31/10/2011 06:24 GMT+7

Những mảnh đời rổ rá - Kỳ cuối: Người đàn bà sửa xe

Tuanna
Tuanna

TT - Chồng bị căn bệnh không nhấc nổi tay chân. Con thì đứa ngẩn ngơ, đứa sinh hoạt không bình thường. Lẽ ra phải chấp nhận cuộc đời “rổ rá” trong xó bếp, chị vươn ra cái lán sửa xe ở đầu hẻm rồi treo lên đó số điện thoại của mình để có thể sửa xe 24/24 giờ trong ngày.

Khi chồng không còn nhấc tay lên được, chị lén đi học nghề điện để vượt xó bếp mà lo cả công việc của đàn ông trong nhà. Giữa cuộc đời, chị thấy mình vui vì trong từng ngày chị đã sống với chồng con đến hết cả tâm tình và sức lực của mình. Chị tên là Trần Thị Nghiêm, ở phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, An Giang.

Kỳ 1: Nỗi lòng Ly “vé số” Kỳ 2: Người mẹ kế Kỳ 3: Ở đời hãy đóng tròn vai! Kỳ 4: Thân cò bên Bến Mộng

jEjrwqj7.jpgPhóng to
Từ lâu lắm rồi, chị Nghiêm là cánh tay nối dài của chồng - Ảnh: Ngọc Nga

Chuyện của chồng

Tui bắt đầu có biểu hiện bệnh cách đây tám năm. Lúc đầu chỉ là những cơn choáng nhẹ.“Chắc mình làm việc quá sức”- tui nghĩ vậy. Rồi chân tui cứ đi loạng choạng. Bà con lối xóm bảo:“Cha Tưởng này siêng năng vậy mà giờ đổ đốn, suốt ngày say xỉn”. Tui cười xòa để giấu bệnh. Đi khám, bác sĩ bảo tui bị bệnh “thất điều giai tiểu não”, không chữa được, cơ thể sẽ mất dần khả năng vận động. Tui biết mình sẽ như ông cố, như ba, như cô mình... đang khỏe mạnh rồi từ từ chân tay không cử động được, tới lúc chẳng nuốt nổi cơm rồi ra đi.

Mang vỏ bọc là kẻ nát rượu tui chỉ giấu được người ngoài chớ đâu giấu được vợ. Vợ nhận ra, chỉ khóc rấm rứt một đêm rồi sáng dậy chạy lăng xăng nấu cơm, cười nói rôm rả. Năm xưa khi từ Trà Vinh đến An Giang đi bộ đội, tui thương cô ấy. Ngày đưa cô ấy về ra mắt gia đình, tui nói với vợ về hoàn cảnh bệnh tình của dòng họ mình, có thể di truyền, sinh con ra không biết sao. Cô ấy tận mắt chứng kiến ba tui ngồi một chỗ đờ đẫn không cầm nổi chén cơm vậy mà vẫn gật đầu đồng ý. Tui nấn ná, vợ tui giục làm đám cưới. Cưới xong hai vợ chồng ở lại căn nhà lợp tôn dột nát mà mẹ vợ để lại ở Long Xuyên.

Đứa con trai đầu lòng ra đời. Tui vẫn khỏe mạnh. Ngày đắp hồ nuôi ếch, tối về chọc con cười nắc nẻ. Thằng Túc lớn lên chút có những biểu hiện không bình thường, người ta nói nó thiểu năng trí tuệ. Tui chết lặng. Năm nó 5 tuổi, chân tay tui bắt đầu loạng choạng.

Ngày vợ sinh thằng con thứ 2, lập bập mãi tui mới lên được tới trạm xá, muốn té xỉu khi biết con không có hậu môn. Ở cữ có mấy ngày, vợ một mình ẵm con lên Sài Gòn chữa bệnh cả tháng trời, lúc nào gọi điện về cũng cười và nói: “Mình chớ có lo, Sài Gòn như ở xóm mình à”.

Con chữa bệnh xong đã có hậu môn, nhưng đến giờ đã 4 tuổi vẫn ị trong quần. Vợ phải giặt giũ luôn. Thằng anh thì ngẩn ngơ, 12 tuổi rồi mà vẫn chưa học xong lớp 3. Ba cha con tui đều là gánh nặng cho vợ.

Khi tui bắt đầu ngồi xe lăn, vợ đăng ký đi học một lớp về điện máy rồi dựng cái lán ngay đầu hẻm để sửa xe máy. Tay yếu vặn cái ốc nhiều khi em thở không nổi. Nhưng vợ tui có sá chi. Tui ngồi xe lăn, bày vợ tháo cái này, lắp cái nọ. Vợ học nhanh, vá xe, thay ruột, sửa bugi... đều làm tuốt. Để kiếm thêm tiền, vợ tui để số điện thoại ngay ngoài lán.

Đêm khuya có người hỏng xe gọi điện, vợ đều dậy, mang đồ nghề lục đục chong đèn sửa xe. Có hôm 1 giờ sáng, gặp mấy ông nhậu xỉn trêu ghẹo, vợ tui vừa vá xe vừa khóc. Từ đó cứ nhận được điện thoại là tui theo vợ ra ngồi ngoài lán. Thân đàn bà con gái đêm hôm chẳng biết có chuyện gì, có cái bóng đàn ông vẫn hơn. Vợ tay ôm đồ nghề, lưng cõng thằng em, thằng anh đẩy tui.

Không ít lần tui quạu quọ, la lối vợ om sòm vì cảm thấy mình vô dụng. Một lần nhà cháy cầu chì, vợ đỡ tui đứng dậy để sửa, cái việc cỏn con vầy mà cũng không làm được, tay tui cứng đờ. Cổ họng tui nghẹn lại, tui hét lên, nước mắt ròng ròng, quát mắng vợ. Em không cự lại, chỉ lặng lẽ vô bếp nấu cơm rồi quay ra cười cười nói nói khiến tui dịu lại. Hôm sau, vợ nối lại cái cầu chì ngon lành, thấy tui ngạc nhiên em mới thổ lộ: “Em lén anh đi học một lớp về điện nên rành lắm, từ nay anh chớ có lo”.

Để có tiền nuôi ba cha con tui, không chỉ sửa xe vợ còn nuôi luôn cả rắn. Ngày nào vợ cũng làm quần quật đến nửa đêm mới được ngả lưng, mà nào có được yên giấc, có người hỏng xe là giờ nào vợ cũng thức dậy cày cục sửa, ấy vậy mà chẳng bao giờ em kêu ca một tiếng, lúc nào cũng cười nói rôm rả với ba cha con tui.

Và tấm lòng của vợ

Lúc hai đứa chuẩn bị cưới nhau anh nói gia đình anh có căn bệnh di truyền. Anh bảo tui suy nghĩ cho kỹ. Tui thương anh, từ nhỏ ba má đã ly dị, anh phải sống với mẹ kế, bị đánh như cơm bữa. Sau này, dù có chuyện gì thì tui vẫn thương anh để bù đắp lại tuổi thơ cực nhọc của chồng.

Ngày đi nhận kết quả khám bệnh về chồng tui cứ nhìn lên mái nhà xập xệ hồi lâu rồi lẩy bẩy đi mua mấy tấm lợp thật đẹp. Rồi anh tập xe đạp cho thằng Túc, đắp thêm hồ nuôi ếch... Anh nói sau này muốn làm cũng không được nên phải tranh thủ.

Bệnh chồng ngày càng nặng hơn, đập con muỗi trên tay cũng phải kêu con. Những hồ nuôi ếch anh đắp đành phải nhường lại cho người khác. Chẳng muốn ngồi chơi không, anh cạy cục chế chiếc xe ba bánh rồi đi bán vé số khắp nơi để kiếm tiền. Tới lúc không thể điều khiển xe chạy theo ý mình được nữa, anh ở nhà bày cho tui sửa xe máy.

Tuy sức khỏe ngày càng yếu nhưng chồng tui giỏi lắm, những việc của người đàn ông trong nhà anh đều cố gắng đảm đương. Những việc như sửa điện tui có thể làm được thay chồng nhưng lúc nào anh cũng nói: “Để anh, mai mốt muốn làm cũng không được”. Tui hiểu chồng đang cố gắng sống có ích từng ngày nên càng thương anh hơn.

Có hôm cái cầu chì bị cháy, anh bảo tui đỡ đứng dậy để sửa nhưng tay cứ cứng đờ. Anh hét lên rồi khóc, la tui om sòm. Đó là lần đầu tiên từ khi biết mình mang bệnh anh khóc trước mặt tui. Tui biết chồng mình nhiều lần yếu lòng lắm, nhưng lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ để vợ con khỏi lo lắng.

Tui thay anh làm nghề sửa xe, mấy việc vá, bơm, thay ruột tui làm được ngay nhưng mấy khoản máy móc thì cứ loay hoay hoài. Sợ anh lo tui cứ gật đầu ra vẻ hiểu mỗi lần anh chỉ, nhưng thật ra đàn bà học mấy cái khoản đó đâu dễ. Mỗi lần tui sửa xe anh đều ngồi bên cạnh chỉ cho tui, phụ làm mấy việc nhẹ như bơm bánh xe, nhặt con ốc đưa cho vợ. Làm việc mà có vợ có chồng, những mệt nhọc dường như tiêu tan đâu hết.

Đêm, cứ hễ có người gọi điện thoại kêu sửa xe là anh lại thức dậy, lăn xe ra lán ngồi cùng tui. Anh sợ đêm hôm tui gặp nguy hiểm. Có bóng chồng ngồi bên cạnh tui cũng thấy vững dạ hơn.

Nhiều người cứ hỏi tui “Sao chồng bị bệnh vậy mà lúc nào cũng thấy chị cười vui vẻ?”. Ừ thì cười, tui không thể khóc được. Cũng như chồng tui dù đi không vững vẫn cố làm chỗ dựa cho vợ con. Chồng tui có được mấy ngày còn nhận ra vợ con nữa đâu. Vợ chồng gây gổ, nhiếc móc nhau làm chi. Tui biết một ngày nào đó chồng mình sẽ ra đi nên bây giờ mất gì mà không cười để anh được vui vẻ chứ!

-------------------------------------------------

Đón đọc số tới: Ký ức loài tê giác

Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã vừa công bố một tin chấn động: loài tê giác một sừng cuối cùng ở VN đã vĩnh viễn biến mất. Đây là thông tin gây “sốc” cho tất cả những ai từng tự hào về tài nguyên thiên nhiên phong phú của VN. Nhắc câu chuyện tuyệt diệt của tê giác một sừng chính là nói về hiểm họa có thể xảy ra cho mọi loài khác trong tương lai ở những cánh rừng VN...

Tuanna
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên