20/10/2013 05:04 GMT+7

Những ký ốc thay đổi phận người

YẾN TRINH - NGUYÊN VŨ
YẾN TRINH - NGUYÊN VŨ

TT - Ven con lộ dẫn qua ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi (Châu Thành, Tây Ninh) mọc lên một xóm ốc của những nông dân vốn chỉ quen làm thuê cuốc mướn.

Cái nghề này mới có từ năm năm trở lại đây nhưng đã giúp thay đổi số phận của những con người nghèo khổ này.

xPFOwoJI.jpgPhóng to
Em Lâm Văn Thanh học buổi sáng, buổi chiều phụ mẹ bán ốc - Ảnh: Yến Trinh

Những người bán ốc cho biết họ nhận ốc từ các thương lái qua Campuchia đem về bỏ mối. Một ký ốc lác có giá 20.000-40.000 đồng tùy mùa, được khách hàng ưa chuộng vì thịt ngon hơn hẳn ốc thường chỉ 5.000-10.000 đồng/ký.

Đổi đời nhờ ốc

Chúng tôi tìm gặp anh bán ốc hiền nhất xóm này mà dân địa phương giới thiệu.

Giữa hai cây bạch đàn nghiêng nghiêng, anh Lâm Hoàng Tâm mắc cái võng làm chỗ ngồi đằng sau mấy mâm ốc. Một phụ nữ dừng xe hỏi giá. Anh nói 25.000 đồng/kg. 35 tuổi, anh Tâm bán ốc được năm năm nay. Bày hàng từ 5g sáng bán tới tối, mỗi ngày anh kiếm khoảng 200.000 đồng, chủ yếu bán cho dân quanh vùng và khách vãng lai. Mỗi ký ốc lác anh lời 3.000-10.000 đồng tùy mùa (mấy tháng tết giá ốc lác 40.000 đồng/ký), còn các giống ốc khác lời không đáng kể. Hai đời nhà anh nông dân rặt, đất đai không có, quanh năm làm thuê làm mướn nên mấy ngày đầu cầm được tiền lời bán ốc trên tay, anh sung sướng lắm. Từ 200.000 đồng này, vợ anh tính toán lo bữa cơm, lo cho đứa con gái lớn đang học lớp 5, lo sữa cho con gái nhỏ, lo nhín nhút sắm những vật dụng cần thiết trong nhà. Mới nhất là sắm cái bàn học liền tủ sách sơn hồng xanh cho con gái.

Anh Tâm thôi học từ lớp 5. 15 tuổi anh đã vác cuốc đi làm cỏ mướn. Làm bữa nào ăn hết bữa đó, hên trời nắng có việc làm, xui ở nhà ngó mưa. Mấy lúc chán nản anh mướn xe ba gác đi mua dừa bán lại nhưng rồi xe ba gác bị cấm, anh thất nghiệp. Rồi anh đi giữ vườn cho người ta, mỗi tháng tiền công 1-1,5 triệu đồng. Cái câu “ngẩng mặt với đời” anh không dám nghĩ tới vì triền miên sống phận bán sức lao động lấy cái ăn. Năm 2008 thấy người ta bán ốc đông người mua, anh dò hỏi mới biết dạo ấy có nguồn ốc từ Campuchia về, giá cao gấp 4-5 lần ốc gạo, ốc bươu của bên mình. Vậy là anh dồn số tiền dành dụm ít ỏi làm vốn bán ốc. Dần dần cuộc sống bớt túng thiếu.

Chúng tôi theo anh về căn nhà cách đó 2km. Nhà gạch, mái tôn nóng hầm hập. Anh nói: “Nhờ bán ốc mà tui cất được nhà, sắm được tủ lạnh, tivi, xe máy. Xóm giềng bảo tui đổi đời”. Hai đứa con anh học khá và rất siêng, cả hai đều thương cha thương mẹ. Nhìn chung đó là một gia đình hạnh phúc

DzjZ3sQR.jpgPhóng to
Nhờ ốc, cuộc sống gia đình anh Tâm ổn định hơn, tiện nghi hơn - Ảnh: Y.Trinh

Xóm ốc đầm ấm

Ở xóm ốc này cả chục chòi ốc sát nhau xôn xao người mua kẻ bán. Chòi nào cũng bày hàng từ mờ sáng tới đêm, có chòi cất nhà ngay phía sau để tiện việc bán buôn. Như bà Nguyễn Thị Tuyết, 56 tuổi, cho biết nhờ bán ốc mà bây giờ thoát được cảnh làm thuê kiếm sống từng đồng. Dù tiền lời bán ốc mỗi ngày chỉ khoảng 100.000 đồng nhưng ít ra hai vợ chồng già cũng có niềm an ủi là tâm điểm sự quan tâm hỏi han nơi xóm ốc này bởi ai cũng thương họ đơn chiếc. Bà Tuyết kể: “Cái chòi tui đang bán ốc cũng nhờ một cô tốt bụng nhường lại. Sống trong tình nghĩa xóm giềng như vậy cũng đỡ tủi”.

“Bán sát nhau vậy cạnh tranh dữ lắm, chắc cũng gây gổ nọ kia?” - tôi hỏi. “Không đâu, ai cũng phải sống nhưng sống đàng hoàng. Tụi tui ở đây cũng hay lấy ốc bán giùm nhau khi người này hết hàng mà người kia còn. Ai cũng khổ nên phải đùm bọc nhau” - mấy người bán ốc nói vậy.

Họ cho biết cuộc sống trông chờ hết vào ốc, đó là miếng cơm, là đồng tiền cho con đến trường, là cái tivi để cả nhà quây quần buổi tối, là thang thuốc khi ốm đau, trên nữa là hi vọng vào một tương lai không còn bất định. Rồi từ chỗ bán ốc, họ có điều kiện nói năm ba điều với nhau, biết chuyện thời sự, biết cảnh nhà người này người kia đặng mà hỏi han giúp đỡ!

Giữa những gương mặt sạm đen của những người bán ốc là hình ảnh sáng sủa của em Lâm Văn Thanh, học lớp 8, đang cân ốc và thối tiền cho khách. Thanh khôi ngô, trắng trẻo, học khá. Thanh chẳng nhớ mình bắt đầu bán ốc phụ gia đình từ lúc nào, nhưng em cho biết vừa bán vừa tranh thủ học bài ngay tại các mâm ốc này.

Chị Lê Thị Gái Nhỏ, 32 tuổi, mẹ của Thanh, cho biết: “Vợ chồng tui có hai đứa con trai lớp 8 và lớp 3, trời thương nên đứa nào cũng ngoan và biết phụ giúp cha mẹ. Thằng Thanh trưa nào học xong là về ngồi bán ốc phụ mẹ. Hôm nào thức sớm thì giúp mẹ dọn hàng”. Theo lời chị Nhỏ, nhờ bán ốc mấy năm nay nên nhà chị cũng tạm đủ sống, nuôi thêm được một cặp bò làm vốn nên không còn ưu tư về đời sống kinh tế như trước đây.

Chúng tôi rời xóm ốc lúc trời vần vũ mây đen. Xóm ốc loay hoay đậy gió che mưa. Họ ngồi co ro trong những căn chòi ngóng chờ người ghé mua ốc. Cậu bé Thanh vẫn cầm cuốn tập đung đưa trên võng. Những con ốc nhỏ bé này sẽ qua tay cậu để lên đường tìm về các quán ăn phục vụ người dân TP.HCM. Ở nơi đó chắc chẳng ai quan tâm nhiều đến số phận của những người buôn bán ốc. Nhưng tại đây, con ốc đang trở thành kế sinh nhai bền vững cho những con người nghèo lầm lũi nắng mưa.

YẾN TRINH - NGUYÊN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên