04/06/2024 09:39 GMT+7

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 7: Thất bại và bài học trở về

Có những người đi du học trở về tái hòa nhập được với môi trường làm việc trong nước. Nhưng thực tế cũng có nhiều người đã gặp khó khăn, thậm chí nặng nề như chính họ nói là 'thất bại trên sân nhà'.

Du học cho chuyên môn và kỹ năng, nhưng vẫn còn nhiều kỹ năng cần phải học khi về nước - Ảnh: NYU

Du học cho chuyên môn và kỹ năng, nhưng vẫn còn nhiều kỹ năng cần phải học khi về nước - Ảnh: NYU

Lý do gì và có những bí quyết nào để cuộc trở về của những tấm bằng ngoại được êm thắm, thành công như mong đợi.

Bất mãn và bất đắc chí

Ngày còn đi học ở một ngôi trường THPT nổi tiếng tại quận 3 (TP.HCM), Hiếu đã nổi tiếng lẫn "nổi loạn" làm cho cả thầy cô lẫn gia đình nhiều phen phải ngồi lại với nhau đầy căng thẳng.

Trong nhận xét của giáo viên đứng lớp, Hiếu thông minh, nhưng chỉ xuất sắc các môn thích học như toán, Anh văn, lý. Còn môn nào không thích thì cậu không học theo đúng nghĩa "vất qua một bên". Giáo viên nghiêm khắc hay mềm mỏng khuyên bảo gì cũng không được.

Nhiều lần cậu còn cãi thẳng giữa lớp là thầy cô "không hiểu, không biết gì cả, em học cho em chứ không phải học cho thầy cô".

Thế là, dù được đánh giá thông minh, Hiếu vẫn sa sút nhanh. Thầy cô hết cách, cha mẹ cũng bó tay, và cuối cùng họ phải ráng gồng cho con đi du học Mỹ ngay từ bậc trung học. "Vợ chồng tôi cũng buôn bán nhỏ, đâu dư dả gì để lo nổi du học tự túc.

Có căn nhà ông bà để lại ở đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), tôi phải bán đi nó mới có điều kiện qua Mỹ. Còn vợ chồng thì phải chui vào nhà hẻm nhỏ xíu", người cha tên Hùng kể lại.

Tuy nhiên, ông tâm sự điều vợ chồng mình nặng lòng nhất không phải mất nhà, mà dõi theo hành trình du học của cậu con thế nào, bởi ở trường học Việt Nam, Hiếu đã bị tiếng "nổi loạn, hỗn hào, vô kỷ luật".

Con đi học thời gian, ông đã dành dụm tiền sang thăm người thân và thăm con, mà thực chất là kiểm tra Hiếu có chịu học hay lại nổi loạn.

"Tôi bất ngờ và mừng suýt khóc khi nghe giáo viên nhận xét con mình giỏi tiếng Anh, thông minh môn toán, nhưng đặc biệt nhất là có tính độc lập, dám mạnh dạn tranh luận, phản biện thẳng thắn, không bị rụt rè với giáo viên như nhiều du học sinh Việt Nam khác lúc mới qua".

Ông Hùng kể thêm điều con mình bị cho là "nổi loạn, hỗn hào" ở trường Việt Nam thì lại được giáo viên bên Mỹ đánh giá cao. Đây cũng là điều ông chia sẻ với bạn bè có ý hướng cho con du học, dù đó mới chỉ là thông tin một chiều và đánh giá của cá nhân ông.

Hiếu học xong phổ thông lên tiếp đại học ngành thiết kế đồ họa ở Mỹ. Cha mẹ chi cho cậu gần 7 tỉ đồng, chưa kể số tiền họ vài lần qua thăm và cậu về nước nghỉ hè. "Coi như toàn bộ khoản phòng thân tuổi già của vợ chồng tôi đều dành hết cho con", ông Hùng tâm sự.

Ngày Hiếu cầm tấm bằng Mỹ về nước, vợ chồng ông đã tổ chức tiệc mừng cùng dòng họ, và sau đó còn thưởng cho con chuyến đi du lịch suốt 10 ngày. Tuy nhiên, nỗi lo "tập hai" của họ bắt đầu ngay sau đó khi Hiếu đi làm.

Với tấm bằng chuyên ngành ở Mỹ, tiếng Anh tốt, lại có phong thái tự tin của người đã nhiều năm học ở Mỹ, hầu như Hiếu xin vào công ty nào cũng đậu. Nhưng vấn đề là ở đoạn đi làm sau đó, không có công ty nào cậu trụ được lâu bền.

Người cha kể con mình làm ở công ty thứ nhất chưa được 1 tháng thì nghỉ, công ty thứ 2 được 3 tháng, công ty thứ 3 được 11 tháng rưỡi...

Ông Hùng trầm giọng kể: "Nó đi làm, tôi hỏi lương bổng thế nào, nó luôn trả lời "khá ổn" so với lương bạn bè trong nước, nhưng nó cũng luôn là đứa văng ra sớm nhất. Tôi hỏi lý do nó chỉ trả lời "không hợp, khó phát triển bản thân được nên nghỉ, không để mất thời gian"".

Ở công ty thứ 3 mà Hiếu làm rồi lại sớm nghỉ, ông Hùng có người quen trong ban giám đốc nên đã hỏi chuyện cụ thể. Họ trả lời Hiếu có chuyên môn tốt, nhưng tính cách thì "không ổn". Họ nói Hiếu quá thẳng tính nên đụng chạm hết người này đến người khác.

Đồng nghiệp bên cạnh quen gõ bàn phím hơi lớn tiếng, Hiếu cũng nói "làm việc như nông dân cuốc đất". Họp chuyên môn với ban giám đốc, anh lớn tiếng phát biểu "lãnh đạo tầm nhìn hạn hẹp vậy thì làm sao công ty đi lên".

Chưa bị cho nghỉ, Hiếu đã tự nghỉ trước vì sự căng thẳng mà phần lớn do anh tự tạo ra, đẩy bùng lên.

Sau đó, Hiếu tiếp tục đi làm thêm ở một vài công ty khác, thậm chí sớm được đề bạt trưởng phòng chuyên môn, nhưng anh lại nghỉ. Riết rồi Hiếu như người bất mãn, bất đắc chí và có những triệu chứng phải tìm đến bác sĩ tâm thần...

Nhiều bạn khi du học về nước đã thành công, nhưng không ít người cũng gặp khó khăn - Ảnh: Adelaide University

Nhiều bạn khi du học về nước đã thành công, nhưng không ít người cũng gặp khó khăn - Ảnh: Adelaide University

Thích nghi

Hành trình trở về "đặc biệt" của Hiếu có thể chỉ là một số không phổ biến, thực tế vẫn có nhiều người hòa nhập thành công.

Tuy nhiên, câu chuyện khó khăn của anh đã được chia sẻ trong giới du học như là kinh nghiệm cần tham khảo. Không thuận lợi công việc trong nước, Hiếu muốn du học tiếp nhưng gia đình không còn điều kiện đáp ứng.

Sau đó, anh đã tự "chữa" cho mình bằng cách kết nối với bạn bè từng du học để tìm hiểu những kinh nghiệm. Mãi đến năm thứ 4 sau khi về nước, Hiếu mới có thể ổn định với công việc thiết kế chuyên môn ở một ty lớn tại TP.HCM.

Bài học của người con được ông Hùng đúc kết rằng: "Sau 4 năm lông bông không có thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến, con tôi đã suy nghĩ nhiều cũng như được nghe những lời khuyên và nó đã phần nào đầm lại, không còn hay phản ứng thái quá nữa.

Đợt dịch bi thảm vừa rồi hình như cũng làm nó phải suy nghĩ nhiều về thực chất cuộc sống con người, về trách nhiệm phải làm việc để sống và báo hiếu cha mẹ già".

Hiếu không kể về bản thân mình, nhưng người cha không ngại chia sẻ rằng con trai mình bây giờ "đã biết người biết ta hơn".

Môi trường học hành làm việc ở Mỹ có nhiều điều hay đáng để học hỏi, nhưng ở Việt Nam cũng có những giá trị, nề nếp cần được tôn trọng và hài hòa.

Tấm bằng chuyên môn ở Mỹ của Hiếu được đánh giá cao, nhưng ở Việt Nam cũng có trường đào tạo tốt.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là ngoài chuyên môn học hành, người đi làm còn có đồng nghiệp, môi trường công ty để hài hòa nếu thấy đảm bảo được mục tiêu đời sống và cơ hội phát triển bản thân.

Đó là những kỹ năng mà Hiếu phải có ngoài bằng cấp chuyên môn. Ngay bạn bè anh được ở lại Mỹ làm việc kể rằng họ cũng phải uyển chuyển để thích nghi môi trường tập thể, chứ đâu phải "cứ cái tôi cá nhân muốn thế nào cũng được".

Những kinh nghiệm này cũng được một cựu sinh viên du học ngành quản trị kinh doanh ở Anh về nước chia sẻ:

"Hồi mới về nước tôi cũng bị trục trặc, nhưng sau đó đã kịp thích nghi để hòa nhập. Đây thật sự là những vấn đề của không ít người đi du học trở về, nhưng có thể thay đổi được nếu chúng ta chịu lắng nghe và nhìn từ nhiều phía".

Nguyễn Văn Trường kể thêm anh đã chỉnh lại từ những điều rất nhỏ như mời đồng nghiệp đi ăn rồi tính tiền phần ai nấy trả "kiểu Mỹ" thường không hợp ở Việt Nam.

"Sau vài lần thế này thấy đồng nghiệp sượng ngắt, tôi lại trở về kiểu ai mời nấy trả, hôm nay tôi mời thì tôi trả, mai anh mời thì anh trả, và mọi người đã vui vẻ, thoải mái hẳn lên".

Trường, 32 tuổi, hiện đang là trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu của một công ty lớn ở Bình Dương, kể thêm anh cũng tự điều chỉnh ngay cả cách họp hành, tranh luận để đạt được mục tiêu mà tránh gây căng thẳng.

"Hồi đầu tôi hay phát biểu kiểu "anh nói thế là sai, là không đúng" dễ gây căng thẳng, về sau tôi chỉnh lại cách nói khác như "vâng, đó là ý anh, còn theo tôi cần thế này". Thế là không khí cuộc họp vui vẻ, thoải mái hơn, mục tiêu mình vẫn đạt được".

Môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với đối tác nước ngoài là người Mỹ, châu Âu lẫn châu Á như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, Nguyễn Văn Trường tự nghiệm ra rằng mỗi dân tộc đều có những "nét" riêng mà mình phải tôn trọng, uyển chuyển để hài hòa, mình không thể cứ một kiểu áp dụng cho tất cả được.

Đi du học cho chuyên môn và kỹ năng, nhưng vẫn còn nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sống, cần phải học khi trở về nước hay qua nước khác làm việc.

---------------------

Trần Bạch Dương từng du học ở Úc và Anh, giờ là đồng sáng lập Together We Grow - một dự án mentoring đồng hành cùng các bạn học sinh THPT khai phá bản thân và apply học bổng bậc đại học.

Kỳ tới: Chọn cách đồng hành

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 6: Một cách Những ngả đường du học trở về - Kỳ 6: Một cách 'trở về'

Ở lại nơi mình du học để lập nghiệp rồi trở thành người kết nối, trực tiếp tham gia đóng góp cho Việt Nam theo những cách khác nhau. Đó là một cách "trở về" của TS Trần Việt Hùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên