Thực khách thưởng thức phở tại một quán phở ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc báo Tuổi Trẻ tổ chức sự kiện Ngày của phở là rất cần thiết và ý nghĩa để quảng bá, khẳng định giá trị ẩm thực phở. Ngay ở Nhật Bản, quốc gia không phải quê hương của phở, người ta còn có ngày dành riêng cho món ăn này, 4-4. Vậy nên trên quê hương của phở Việt Nam càng phải có, thậm chí phải được tổ chức rộng lớn, quy mô hơn
Bạn đọc BÁ LỘC
Cô Kim Anh - một trong những tác giả đoạt giải cuộc thi viết Ký ức về phở - chia sẻ mối duyên của mình với cuộc thi: "Hôm tôi biết cuộc thi rất là muộn, trước khoảng 3 ngày hết hạn, nên phải chạy marathon mà viết. Đề tài của cuộc thi không khó, nhưng cái khó là phải có những ký ức thật và phải có tình yêu sâu sắc với phở thì mới có thể viết được. Thật may, tôi đều có cả hai".
Mở tiệm phở "ăn, nghe, nhìn"
Kim Anh - tác giả bài Phở Tư Lùn - hiện đang làm việc tại một công ty về công nghệ, với cô viết là một sở thích, đam mê, bên cạnh đam mê về phở. Cô chia sẻ cô từng đi nhiều nước và ăn phở ở Mỹ, Canada...
Phở bán ở nước ngoài chủ yếu theo phong cách phở Nam, có giá đỗ, rau thơm, vị ngọt của đường, tương đen... và các hàng phở nước ngoài đều của tư nhân, mang tính tự phát. Các quán phở thường bán kèm món Thái, Trung Quốc...
Vì thế, theo cô: "Tôi nghĩ nên có cuộc phát động lớn từ Tổng cục Du lịch để mở tiệm phở "ăn, nghe, nhìn" ở các trung tâm mua sắm nước ngoài. Các quán phở được trang trí bằng hình ảnh và các clip hướng dẫn cách nấu phở, trình bày..., đan xen là hình ảnh của những vùng miền VN.
Khách được ăn phở ngon lại được thấy vùng đất đẹp nên hẳn nhiều người cũng muốn đến du lịch nước mình; chứ hiện tại các quán phở ít chú ý đến trang trí, thậm chí có người ăn phở thấy ngon nhưng không biết là của nước nào...".
Hỏi vui nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan - tác giả bài Phở mụ Liếc - rằng ông đã là một nhà văn, điều gì ở cuộc thi Ký ức về phở cuốn hút để ông tham gia? Nhà văn cười lớn: "Tôi già rồi, thường sống với quá khứ.
Thấy cuộc thi có đề tài gợi ký ức nên thấy mình có thế mạnh để tham gia. Chứ đề tài nói về phở 4.0 hay phở vũ trụ, phở ngoài hành tinh là tôi bó tay ngay thôi. Cuộc thi này cũng quy tụ nhiều người nổi tiếng như nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Bùi Chí Vinh... nữa".
Ông nói về giải thưởng một cách hài hước: "Khi bài được đăng trên báo là tôi đủ mừng rồi. Đoạt giải lại càng vui nữa. Chuyện đoạt giải tôi cũng không suy nghĩ gì vì theo kinh nghiệm của tôi, việc có giải hay không giống như mua vé số vậy".
Gắn ẩm thực phở với phát triển du lịch
Bạn đọc Vương Hoàng Bá Lộc - tác giả bài viết Ước vọng về một "Festival phở Việt Nam" - nói về tình yêu với món phở: "Tôi coi phở như một món ăn bình dị, gần gũi với người dân Việt Nam. Vì phở là món giàu dinh dưỡng lại dễ ăn, thích hợp với khẩu vị nhiều người nên coi phở như cơm tẻ vậy. Những lúc mệt mỏi, khó ăn là nghĩ ngay đến phở, làm một tô là lại khỏe ngay".
Trong bài dự thi Hiến kế phát triển Ngày của phở, anh Bá Lộc cho rằng để Ngày của phở phát triển hơn, rất cần sự nhân rộng mô hình, việc tổ chức cần thời gian dài hơn, hoành tráng hơn để lôi cuốn người dân và khách du lịch biết đến, tham gia.
Muốn vậy, các sở ban ngành như Bộ VH-TT&DL cần có chính sách đầu tư phát triển hơn cho ẩm thực phở, gắn ẩm thực phở với phát triển du lịch...
Còn chị Huyền Nga - tác giả của sáng kiến 4 điều cần làm để thế giới biết đến phở - cho rằng nếu ví Ngày của phở như một cái cây thì để cây phát triển phải chăm chút cả ba phần rễ, thân, ngọn.
Trong đó, rễ là những việc làm về cơ bản, cơ sở hạ tầng như đầu tư về chất lượng món phở, không gian thưởng thức phở, cung cách phục vụ của nhân viên. Phần thân là những việc như tổ chức sự kiện, lễ hội, festival, tuần lễ phở...
Và cuối cùng là ngọn, đó là đưa phở vào du lịch, vào điện ảnh.
Chị Lê Thị Kim Thơ - tác giả bài Phở hàng rong đong đầy hương sắc Việt - lại bị món phở hấp dẫn vì cách khác: "Tôi thích phở chủ yếu là vì thích cảm giác húp nước phở ấm, thơm mùi gia vị trong những ngày trời se lạnh. Sẽ càng ngon hơn nếu ăn phở kèm theo một chén trứng".
"Tôi vui mừng vì phở đã có một ngày riêng cho mình như các ngày lễ khác trong năm. Bởi từ đây, không chỉ người Việt mà những Việt kiều, du khách cũng sẽ biết và nhớ đến phở như một món ăn tinh hoa được trân trọng và có một ngày riêng để vinh danh" - chị Kim Thơ chia sẻ.
Theo chị Kim Thơ, người dân Việt cần xem Ngày của phở không chỉ là ngày của một món ăn mà là một ngày mang tính gắn kết người dân cả ba miền đất nước, cùng nhau nhớ và thưởng thức, làm trọn vẹn hơn một ngày hội ẩm thực chung, để Ngày của phở dần nằm trong ý niệm của mỗi người Việt.
Ở một nơi không có quán phở
Thầy giáo dạy văn Lê Quang Thọ (Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) - tác giả bài Phở quê - nói giọng buồn buồn: "Học sinh trường tôi đang bước vào đợt ôn thi học kỳ 1 nên tôi không thể ra Hà Nội để nhận giải thưởng.
Tôi dự định trích số tiền thưởng của mình để trao hai suất học bổng nho nhỏ cho hai em học sinh nghèo của trường, trị giá 300.000 đồng/em".
Ông vui vẻ "khoe": "Tôi đã có bốn giải thưởng về viết lách, trong đó ba giải là do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Đó là cuộc thi Góc nhà bình yên, Cảm xúc tháng 3 (do Tuổi Trẻ phối hợp Hãng phim Trẻ tổ chức) và mới đây nhất là Ký ức về phở".
Ông bảo giờ mình đã 50 tuổi, đã lập gia đình nhưng khi ngồi viết bài, những kỷ niệm ngày xưa ùa về.
Đó là những năm 1990-1997, cuộc sống đầy khó khăn ở vùng kinh tế mới tại Đắk Lắk. Ở đây không có quán phở nào, món phở cá là sự biến hóa từ mì Quảng cá lóc. Đem xương cá hầm lấy nước, thịt cá lóc ngọt, kết hợp với tôm tươi, rau sống, lõi cây chuối... Món ăn mang đậm hương vị quê nhà.
Thầy Thọ bảo bây giờ cuộc sống của mọi người đỡ vất vả hơn nhưng ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana vẫn không có quán phở riêng biệt mà phở bán chung với những món ăn khác như bún bò, mì Quảng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận