01/06/2024 13:44 GMT+7

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 4: Một thế hệ du học biết mình cần gì

Họ biết cách thu nạp những điều mình cần trong thời gian du học và tận dụng nó cho công việc để làm mới bản thân.

Kỹ năng làm việc nhóm và sáng tạo là những điểm mạnh của nhiều bạn trẻ du học trở về - Nguồn: FREEPIK

Kỹ năng làm việc nhóm và sáng tạo là những điểm mạnh của nhiều bạn trẻ du học trở về - Nguồn: FREEPIK

Thành công không có nghĩa là phải trở thành người xuất sắc. Họ biết cách thu nạp những điều mình cần trong thời gian du học và tận dụng nó cho công việc để làm mới bản thân, giúp mình hạnh phúc.

Quay về cơ quan cũ: biến cản trở thành động lực

Hoàng Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và làm ở vài tổ chức nước ngoài trước khi quyết định về làm việc tại một bộ. Cô cho biết đã lựa chọn theo "truyền thống gia đình" là làm việc trong một cơ quan Nhà nước, công việc ổn định và có thời gian cho gia đình.

Vì có mục đích rõ ràng nên Hoàng Anh dễ chấp nhận những vấn đề bất cập như môi trường làm việc không khích lệ sự phản biện, tranh luận, sáng tạo; mọi người thường có thói quen chấp nhận sự áp đặt.

Những gì trái với nếp "văn hóa truyền thống" đều dễ bị coi là chơi trội, thậm chí là mầm mống nổi loạn... Một ngày, Hoàng Anh quyết định đi du học, như một cách làm mới bản thân.

Cô kể: "Sếp tôi, đồng nghiệp và bạn bè đều nghĩ tôi đã du học là sẽ không quay về bộ. Trừ những người đã làm quản lý, du học để có cơ hội thăng tiến hơn, những người còn trẻ như tôi đều dễ bị gán cho những thứ không mấy hay ho như du học về thì hay đòi hỏi lương cao, kiêu ngạo, thích nổi trội, cũng dễ nhảy việc khi không như ý muốn.

Tôi chọn du học ngành công tác xã hội vì nó gần với công việc tôi đã làm trước khi du học và đặt ra mục đích rất rõ là muốn hiểu công việc này ở các nước phát triển, những gì có thể áp dụng được ở Việt Nam".

Hoàng Anh trở về Hà Nội và quyết định làm việc ở cơ quan cũ, đúng bộ phận cô từng làm việc trước đó là điều bất ngờ khó tin với nhiều người. Cô cũng gặp những rào cản đúng như dự đoán.

Có một khoảng lặng không hề nhỏ những ngày đầu Hoàng Anh quay về. Sếp và đồng nghiệp đều có thái độ e dè, thăm dò.

Những đề xuất cô đưa ra đều khó được chấp thuận. Hoàng Anh có cảm giác như mình phải trở lại điểm xuất phát lần nữa trong hành trình công việc. Cô phải vượt qua cảm giác hẫng hụt và bắt đầu liệt kê những giá trị thuộc về lợi thế của mình, tự xây dựng một kế hoạch để có thể được ghi nhận và thuyết phục được sếp.

Quá trình này khá thú vị, giúp cô hiểu ra không phải cứ ra nước ngoài mới thấy ưu việt. Những giá trị truyền thống cũng hay và cô phải biết cách sử dụng được những thứ học ở nước ngoài một cách phù hợp, hiệu quả. Dịch COVID-19 là điều không may, nhưng lại là cơ hội cho Hoàng Anh.

Cô kể: "Khi mọi người còn lúng túng với việc "thay đổi trạng thái" thì những đề xuất của tôi trong việc ứng dụng phần mềm quản lý công việc, sử dụng các công cụ để triển khai dự án được sếp đồng ý cho thử nghiệm và tôi được ghi nhận.

Điều này khiến tôi chợt hiểu ra không có điều gì là không thể thay đổi nếu kiên trì, nỗ lực và quan trọng hơn là phải có kế hoạch, giải pháp tốt để giải quyết những vấn đề đặt ra. Kết quả công việc, sự thay đổi tích cực chính là điều có thể thuyết phục người khác.

Trải nghiệm bản thân cho tôi thấy môi trường làm việc ở cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước không phải chỉ có sự lạc hậu, áp đặt - điều mà nhiều bạn đi du học về hay né tránh, sợ sẽ bị chênh, bị xung đột".

Nhiều du học sinh phỏng vấn xin việc ở các công ty nước ngoài với dự kiến làm việc 1-2 năm trước khi về nước - Nguồn: FREEPIK

Nhiều du học sinh phỏng vấn xin việc ở các công ty nước ngoài với dự kiến làm việc 1-2 năm trước khi về nước - Nguồn: FREEPIK

Những giá trị

Quỳnh Anh tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương và có hai năm làm cho một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội. Cô có công việc, mức lương tương đối tốt. Nhưng cô muốn đi học tiếp vì muốn có những trải nghiệm mới.

Cô chia sẻ: "Tôi đã dành hết thời gian được nghỉ để đi du lịch một mình. Đó là trải nghiệm để tôi nhận thấy sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, cách mỗi người vượt lên trong cuộc mưu sinh hay lựa chọn để hạnh phúc.

Đặc biệt, khi hiểu hơn về văn hóa phương Tây, tôi lại nhận ra những cái đáng trân trọng trong văn hóa phương Đông.

Ví dụ như tính cộng đồng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt. Trong cộng đồng đó, những người yếu thế được đùm bọc theo truyền thống "nhường cơm sẻ áo", trong khi ở phương Tây khi công nghệ can thiệp vào đời sống, nhiều người bị mất kết nối với những người xung quanh, dễ rơi vào cô độc, bất hạnh.

Tuy nhiên, tôi cũng học được ở văn hóa phương Tây nhiều giá trị như tôn trọng sự khác biệt, học được cách tư duy, xử lý những vấn đề phát sinh trong công việc và cuộc sống thường ngày".

Trở về, Quỳnh Anh tham gia dự án giáo dục thanh niên liêm chính. Dự án tổ chức nhiều khóa học giáo dục về liêm chính trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong công việc ở các lĩnh vực khác nhau. Cô cũng tham gia một số dự án cộng đồng khác hướng tới việc truyền cảm hứng cho thanh niên sống lành mạnh.

"Những gì tôi thấy đi du học không phải chỉ chăm chăm vào việc học và lấy tấm bằng tốt nghiệp mà còn là cơ hội để cho mình những trải nghiệm khác nhau. Với tôi, có thể nói là một cách làm mới mình để trở về có thể lựa chọn những công việc khiến tôi thấy có ý nghĩa và hạnh phúc", Quỳnh Anh chia sẻ.

Một trường hợp khác, Thanh Tâm cũng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao rồi mới tìm kiếm học bổng du học.

Cô cho rằng thứ "thu nạp" được từ môi trường học tập ở nước ngoài là khả năng nghiên cứu, tâm thế không ngại khó, không ngại tiếp cận cái mới, khả năng tự do suy nghĩ, chủ động đề xuất ý tưởng và giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng đó.

Cô cũng có nguyên tắc trong công việc: lắng nghe, trải nghiệm và nạp các giá trị. Và hơn hết, Tâm khá lạc quan khi cho rằng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy linh hoạt, cô có thể thử sức ở nhiều nơi khác nhau để chọn cho mình một nơi chốn có thể gắn bó lâu dài.

Đó là nơi cô được ghi nhận và thấy công việc cho mình sự hứng khởi. Hiện Tâm làm việc tại Trường phổ thông liên cấp Olympia tại Hà Nội vì nhận ra mình "thích giáo dục".

Những người như Hoàng Anh, Quỳnh Anh hay Tâm đều đã có những cách khác nhau để hài lòng với công việc khi du học trở về.

Họ giống nhau là đều có một nền tảng kiến thức, kỹ năng căn bản trước khi du học và có mục đích trong việc tìm kiếm, bổ sung cho mình những giá trị cần thiết. Giá trị đó không nhất thiết tìm thấy ở giảng đường, thư viện mà trong các trải nghiệm khác nhau.

"Khi hiểu hơn về văn hóa phương Tây, tôi lại nhận ra những cái đáng trân trọng trong văn hóa phương Đông.

Ví dụ tính cộng đồng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt..., trong khi ở phương Tây khi công nghệ can thiệp vào đời sống, nhiều người bị mất kết nối với những người xung quanh, dễ rơi vào cô độc, bất hạnh.

Tuy nhiên, tôi cũng học được ở văn hóa phương Tây nhiều giá trị như tôn trọng sự khác biệt, học được cách tư duy, xử lý những vấn đề phát sinh trong công việc và cuộc sống thường ngày.

QUỲNH ANH

----------------

Linh An, từng là một du học sinh được đào tạo tại New York, đã lựa chọn trở về để bắt đầu một hành trình mà cô biết trước sẽ khó khăn và cô đơn.

Kỳ tới: Dám chấp nhận cô đơn và thách thức

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 3: Bí kíp vượt khó và tỏa sángNhững ngả đường du học trở về - Kỳ 3: Bí kíp vượt khó và tỏa sáng

Hà Duy - nhà sáng lập Quỹ hỗ trợ Start-up Việt, hiện làm việc tại Canada, từng kết nối nhiều bạn trẻ trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tham gia các dự án cộng đồng - đúc kết: "Nếu du học 4-5 năm thì quay về, bạn cũng cần 4-5 năm để thích nghi".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên