đều có giá trị ngang nhau. Điều đó có nghĩa là lá phiếu của các cường quốc bóng đá như Đức, Ý, Brazil, Argentina, Tây Ban Nha... cũng chỉ tương đương với lá phiếu của quần đảo Cook có dân số 11.000 người hay đặc khu Macau của Trung Quốc.

Dù bị châu Âu phản đối, nhưng ông Blatter nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của liên đoàn bóng đá các nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á. Nguyên nhân tại sao?

Trang BBC Sport dẫn lời chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nigeria Amaju Pinnick giải thích: “Blatter hiểu rõ châu Phi và ông ấy đã hỗ trợ rất nhiều chương trình phát triển bóng đá châu Phi. Không có Blatter, chúng tôi sẽ không được hưởng các lợi ích từ FIFA như hiện nay”.

Ví dụ đơn giản là từ năm 2011, FIFA thực hiện 26 dự án bóng đá ở Chad như sân bóng, trung tâm kỹ thuật, trụ sở mới cho liên đoàn, các khóa đào tạo về tiếp thị, công tác trọng tài, phát triển bóng đá trẻ... Các dự án tương tự được tổ chức khắp châu Phi và châu Á.

Mỗi năm FIFA cung cấp cho các liên đoàn thành viên khoảng 300.000 USD từ lợi nhuận World Cup. Châu Âu không thiết tha sự hỗ trợ này vì có các giải bóng đá phát triển, nhưng các nước châu Phi và châu Á thì không thể sống thiếu sự hỗ trợ của FIFA.

Từ năm 2011, Quần đảo Cook đã nhận được từ FIFA 999.000 USD. “Trước khi ông Blatter làm chủ tịch, các liên đoàn thành viên có nhận được đồng nào từ FIFA đâu. Chừng đó là đủ để chúng tôi bỏ phiếu cho Blatter” - chủ tịch Liên đoàn Bóng đá quần đảo Cook Lee Harmon giải thích đơn giản.

Dù Blatter luôn bị phê phán là điều hành một tổ chức tham nhũng, nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò toàn cầu hóa bóng đá của ông Blatter ngay từ khi ông còn giữ chức tổng thư ký FIFA. Trước thời Blatter, FIFA luôn bị chỉ trích là quá ưu ái châu Âu.

Dưới thời Blatter, FIFA không chỉ hỗ trợ các liên đoàn thành viên mà còn đưa World Cup đến châu Á năm 2002 và đến châu Phi năm 2010. Và dù FIFA của ông Blatter có dính bao nhiêu bê bối tham nhũng đi chăng nữa thì các nước đang phát triển không hề quên công lao của ông.

Châu Âu có thể tẩy chay World Cup?

Trong những ngày qua, nhiều quan chức châu Âu cảnh báo lục địa già có thể tẩy chay World Cup 2018 nếu ông Sepp Blatter tái đắc cử chủ tịch FIFA. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh Greg Dyke tuyên bố: “Nếu cả UEFA và các nước đồng lòng thì điều đó là đúng đắn”.

Nhiều tờ báo Anh và Đức cũng ủng hộ tẩy chay World Cup 2018. FIFA cho rằng việc châu Âu có tới 13 đại diện dự World Cup là quá nhiều.

Chủ tịch UEFA Michel Platini đã cảnh báo việc FIFA giảm số lượng đội bóng châu Âu dự World Cup sẽ là hành vi “vượt qua làn ranh đỏ” và khi đó UEFA có thể tẩy chay World Cup.

__________

Kỳ tới: Cuộc điều tra bốn năm

Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra liên bang Mỹ quăng mẻ lưới kéo dài bốn năm bắt chín quan chức cao cấp của FIFA và năm doanh nhân thể thao. Đây được xem là bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử thể thao thế giới...

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên