20/10/2011 05:24 GMT+7

Những khoảnh khắc huyền thoại

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - 10 năm đoàn tàu không số hoạt động (từ 1962-1972), có cả thảy 168 chuyến tàu lên đường, phần lớn vào được bến, một số buộc phải quay về. Chín chuyến phải phá tàu, ba chuyến bị bắt giữ.

Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Cánh buồm xuyên Tây Kỳ 2: Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển Đông

gVQT6NHu.jpgPhóng to
Sa bàn trận chiến đấu của tàu 235 ở Hòn Hèo, Nha Trang - Ảnh: tư liệu

Dưới đây là những ký ức, tư liệu, nhật ký của người trong cuộc về khoảnh khắc huyền thoại của những con tàu thuộc đoàn M25.

1

Ông Hà Minh Thật, thủy thủ trưởng tàu 235. Đêm 29-2-1968, tàu chúng tôi đến bến Hòn Hèo, Nha Trang, quay ra quay vào hai lần không thấy bến ra đón. Tàu bị phát hiện. Tàu chiến của đối phương từ căn cứ Cam Ranh lao đến vây kín vùng biển phía bắc. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tắt hết đèn, bình tĩnh luồn lách vào bến. Cùng lúc đó, hai tấn bộc phá nối dây liên hoàn đã sẵn sàng đợi lệnh để thủ tiêu tàu. Xác định đúng bến, tàu thả neo, bỏ hàng. 35 tấn vũ khí được thả quanh tàu trong hơn một giờ. Hết hàng tàu quay ra, lượn vòng để nghi binh bến. Đạn từ các tàu bao vây bắn vào như mưa, một số anh hi sinh ngay tại chỗ. Tôi đứng ở mũi, phóng ĐKZ bắn cháy một tàu chiến Mỹ.

Không thể ra được nữa, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh: “Đặt nụ xòe 25 phút”. Tôi có nhiệm vụ đánh ở mũi tàu, Thứ ở phần thân, Tuyến và Khung ở sau lái. Các nụ xòe giật xong, đưa thuyền trưởng kiểm tra rồi chúng tôi cùng lao xuống biển, rời tàu. Không có giây nào để suy nghĩ, ngần ngại. Bơi được một đoạn, tôi thấy hơi gió mát phớt qua đầu, quay lại thấy một chớp lửa xé màn đêm. Tàu 235 của chúng tôi đã biến mất. Nhiệm vụ đã hoàn thành.

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và anh Ngô Văn Thứ còn tổ chức một trận đánh nữa trên bờ, cầm chân đối phương đang lùng sục, tìm bắt chúng tôi. Hai anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi hi sinh. Tàu đi 21 người, sau mười ngày thất lạc nhau trong rừng, khi tìm được cơ sở chúng tôi còn lại năm người...

2

Ông Lê Xuân Thơm, thuyền phó tàu 43. Cũng đêm 29-2-1968, tàu 43 đến bến Mỹ Á, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Vừa xác định được điểm đến, quay mũi tàu vào bờ thì chúng tôi bị bao vây. Tôi là thuyền phó phụ trách hỏa lực, mệnh lệnh đầu tiên là tháo bỏ ngụy trang, tất cả mũi súng quay ra ngoài, đạn đã lên nòng. Đối phương thả pháo sáng, chúng tôi thả pháo mù, luồn lách rượt đuổi nhau. Trực thăng, tàu chiến lao đến. Sau hai giờ đọ súng, một trực thăng bị rơi, một chiếc khác bị thương, các tàu bao vây cũng trúng đạn. Tàu 43 cũng không thể giữ được nữa, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng cho lệnh hủy tàu, hẹn bộc phá 30 phút.

Tiếng nổ làm kinh hoàng quân đối phương bao nhiêu, càng đau xót trong lòng chúng tôi bấy nhiêu. Chiếc tàu thân yêu, 40 tấn vũ khí quý giá thế là không đến nơi được, ngay trong đợt tổng tấn công mà chiến trường đang chờ từng phút. Chỉ một điều an ủi là 17 anh em trên tàu, 14 người còn sống. Thêm một may mắn nữa chờ chúng tôi trên bờ: bác sĩ Đặng Thùy Trâm với bệnh xá tuyệt vời của chị.

Hơn hai tháng được bác sĩ Thùy Trâm chăm sóc điều trị, tất cả chúng tôi đã lại sẵn sàng cho nhiệm vụ. Cả đoàn vượt Trường Sơn ra Bắc.

3

Nhật ký với tàu 165. Đêm 29-2-1968, gần đến điểm hẹn là bến Vàm Lũng, Cà Mau thì tàu 165 bị tám tàu chiến địch bao vây. Máy bay cũng lượn đến. Tàu 165 vẫn lầm lì tiến vào bờ. Chỉ huy sở nhận được điện báo cáo: “Chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi về hướng tàu vào. Lương (Nguyễn Ngọc Lương, chính trị viên tàu 165-NV)”. Sau đó không còn liên lạc gì nữa.

Anh em ở bến cho biết suốt đêm chờ đón tàu, nhìn ra biển thấy có nhiều ánh lửa, nhiều đường đạn vạch lên trời, máy bay thả pháo sáng trắng một vùng. Những ngày sau, nhiều mảnh gỗ in dấu đạn dạt vào bờ. Tàu 165 và 18 người anh hùng của mình đã đi vào huyền thoại.

4

Ông Hồ Văn Kiêm, thủy thủ hàng hải 1, tàu 56. Đêm 1-3-1968, chúng tôi đến vùng biển bến Lộ Giao, Bình Định. Chuyển hướng vào bờ trong sóng cấp 6. Đi một lát thấy trước mũi tàu có ánh đèn, thuyền trưởng ra lệnh lái sang trái xuống phía nam. 10 phút sau thấy có đèn, chúng tôi chuyển hướng tiếp. 15 phút nữa lại có ánh đèn, lại chuyển hướng, lại có đèn... Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã bị bao vây.

Cuộc họp chi bộ được triệu tập ngay ở cabin. Hai ý kiến đưa ra: Một: cứ vào, nếu bị tấn công thì vừa thả hàng vừa chiến đấu, cần thiết thì hủy tàu rồi vượt Trường Sơn. Hai: quay trở ra vùng biển quốc tế chờ thời cơ khác vào thả hàng. Đa số đồng ý quay ra để có cơ hội hoàn thành nhiệm vụ. Tàu quay ra, đi được 30 phút thì bị năm chiếc khu trục bao vây, đánh tín hiệu yêu cầu dừng tàu. Chúng tôi vẫn đi. Máy bay đến kêu gọi đầu hàng. Chúng tôi vẫn đi. Hết kiên nhẫn, phía bên kia bắt đầu nổ súng. Lệnh tổ bộc phá chuẩn bị và tàu chúng tôi vẫn im lặng. Một chiếc tàu đối phương quay ra chắn ngang đường đi, chỉ cách 200m.

Tôi đang cầm lái, tiếng thuyền trưởng: “Kiêm! Đâm thẳng”. Tôi trả lời: “Rõ”, hai tay ghì chặt vôlăng, hai chân dạng ra, tư thế vững chắc. Tôi thoáng nghĩ đợt này mình hi sinh, 21 tuổi, chưa vợ con, không có gì để vấn vương.

Còn 50m, bỗng chiếc tàu đang chắn trước mặt tôi vọt lên trước, tránh đường. Hôm sau, hôm sau nữa vẫn bị theo dõi ráo riết, tàu 56 đành chạy về phía biển Nhật Bản. Không thả được hàng nhưng chúng tôi vẫn thắng.

5

Ông Lê Hà, thuyền trưởng tàu 645. Chuyến tàu của chúng tôi tháng 4-1972 là chuyến tàu không số cuối cùng của đoàn M25. Chiều 23-4, tôi được lệnh vào bờ, bến Cà Mau sẽ có thuyền đón. Mấy tiếng sau lại nhận được điện: “Bến động”. Ngay lúc đó tàu đã bị bao vây. Chúng tôi vẫn tiến ra công hải như không có chuyện gì, chiếc khu trục kè sát hòng bắt sống. Cứ thế vờn đuổi nhau suốt đêm đến sáng. Chúng bắt đầu nổ súng.

Ở sở chỉ huy tại Hà Nội cách đó cả ngàn cây số, đài kỹ thuật thu được tin tức của các hải thuyền Mỹ báo cho nhau từng phút. Trong đó, tàu 645 được gọi là SL4. Cả sở chỉ huy nín thở theo dõi. “...8g, HQ4 đã bắn, SL4 không trả lời; 8g20, HQ4 bắn thêm một phát trước mũi, tốc độ của SL4 vẫn không thay đổi. Ba người ngồi trên đài chỉ huy vẫn bình tĩnh; 9g05, HQ4 đã bắn trúng bánh lái, SL4 vẫn chạy qua chạy lại được...”. Mọi người giật lên như chính cơ thể mình bị trúng đạn. Thời gian như ngừng trôi. Lại có tin nữa: “9g06, SL4 dùng đại bác không giật bắn lại HQ4”.

Thêm một phút ngưng thở nữa, rồi có tín hiệu từ tàu 645. Trợ lý tác chiến nghẹn giọng đọc điện: “Nhờ các đồng chí báo cáo đảng ủy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin gửi lời chào vĩnh biệt”.

Chưa kịp trấn tĩnh, tổ kỹ thuật lại bắt được điện của đối phương: “SL4 có tiếng nổ lớn, tan khói không còn nhìn thấy SL4 nữa”. Mọi người bàng hoàng rơi nước mắt. Tàu 645 đã tan vào lòng biển cùng thiếu úy chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đang đứng bên bánh lái, cố gắng lái tàu tách ra xa đồng đội trước khi phát nổ. 16 người còn lại dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Hà, dù đầy thương tích, đã kịp thoát xuống biển. Họ bị bắt giam tại nhà tù Phú Quốc và được giao trả sau Hiệp định Paris.

---------------------------------------------

“Tàu đang đi gần vùng biển Philippines thì máy bay Mỹ đến quần đảo đánh tín hiệu hỏi: “Tàu gì?”. Lập tức, tôi được chứng kiến như thế nào là sự cảm tử của tàu không số”. Đó là ký ức của một nữ cán bộ đặc biệt trên tàu.

Kỳ tới:Bữa tiệc tây

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên