22/04/2017 08:08 GMT+7

Những kiểu 'tiền trảm hậu tấu' của ông Võ Kim Cự

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Dù chưa xin ý kiến các bộ ngành về việc đầu tư của Formosa nhưng ông Võ Kim Cự đã cam kết cho thuê đất 70 năm và sau đó tiếp tục xác nhận nhiều ưu đãi "thái quá" với doanh nghiệp này.

Nhà máy Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Nhà máy Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ khi Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh, trong từng giai đoạn, qua các kết luận sai phạm, khuyết điểm liên quan đều có sự “góp mặt” của ông Võ Kim Cự. Ông Cự liên tục... tiền trảm hậu tấu.

Sai quy định

Ngày 9-4-2008, ông Võ Kim Cự khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiêm trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh) ký văn bản xác nhận các ưu đãi cho dự án khu liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa.

Lý giải với báo chí về sai phạm trong việc cho Formosa thuê đất 70 năm, ông Cự từng nói: “Tôi khẳng định tôi làm đúng, khi thẩm định dự án đều có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành... sau đó báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý để Hà Tĩnh được cấp phép”.

Tuy nhiên trong văn bản nói trên, ông Cự đã cam kết với Formosa về thời hạn cho thuê đất là 70 năm và thời điểm đó UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa xin ý kiến các bộ ngành về việc đầu tư của Formosa.

Ngày 8-5-2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có văn bản xin ý kiến.

Sau đó, 11 bộ ngành có văn bản nhận xét về báo cáo đầu tư, nhưng không có nội dung đề nghị Chính phủ về thời hạn 70 năm.

Ngày 2-6-2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản “Báo cáo thẩm tra dự án đầu tư khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa” gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 6-6-2008, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Về nguyên tắc, đồng ý việc Formosa thực hiện dự án đầu tư khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến các bộ, ngành trung ương hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục liên quan, chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng tổ chức thẩm định và cấp phép chứng nhận đầu tư cho dự án này theo quy định hiện hành.

Năm 2015, Thanh tra Chính phủ kết luận rõ: đối chiếu với hồ sơ chưa thấy có ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa 70 năm là sai quy định.

Ông Võ Kim Cự - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Võ Kim Cự - Ảnh: NAM TRẦN

Cho xả thải ra biển trước khi được điều chỉnh

Chưa hết, cũng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ông Võ Kim Cự còn xác nhận nhiều ưu đãi “thái quá” với Formosa.

Dù chưa báo cáo Thủ tướng nhưng ông Cự đã xác nhận ưu đãi với Formosa: “Khi dự án đi vào hoạt động, UBND tỉnh sẽ trình Thủ tướng xem xét cho hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 quy định là 25% - PV) trong suốt thời gian thực hiện dự án”.

Ông Cự còn có cam kết khác là “trong quá trình hoạt động, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế, thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm”. 

Rồi cam kết cho miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải..., rồi được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được.

Đến ngày 18-7-2013, ông Võ Kim Cự trên cương vị chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch xây dựng tuyến ống xả nước thải ra biển, mặc dù thời điểm này báo cáo đánh giá tác động môi trường đầu tiên chưa điều chỉnh, chưa thay đổi việc xả thải từ sông Quyền ra biển.

Mãi đến ngày 26-8-2013, tức là hơn một tháng sau khi ông Cự đồng ý chủ trương trên, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) mới có văn bản chấp thuận điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, cho phép Formosa xả thải ra biển.

Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nặng nề

Sự cố môi trường biển đã làm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 của tỉnh Hà Tĩnh giảm tới 17,06% so với năm 2015, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 29,87%, khu vực dịch vụ giảm 14,16%... 

Chi trả đền bù sự cố môi trường ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Chi trả đền bù sự cố môi trường ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Báo cáo kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh cũng cho biết thu ngân sách tỉnh này năm 2016 đã hụt 2.000 tỉ đồng.

Nguyên nhân do Formosa giảm mạnh đầu tư, Formosa chưa đạt công suất sản xuất như thiết kế...

Đặc biệt, với việc gây ra sự cố môi trường biển, lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết các dự án kinh doanh dịch vụ lưu trú, khai thác nhà xưởng tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh đã giảm tới 70% số lượng phòng cho thuê.

Nhà máy đông lạnh Nam Hà Tĩnh hoạt động cầm chừng do không có nguyên liệu. Khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng 4,89%, thấp hơn mức dự kiến kế hoạch là 7,73% và chỉ đóng 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

Đến nay, một số chỉ tiêu kinh tế quý 1-2017 của Hà Tĩnh cũng không mấy sáng sủa. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 8.116 tấn, vẫn giảm 1.800 tấn so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ đạt 792,68 tỉ đồng, giảm 33,81% so với cùng kỳ năm trước... 

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên